Formosa xả thải

Hà Tinh: Cải thiện sinh kế bền vững cho người dân vùng lũ

Với mục đích cải thiện sinh kế bền vững cho những nông dân nghèo trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai diễn biến khó lường, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ trong nước, đã triển khai dự án “Áp dụng chuỗi giá trị cải thiện sinh kế nông thôn trong bối cảnh BĐKH và thiên tai ở tỉnh Hà Tĩnh” với sự hỗ trợ ngân sách của tổ chức Manos Unidas (Tây Ban Nha). Nhờ đó, nhận thức về phòng, chống lũ lụt, ứng phó với BĐKH của người dân trong vùng đã được nâng lên rõ rệt…

Tổ phòng, chống “giặc thủy”

Chúng tôi đến thăm thôn Vân Cửu thuộc xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày sau siêu bão Haiyan (cơn bão số 14). Dù cơn bão cuối cùng không đổ bộ vào miền Trung, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh, song người dân trong thôn vẫn không chủ quan.

 
Người dân thôn Vân Cửu theo dõi cán bộ dự án hướng dẫn làm “đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn”. Ảnh: Thu Hương

Nhớ lại những ngày khẩn trương phòng, chống bão Haiyan vừa qua, anh Thái Văn Thắng, Tổ trưởng Tổ phòng, chống lụt bão thôn Vân Cửu, cho biết, sau khi nhận được thông báo khẩn về siêu bão Haiyan từ ban chỉ huy phòng, chống lụt bão cấp trên, ngay từ 7 giờ, UBND xã Khánh Lộc đã họp, khoanh vùng ảnh hưởng cần bảo vệ, tập trung vào các gia đình chính sách, người già neo đơn. Công tác di dân được tiến hành khẩn trương sau đó. Các tổ phòng chống lụt bão nhanh chóng giúp bà con gói ghém đồ đạc cất lên cao, đưa người già, trẻ em tới nơi trú ẩn an toàn…  Chỉ sau một ngày, công tác di dân đã được hoàn tất. “May mắn bão Haiyan đã không về, nhưng sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo của người dân cho thấy bà con đã nhận thức rõ ràng và sâu sắc về công tác phòng, chống lũ lụt”, anh Thắng nói.

Cũng theo anh Thắng, trước đây người dân trong thôn còn coi nhẹ công tác phòng, chống lụt bão. Với họ, khái niệm “BĐKH” thật mơ hồ và dường như chẳng liên quan đến cuộc sống của những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trong trận lũ lịch sử tháng 10-2010, xã Vân Cửu bị ngập cao tới hai mét, thiệt hại nặng nề về tài sản. Có gia đình chỉ kịp bồng con chạy, còn trâu bò, lợn, gà đều chết sạch. Kể từ năm 2012, với sự hỗ trợ của SRD, các tổ phòng chống bão lũ thôn đã lần lượt ra đời, trong đó có thôn Vân Cửu. Mỗi tổ gồm 15 thành viên, được xem là những người đóng vai trò mũi nhọn khi lũ lụt xảy ra. Tham gia lực lượng này, các thành viên được nâng cao kiến thức về xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thiên tai, hay thiết kế sơ đồ hiểm họa cho thôn mình qua các buổi tập huấn. Ngoài ra, họ cũng được tham dự các buổi tập huấn về công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, sơ cứu người bị thương, được trang bị các phương tiện hỗ trợ cần thiết như áo phao, phao cứu sinh, đèn pin… Không chỉ là những mũi nhọn trong công tác phòng chống, giảm rủi ro thiên tai, các thành viên trong tổ còn tích cực tham gia những chiến dịch truyền thông giúp bà con trong thông nâng cao nhận thức về thiên tai. Dần dần nhận thức của người dân trong vùng đã thay đổi và rất chủ động phòng, chống khi mùa mưa bão về.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH

Được triển khai từ năm 2012, dự án “Áp dụng chuỗi giá trị để cải thiện sinh kế nông thôn trong bối cảnh BĐKH và thiên tai ở tỉnh Hà Tĩnh” nhằm mục đích cải thiện sinh kế bền vững cho những nông dân nghèo trong bối cảnh BĐKH và thiên tai ngày một nhiều. Anh Trần Văn Lợi, cán bộ dự án của SRD cho biết, bên cạnh việc thành lập các tổ phòng chống lũ lụt, dự án còn hỗ trợ thử nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH.

Điển hình cho mô hình này phải kể đến giống lúa mới NA.R5. Chị Nguyễn Thị Hiếu, cán bộ dự án thôn Vân Cửu cho biết, giống lúa mới này đang được trồng thí điểm ở 13/100 hộ trong thôn. “Trước đây, khi lúa đông xuân còn chưa thu hoạch được thì mưa lũ ào về, bao nhiêu công sức chăm bón của bà con đều trôi theo dòng nước lũ. Với giống lúa mới NA.R5 này, bà con có thể gặt trước khi mùa mưa lũ về. Đây là loại lúa ngắn ngày (từ 3 đến 3,5 tháng) cho năng suất cao (2,5 tạ/sào), chất lượng gạo thơm ngon, đặc biệt chịu hạn và chịu lụt tốt, rất phù hợp với khí hậu khắc nhiệt như ở Hà Tĩnh. Dự kiến, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng ra nhiều gia đình ở trong thôn”, chị Hiếu cho hay.

Một trong những mô hình khác được bà con quan tâm học hỏi chính là “đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn”. Đây là một phương thức nuôi lợn vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại không có mùi hôi.

“Trăm nghe không bằng một thấy”. Theo sự chỉ dẫn của anh Lợi, chúng tôi tới thăm gia đình anh Trần Xuân Bính, ở xóm 7 cũ, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, một trong những hộ đầu tiên thí điểm mô hình này. Trước mắt chúng tôi là dãy chuồng lợn gọn gàng, sạch sẽ, đàn lợn con nào con nấy béo khỏe. Và tuyệt nhiên không ai ngửi thấy mùi hôi từ chuồng trại.

Theo nhận định chung của bà con huyện Can Lộc, với sự giúp đỡ từ dự án của SRD, người dân trong vùng đã được trang bị những kiến thức về phòng, chống lụt bão, mô hình sinh kế bền vững, từ đó cải thiện cuộc sống của mình.

LINH OANH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP