Phó trưởng phòng Hành chính – Tổ chức (Văn phòng UBND tỉnh) Lê Nguyễn Nguyên Cao cho biết, những năm qua, các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: nhiều đầu mối, chức năng chồng chéo gây cản trở lẫn nhau; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, còn có hiện tượng sách nhiễu nhân dân…
Trung tâm giao dịch “một cửa” Sở Tư pháp Hà Tĩnh đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân |
Để khắc phục tình trạng đó, ngày 25/11/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3713 cùng với đề án thực hiện, với mục tiêu đổi mới phương thức hoạt động của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn và công tác tham mưu, thực hiện chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN.
Đề án 3713 ra đời đã đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. Đề án yêu cầu đổi mới cả 3 lĩnh vực chủ yếu của cải cách hành chính (CCHC): cải cách thể chế hành chính; cải cách bộ máy và quy chế hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, trình độ, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Thành phố Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện đề án 3713 khi chọn khâu đột phá là xây dựng chính quyền điện tử. Chủ tịch UBND thành phố Trần Thế Dũng cho biết: thành phố đã chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng CNTT để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CCHC và giải quyết các nhiệm vụ quản lý nhà nước thông qua môi trường mạng. Các đơn vị, UBND phường, xã đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng mạng LAN, internet, sử dụng hiệu quả hộp thư điện tử…
Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, đảm bảo hệ thống điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời. Đến nay, gần 80% văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan được thực hiện dưới dạng văn bản điện tử; gần 90% văn bản các phòng, ban chuyên môn báo cáo cấp trên được lưu chuyển trên mạng; 100% cán bộ, công chức có điều kiện khai thác trên môi trường mạng phục vụ công việc. UBND thành phố thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH và QPAN…
“Lãnh đạo Sở Y tế xác định, việc triển khai các nội dung theo yêu cầu của đề án 3713 là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành, nên đã chủ động đổi mới cả nhận thức, hành động, từ đó, điều chỉnh, bố trí nhân lực; cải tiến lề lối làm việc, chú trọng CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện” – Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Đình Thiện cho biết.
Trên tinh thần đó, đơn vị đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc phù hợp yêu cầu nội dung của đề án và hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, hoàn thiện quy chế của đơn vị mình, đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, hiệu quả. Năm 2014, Sở Y tế hoàn thành 7/7 đầu mục công việc đúng kế hoạch UBND tỉnh giao. Vì vậy, những chuyển biến tích cực của ngành Y tế gần đây được nhân dân đánh giá cao.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm giao dịch “một cửa” xã Đồng Lộc (Can Lộc) |
Đối với các đơn vị như: Hương Sơn, Đức Thọ, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan, Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Sở Tư pháp, BHXH tỉnh… bước đầu triển khai đề án 3713 đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân. Việc niêm yết, công khai các thủ tục hành chính được chú trọng thực hiện. Những kết quả bước đầu trong việc thực hiện đề án 3713 có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều mặt của đời sống xã hội, tác động tích cực đến đời sống nhân dân.
Ông Lê Văn Đức (Đức Thọ) và nhiều người dân Cẩm Xuyên, Hương Sơn, TP Hà Tĩnh khi được hỏi đã nói: công dân, người đại diện của tổ chức đến giao dịch được hướng dẫn chu đáo, thời gian hoàn thành thủ tục được rút ngắn; môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bước đầu, người dân hài lòng với cách thức giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức.
Sau hơn 1 năm thực hiện, qua kiểm tra tại 14 địa phương, đơn vị, bà Phan Thị Tố Hoa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra đề án 3713 đánh giá: “Các địa phương, đơn vị đã chú trọng triển khai thực hiện đề án, xây dựng, hoàn thiện quy chế hoạt động; tiến hành rà soát, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, thời gian theo kế hoạch. Một số địa phương, đơn vị bám sát chương trình công tác khung của UBND tỉnh để thực hiện theo đúng tiến độ”.
Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại như: việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai đề án 3713 còn chậm và chưa thật sự gắn với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ theo chương trình khung của UBND tỉnh còn chậm; có đơn vị chưa phân công nhiệm vụ cụ thể, quy định trách nhiệm người đứng đầu về CCHC. Nhận thức của cán bộ, công chức và người đứng đầu trong một số cơ quan, đơn vị về CCHC, Đề án 3713 còn hạn chế; hiện tượng gây phiền hà cho người dân khi đến giao dịch còn tồn tại.
Theo bà Phan Thị Tố Hoa, để khắc phục hạn chế trong thực hiện đề án, UBND tỉnh cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra tại các đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành và UBND cấp xã; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về đề án, CCHC…
Công cuộc CNH-HĐH đang đòi hỏi cấp thiết cải cách nền hành chính nhà nước. Thực hiện tốt Đề án 3713 sẽ bảo đảm khắc phục, ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng và những tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước, góp phần tích cực vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tuấn Hiển