Lao Động - Việc Làm

Hà Tĩnh: Bấp bênh nghề câu mực

Biển về đêm êm đềm trong giấc ngủ, nhưng ở đó, nhiều ngư dân lại trắng đêm thao thức. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những chiếc thuyền câu mực lao mình ra biển, chông chênh trên hành trình mưu sinh.

“Ngày ngủ, đêm thức”

Như chiếc đồng hồ được lên sẵn dây cót, đúng 5h chiều, ngư dân quanh vùng biển Mỹ Hòa (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) rục rịch chuẩn bị đồ nghề đi câu mực. Thuyền lắc lư trên biển, gió từ khơi xa thổi hắt vào bờ đưa đẩy những đợt sóng trắng xóa. Chẳng mấy chốc, đêm đã giăng màn lên đại dương thăm thẳm.

Bấp bênh nghề câu mực
“Ngày ngủ, đêm thức” là câu nói ngắn gọn nhất mô tả về nghề câu mực đêm. (Ảnh minh họa từ internet)

Con thuyền thúng lướt nhẹ giữa mênh mông sóng nước. Đồ nghề chỉ đơn giản với chiếc cần câu tre dài hơn 1m buộc dây cước gắn lưỡi câu chùm. Thun, kim tuyến, rường trì được may đủ màu sắc làm mồi. Chỉ vậy thôi nhưng đã khiến đàn mực không thể cưỡng lại mà tập trung dưới ánh đèn điện. Chợt nghe “tách tách” vỗ vào mạn thuyền, theo thói quen, lão ngư Nguyễn Thăng Long vội vàng đứng phắt dậy. Những con mực ống thân dài, mình óng ánh phấn khích như muốn nhảy lên khỏi mặt nước khiến nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông miền biển giãn ra. Ông khéo léo kéo chiếc cần câu rồi nhanh như cắt đưa vợt ra đỡ. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền trở nên rộn ràng tiếng đàn mực thi nhau nhảy múa.

Thực tế, câu mực không hề đơn giản. Để đàn mực cắn câu là cả một nghệ thuật của người chủ thuyền. Với kinh nghiệm của một bậc thầy hàng chục năm lênh đênh giữa biển khơi, theo ông Long, muốn câu được nhiều mực phải nắm rõ “quy luật” lên xuống của nước, cách một ngày nước lại lên chậm khoảng 45 phút. Mỗi con mực có 10 râu nhưng chỉ 2 cái dài nhất có tác dụng bám giữ. Khi mực đã bị lùa vào bẫy, người thợ phải từ từ kéo cần, nếu không cẩn thận để dây bị chùng, chúng sẽ hiểu ý và ngay lập tức nhả mồi hoặc kéo nhanh quá cũng có thể làm đứt râu mực. Khi đi câu ở vùng có ánh sáng, nên chọn vị trí giữa sáng và tối bởi khu vực trung gian là nơi mực thường tập trung nhiều nhất.

“Ngày ngủ, đêm thức” là câu nói ngắn gọn nhất mô tả về nghề câu mực đêm. Bởi lẽ, thời gian làm việc của những ngư dân đi ngược lại với nhịp sinh học của cộng đồng. Đều đặn, 5h chiều, người câu mực bắt đầu xuất phát và họ chỉ trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 5h sáng. Thông thường, ngư dân đi câu trong khoảng cách 5 km tính từ đất liền nhưng cũng có hôm phải đi đến 13 km nếu không muốn về tay trắng. Mùa mực kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 nhưng 2 tháng đầu là thời điểm bội thu nhất. Mỗi đêm, thợ câu có thể mỉm cười với 7-8 kg mực, mỗi cân mực ống bán ra với giá khoảng 250 ngàn đồng.

Hiểm nguy rình rập

Mưu sinh giữa biển khơi luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Song, vì miếng cơm, manh áo, không ít người phải liều mình. Câu mực đêm không cho phép ngư dân phạm sai lầm nếu không sẽ trở thành món mồi cho hà bá. “Làm nghề này mới thấy mạng mình bé lắm. Đủ thứ sợ: bão tố, giông gió bất ngờ hay lật thúng. Nếu lỡ trở bệnh đột ngột cũng chẳng kịp chạy vào bờ”, lão ngư Nguyễn Viết Xuân thở dài. Gần đây, tin cha con anh Mai Xuân Điềm (Kỳ Lợi, Kỳ Anh) tử nạn khi đi câu mực đêm càng khiến ngư dân thêm hoang mang, lo lắng.

Bấp bênh nghề câu mực
Sau 1 đêm lênh đênh trên biển, người câu mực trở về nghỉ ngơi để chuẩn bị cho hành trình mới.

Không chỉ thường trực nỗi lo sóng to, biển động mà sự xâm lấn của những thuyền lớn đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh bạn cũng khiến thợ câu mực ăn không ngon, ngủ không yên. Thừa lúc ngư dân nghỉ ngơi, các tàu lạ đánh lén, cắt neo, đẩy thuyền ra biển. Nếu may mắn phát hiện thì mới có cơ hội giữ thuyền, còn không đành chấp nhận mất phương tiện kiếm sống duy nhất. Nỗi lo sợ còn tăng thêm khi tàu dạ cào liên tục vào cào phá gần bờ, dùng mìn đánh bắt hủy diệt môi trường sống của hải sản.

“Thời điểm hiện tại, xã Cẩm Hòa còn khoảng vài chục thuyền thúng đánh bắt. Nguồn lợi ngày càng cạn kiệt nên họ không còn mặn mà với nghề đi câu. Nếu trước đây, một đêm ngư dân có thể câu được gần chục kg thì bây giờ con số đó chỉ khoảng 3-4 kg, thậm chí là không được con nào”, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa – Trần Đình Cúc trăn trở. Thêm vào đó, nhiều năm nay, làn sóng xuất khẩu lao động ngày càng lan nhanh, thu hút không ít thanh niên trai tráng tìm hướng làm ăn mới khiến người dân dần rời xa nghề câu mực.

Mặt trời dần hửng sáng, một ngày mới bắt đầu. Sau một đêm làm việc không ngừng nghỉ, những chiếc thuyền câu mực lần lượt trở về. Đón bình minh trên biển là nụ cười của những người thu mua đã chờ sẵn, là phút hài lòng khi cầm trên tay đồng tiền thấm đẫm mồ hôi. Dưới ánh nắng mai, những khuôn mặt nhuộm màu nắng cho tôi cảm nhận được vị mặn qua từng hơi thở. Cái mặn mòi của biển hòa lẫn vị mặn chát từ những số phận lênh đênh trên làn nước trong màn đêm thăm thẳm giữa biển khơi.

Thùy Dương/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP