Tuy nhiên, mới đây Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã có đầy đủ chứng cứ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh về “tội hủy hoại rừng” đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, để cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
5,8 ha rừng bị chặt phá. Một khung cảnh tan hoang, xơ xác tại khoảnh 2a, tiểu khu 400, khu vực Khe bọt mói thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, các loại cây rừng như: Giẻ, chẹo, sồi… trên vùng đất này đang độ tuổi phát triển. Nhiều người dân đang kỳ vọng về một rừng tái sinh xanh tươi, có tác dụng phòng hộ, bảo vệ môi trường lâu dài. Thế nhưng, nó đã bị kẻ xấu triệt hạ. Toàn bộ hiện trạng này được Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh cung cấp cho Công an huyện Kỳ Anh ngày 8/5/2012.
Sau khi tiếp nhận nguồn tin, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an huyện Kỳ Anh đã nhanh chóng vào cuộc, thu thập các thông tin liên quan đến địa bàn và sàng lọc đối tượng. Qua hơn 1 tháng điều tra, lực lượng Công an huyện Kỳ Anh đã làm rõ 3 đối tượng là Trương Anh Bình (1972), Trương Anh Thọ (1975), Trương Anh Duẫn (1982) đều trú tại xóm Lạc Sơn, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh là những người đã tổ chức chặt phá rừng, trên diện tích 5,8 ha.
5,8 ha bị chặt phá
Trước cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận, từ ngày 19 đến ngày 27/2/2012 đã thuê 8 người ở địa bàn Tuyên Hóa, Quảng Bình (quê quán tỉnh Hòa Bình) đến chặt phá rừng. Mục đích của các đối tượng là phá rừng để trồng cây nguyên liệu, cung cấp cho các nhà máy trên địa bàn. Với diện tích hủy hoại rừng rất lớn, ngày 11/6/2012 Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Anh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhằm xử lý đúng người, đúng tội, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong quần chúng nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc – huyện Kỳ Anh: tại xã Kỳ Lạc rừng chiếm trên 2/3 diện tích. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, nên công tác tuần tra, phát hiện các trường hợp vi phạm các quy định bảo vệ rừng rất khó khăn phức tạp.
Những gì còn sót lại
Anh Nguyễn Đức Hiếu- Kiểm lâm viên – Hạt kiểm lâm Kỳ Anh cho biết thêm: Tiểu khu này do UBND xã Kỳ Lạc quản lý, theo quyết định số 3209 năm 2006 và quyết định số 3300 năm 2008 do UBND tỉnh Hà Tĩnh ký, thuộc quy hoạch C, diện đất trống đồi núi trọc. Sau 4 năm, các loại cây chẹo, rồi, giẻ đang từng ngày phát triển. Vụ việc được phát giác cũng là bài học để lực lượng Kiểm lâm đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc chủng.
Theo tài liệu cơ quan Công an huyện Kỳ Anh, thì tình trạng chặt phá rừng trồng cây nguyên liệu đã diễn ra, lực lượng chức năng đã xử lý hành chính nhiều trường hợp. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can cho hành vi phá hoại rừng trên diện tích lớn là bài học cảnh tỉnh cho những nông dân mơ ước làm giàu nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tránh những điều đáng tiếc xảy ra; đồng thời, tạo điều kiện thuận cho người dân vùng rừng phát triển kinh tế, nâng cao đời chất lượng cuộc sống./.
Điều 189 – Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam quy định.
1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;
d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;
b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng./.
Xuân Lý – Đình Vũ
CAHT