Tuyến đường vào lô đất 258 bị người dân rào chặn lối đi vì UBND thành phố Hà Tĩnh chưa GPMB. Ảnh: Thanh Nga. |
Bán đất trước, GPMB, xây dựng hạ tầng sau
Dự án hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du, xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) được phê duyệt tại Quyết định số 2471/QĐ-UBND, ngày 12/8/2009 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 2012, UBND thành phố Hà Tĩnh bắt đầu bán đấu giá các lô đất và đến thời điểm này đã có 210 lô bán đấu giá thành công.
Mặc dù hàng chục hộ dân đã làm nhà ở 5 - 7 năm nay nhưng hiện hạ tầng trong khu quy hoạch vẫn nham nhở, nhếch nhác hơn cả vùng nông thôn. Thậm chí, nhiều lô đất đang trong cảnh “sống dở chết dở” vì tứ phía không có đường giao thông, người dân muốn xây nhà cũng không xây được mà bán cũng chẳng ai mua.
Trường hợp chủ lô đất số 258, 259 là một minh chứng. Anh Mạnh Hà, người được ủy quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến lô đất số 258 cho biết, năm 2017, một người anh của anh chủ quan tin lời chủ đầu tư, chỉ xem đất trên bản đồ, không đến thực địa, đã bỏ ra số tiền hơn 1,3 tỷ đồng mua lô đất số 258, với diện tích 344,3 m2; 2 mặt tiền giáp đường dân cư rộng 13,5 m. Mới đây, gia đình không có nhu cầu ở, đến xem đất để rao bán thì tá hỏa phát hiện 2 mặt tiền lô đất chỉ ở... trên giấy.
Một tuyến đường khác rộng 13,5 m cũng chưa GPMB chứ đừng nói rải thảm nhựa như cam kết của chính quyền thành phố Hà Tĩnh khi bán đấu giá đất. Ảnh: Thanh Nga. |
“Rất nhiều người khi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã liên hệ với tôi để mua đất nhưng sau khi xem thực địa họ đều lắc đầu bỏ đi vì đường dân cư trên thực tế hoàn toàn chưa có như trong sơ đồ thửa đất. Thậm chí bây giờ chúng tôi muốn vào xem đất hay san lấp mặt bằng cũng không thể thực hiện vì diện tích quy hoạch làm đường UBND thành phố Hà Tĩnh vẫn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB), người dân đã rào chặn hết các lối đi”, anh Hà ngao ngán.
Để làm rõ lý do vì sao chủ đầu tư chậm trễ xây dựng hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du trong thời gian dài, PV nhiều lần đến UBND thành phố Hà Tĩnh đặt lịch làm việc, liên hệ qua điện thoại; thậm chí tìm đến phòng lãnh đạo UBND thành phố và phòng ban chuyên môn nhưng không nhận được phản hồi. |
Đồng cảnh ngộ, chị T.H. chủ lô đất số 259 chia sẻ, năm 2019 gia đình chị có ý định san lấp mặt bằng, xây nhà trên lô đất này nhưng vì chưa có đường giao thông nên dự định của gia đình phải tạm gác lại.
“Theo quy hoạch lô đất của chúng tôi giáp đường dân cư rộng 13,5 m. Tuy nhiên, chờ gần chục năm nay con đường vẫn là đường cụt, nền đất, chưa có vỉa hè, chưa có mương thoát nước. Đáng ra, chủ đầu tư phải làm đồng bộ hạ tầng rồi mới bán đất, đằng này, chưa GPMB, chưa làm hạ tầng đã ồ ạt bán đấu giá, chắc chỉ mỗi thành phố Hà Tĩnh bán đấu giá đất quy trình ngược như vậy”, chị H. nói.
Theo anh Mạnh Hà, sau khi “ăn cú lừa” của chủ đầu tư, chủ lô đất 258 đã có đơn kiến nghị UBND thành phố nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng tuyến đường theo cam kết.
Đến ngày 6/10/2020, ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh phát đi văn bản chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án khu quy hoạch thực hiện GPMB diện tích hơn 1.600 m2 đất còn lại, ưu tiên diện tích phục vụ thi công tuyến đường giao thông liên quan đến lô đất 256, 257 và 258, xong trước ngày 30/11/2020.
Tuy nhiên, đến nay đã giữa tháng 1/2021, công tác GPMB tại khu quy hoạch này vẫn chưa có biến chuyển.
2 tuyến đường dân cư liên quan đến lô đất 258 đang nằm trên... giấy. Ảnh: Thanh Nga. |
Trao đổi với NNVN, ông Trương Quốc Long, Trưởng Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (UBND TP Hà Tĩnh) lý giải, lý do chưa GPMB là do liên quan đến tuyến, nguồn vốn GPMB và nguồn vốn hạ tầng.
“Giai đoạn anh Dũng (Trần Thế Dũng) làm Chủ tịch UBND thành phố nhận thấy một số tuyến không cần thiết cần phải xem xét điều chỉnh. Sau đó, anh Trọng (Hà Văn Trọng) thay thế vị trí Chủ tịch, ký quy hoạch, lược bỏ một số tuyến thì mới quyết định tuyến nào làm tuyến nào không”, ông Long nói.
Đồng thời cho hay, việc quy hoạch, phê duyệt quy hoạch giai đoạn trước dàn trải quá nhiều, không có trọng điểm nên bây giờ phải tháo gỡ để sớm có mặt bằng, triển khai làm đường.
“Không chỉ tuyến đường bụi tre (từ lô đất 256 - 259), khu vực này còn vài tuyến khác cũng chưa làm. Chúng tôi dự kiến trong 2,5 tháng nữa sẽ hoàn thành GPMB tuyến liên quan đến các lô đất trên”, ông Long cam kết.
Đường giao thông tại khu quy hoạch nham nhở hơn cả đường nông thôn. Ảnh: Thanh Nga. |
Cảnh nhếch nhác giữa lòng thành phố
Với số tiền hơn trăm tỷ đồng thu về từ việc bán đấu giá đất, cư dân đặt kỳ vọng thành phố Hà Tĩnh sẽ đầu tư xây dựng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du thành một khu đô thị sầm uất, đồng bộ về hạ tầng như lãnh đạo thành phố đã từng cam kết. Tuy nhiên, thực tế sau gần một thập kỷ chờ đợi, câu trả lời chính quyền thành phố Hà Tĩnh dành cho người dân nơi đây chỉ là lời hứa.
Chị N., một hộ dân đang sinh sống tại khu quy hoạch nói: “Chúng tôi ngán ngẩm với lời hứa của ngành chức năng thành phố Hà Tĩnh lắm rồi. Trước đây có thể lấy lý do dân ở đang ít chưa đồng bộ hạ tầng nhưng bây giờ bà con làm nhà ở gần kín khu quy hoạch rồi mà các tuyến đường vẫn lổm chổm ổ trâu, ổ gà; đất bùn lầy lội không khác gì vùng sâu vùng xa”.
Chỉ một trận mưa nhỏ đường ở khu quy hoạch biến thành hồ, trẻ em sống tại khu vực này ra đây nghịch nước. Ảnh: Thanh Nga. |
Chung bức xúc, anh Nguyễn Hữu Th. cho rằng, chính quyền thành phố Hà Tĩnh đang cho dân “ăn bánh vẽ”. Bởi, cả khu dân cư có quy hoạch bài bản, nằm giữa trung tâm đô thị loại II nhưng hạ tầng đường sá bết bát không khác gì ở miền núi xa xôi hẻo lánh. Đáng buồn hơn, khu vực này nhiều năm nay trở thành bãi thập kế rác thải của các khu dân cư khác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Gia đình anh Th. sau khi đấu giá trúng lô đất ở khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du đã xây dựng nhà ở 5 năm nay. Kể từ đó đến nay gia đình anh luôn phải sống trong những chuỗi ngày thất vọng, hết hít bụi mùa nắng lại lội bùn mùa mưa.
Người dân bức xúc cho rằng bị chính quyền "lừa". Ảnh: Thanh Nga. |
Theo anh Th., khi mở đấu giá rầm rộ các lô đất, UBND thành phố Hà Tĩnh cam kết sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nguồn nước, đường điện đảm bảo nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.
“Khi chúng tôi tiến hành xây dựng nhà cửa thì không có đường điện, nguồn nước sinh hoạt phải xin sử dụng nhờ từ các hộ dân sống xung quanh. Sau đó, người dân nhiều lần phản ánh tình trạng này lên chính quyền thì mới được đấu nối điện, nước sinh hoạt”, anh Th. nhớ lại.
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp