Trồng ngô cho hiệu quả cao hơn cây trồng truyền thống
Đứng bên ruộng Ngô hàng chục ha đang xanh tốt, bác Phạm Văn Hoa (SN 1962, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), Trưởng ban Khuyến nông xã Cẩm Mỹ hào hứng chia sẻ:Vụ đông của năm 2016 xã Cẩm Mỹ đã tiến hành trồng 30 ha, hộ nhiều nhất khoảng 3 sào, hộ ít nhất cũng 1 sào và đã thu hoạch, cho năng suất và sản lượng rất tốt. Cây ngô dễ trồng, dễ chăm sóc nên bà con rất đồng tình.
“Ở Cẩm Mỹ hiện nay, vụ Xuân bà con vẫn trồng lạc, nhưng ở vụ Đông, trước đây trồng các loại cây như khoai… không cho hiệu quả kinh tế. Bây giờ chuyển sang trồng ngô, thu nhập của dân tăng hơn rất nhiều. Năm nay, chúng tôi đang cố gắng để mở rộng diện tích với hơn 95 ha cho vụ đông sắp tới.”, ông Hoa cho biết.
Bác Phạm Văn Hoa (SN 1962, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), Trưởng ban Khuyến nông xã Cẩm Mỹ trao đổi với PV báo Tầm Nhìn |
Ông Nguyễn Trọng Anh, phó chủ tịch UBND xã Phương Điền (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ, địa phương này liên kết trồng ngô với công ty VITAD từ sớm. Xã có 3 tổ hợp tác và 1 Hợp tác xã trực tiếp liên kết trồng ngô, mỗi năm 2 vụ.Tổng diện tích dự kiến trồng sắp tới của xã lên trên 100 ha.
“Từ thực tế cho thấy, so với các loại cây truyền thống khác như khoai, lạc…thì cây ngô thời gian sinh trưởng ngắn hơn, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít. Trồng Ngô cho thu nhập từ 1,7 triệu/sào, có khi được 2,2 triệu/sào, mà một năm trồng được 3 vụ, tính ra thu nhập từ 5-6 triệu/sào. Trong khi đó, ví dụ trồng đậu chỉ cho thu nhập 1,4 triệu/sào. Như vậy, việc trồng Ngô liên kết cho năng suất và hiệu quả cao hơn rất nhiều”, ông Anh chia sẻ.
Một khó khăn của xã Phương Điền trong việc liên kết trồng ngô hiện nay là đường sá đi lại còn khó khăn, chưa được bê tông hóa hết, cũng khá xa trang trại nên khó khăn cho quá trình vận chuyển. Hơn nữa, một điểm chung của hầu hết bà con là việc trồng các lọai cây truyền thống đã ăn sâu vào ý thức, thói quen bao đời nay, vì vậy phải thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, liên kết chặt chẽ với công ty Bình Hà để mở rộng thêm diện tích cũng như xin hỗ trợ thêm về giống, kỹ thuật trồng ngô cho bà con xã nhà”, ông Anh chia sẻ.
Ông Dương Văn Quyền, phó chủ tịch UBND xã Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) cho biết, thu nhập từ cây Ngô cao hơn so với các loại cây truyền thống khác. Do Kỳ Hợp ở gần ngay trang trại của công ty nên có nhiều thuận lợi cho người dân khi liên kết. Công ty VIATD ưu tiên thu mua cho bà con với giá 1000đ/kg, cao hơn so với nhiều địa phương. Đặc biệt, do gần nên quá trình vận tải nguyên liệu cũng thuận lợi hơn.
Theo ông Quyền, do khó khăn về thời tiết nên vụ hè thu vừa rồi Kỳ Hợp chỉ trồng được 25 ha, trong vụ đông tới, địa phương này sẽ trồng khoảng 50ha và sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển.
Ngô sau khi được vận chuyển về trang trại sẽ được chế biến với máy móc hiện đại làm thức ăn cho bò. |
Cũng như xã Phương Điền, một khó khăn nữa là người dân ở Kỳ Hợp có thói quen trồng một số loại cây truyền thống khác như Sắn, Keo tràm…trồng lên, họ để đó rồi đi làm thuê kiếm tiền, đến mùa là thu hoạch. Còn như trồng cây ngô thì phải theo dõi thường xuyên.
“Tuy nhiên, nếu người dân nào xác định gắn bó với cây ngô, tập trung, bỏ công sức, tâm huyết, thời gian, kỹ thuật thì việc trồng ngô liên kết có hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Quyền chia sẻ.
Cũng theo ông, việc liên kết trồng ngô với công ty Bình Hà có một cái được rất lớn là thay đổi ý thức, thói quen canh tác bao đời nay của nông dân không chỉ ở Kỳ Hợp mà còn các địa phương khác ở Hà Tĩnh. Từ việc chỉ trồng các loại cây truyền thống, hiệu quả chưa cao, quy mô nhỏ lẻ, manh mún “lạc hậu” thì nay trồng Ngô có kĩ thuật, diện tích lớn khi người dân liên kết với nhau thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Từ đó, bước đầu hình thành phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, quy củ, theo hướng sản xuất hàng hóa. Như vậy, chắc chắn thu nhập và tính bền vững trong phát triển kinh tế sẽ cao hơn.
Ổn định đầu ra cho cây Ngô
Cùng chúng tôi ra thăm những cánh đồng Ngô xanh mướt của bà con nông dân, ông Lê Ngọc Hiền, Trưởng phòng Kinh doanh của công ty VITAD (là đối tác chính cung ứng nguồn thức ăn cho Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đang thực hiện dự án chăn nuôi bò tại Hà Tĩnh), một người cùng lăn lộn trên những cánh đồng Ngô với bà con nông dân từ những ngày đầu cho biết: điều khiến bà con nông dân quan tâm khi sản xuất ra một sản phẩm Nông nghiệp chính là đầu ra ổn định và có hiệu quả kinh tế. Và chỉ khi có đầu ra ổn định, thì bà con mới giám mạnh giạn đầu tư mở rộng diện tích.
“Với cam kết thu mua với giá cả ổn định và lâu dài vì nhu cầu thức ăn cho đàn bò hàng chục ngàn con là rất lớn, doanh nghiệp sẽ đảm bảo thu nhập cũng như đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất”, Lê Ngọc Hiền, trưởng phòng kinh doanh của công ty VITAD |
“Với cam kết thu mua với giá cả ổn định và lâu dài, vì nhu cầu thức ăn cho đàn bò hàng chục ngàn con là rất lớn, doanh nghiệp sẽ đảm bảo thu nhập cũng như đầu ra ổn định để bà con yên tâm sản xuất. Đây là cơ hội để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện liên kết với doanh nghiệp để thay đổi phương thức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, gia tăng thu nhập trên chính thửa ruộng của mình”, ông Hiền chia sẻ.
“Hiện nay, do nhu cầu thức ăn cho bò rất lớn, với diện tích trồng cỏ của công ty còn hạn chế, mỗi ngày chúng tôi đang phải nhập Ngô và Mía từ các địa phương của Nghệ An mới có đủ thức ăn cho đàn bò.Ở Nghệ An, chúng tôi đang phải cạnh tranh nguồn nguyên liệu với hai công ty TH True Milk và Vinamilk để có đủ nguồn thức ăn cho bò. Hiện chúng tôi đã và đang đẩy mạnh liên kết với người dân Hà Tĩnh để tận dụng quỹ đất trồng Ngô, tạo cơ hội cho bà con Hà Tĩnh phát triển kinh tế”, ông Hiền cho biết.
Ông Lê Ngọc Hiền, chia sẻ tiếp: so với các loài cây đang được trồng phổ biến ở Hà Tĩnh như trồng Keo tràm hay Lạc, Đậu … thì Công ty cam kết trồng Ngô liên kết cho dự án bò hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.
Trồng cây Ngô sinh khối sẽ rút ngắn đáng kể thời gian sinh trưởng từ 100-115 ngày đối với trồng Ngô lấy hạt xuống còn 75 – 90 ngày nên tránh được các loại sâu, bệnh thường phát sinh gây hại mạnh vào giai đoạn cuối như: Sâu đục thân, Đục bắp, các loại bệnh khô vằn…do đó sẽ giảm thiểu đáng kể chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, và bảo vệ môi trường.
Do thời gian sinh trưởng ngắn nên có thể bố trí sản xuất được 3 – 4 vụ/năm, nếu thời tiết thuận lợi, chủ động tưới tiêu thì có thể đạt 4 vụ/năm; Hạn chế được thiệt hại do thời tiết không thuận lợi gặp phải trong giai đoạn Ngô tung phấn, phun râu làm cho Ngô không thể kết hạt, nên giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất.
“Theo đó, công ty chúng tôi cam kết thu mua Ngô cho bà con với giá tối thiểu là 800 đồng/kg. Trừ đi các chi phí bỏ ra, bà con sẽ có thu nhập khoảng 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng/sào, tương đương 30.300.000 đồng – 38.300.000 đồng/ha”. Những cây xấu, cây chậm phát triển, hay gãy đổ do mưa bão…chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện thu mua”, ông Hiền chia sẽ.
Với thu nhập như trên mỗi ha, bình thường mỗi năm có thể sản xuất được 3 vụ, như vậy tổng thu nhập và hiệu quả đưa lại của cây Ngô so với các loại cây khác sẽ cao hơn rất nhiều.
Và những cánh đồng ngô vẫn đang tiếp tục mở rộng “màu xanh” đến nhiều địa phương khác, góp phần giúp bà con nông dân tỉnh nhà “làm giàu” được trên chính mảnh ruộng quê hương mình |
Trong tình hình thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp về liên kết trồng Ớt, Cà rốt và các loại nông sản khác…với người nông dân, họ lựa chọn và phân loại để thu mua cho bà con với giá khác nhau rất chênh lệch. Hơn nữa, không ít doanh nghiệp còn “bỏ chạy” khi vụ mùa không hiệu quả, thu mua nhưng không trả tiền cho dân, điển hình là vụ liên kết ớt vừa qua ở các xã của huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) khiến người dân ngại liên kết và mất niềm tin vào các doanh nghiệp.
“Công ty CP chăn nuôi Bình Hà là doanh nghiệp liên doanh giữa hai tập đoàn lớn và có uy tín là Tập đoàn An Phú và Hoàng Anh Gia Lai, có nguồn lực mạnh, đầu tư bài bản và đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, đã đầu tư và liên kết thành công ở nhiều tỉnh khác nên chúng tôi cam kết đảm bảo quyền lợi của bà con”, ông Hiền chia sẻ.
Ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh. Hiện tỉnh nhà đang chú trọng phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng cường liên kết giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp, từ đó tăng thu nhập và chuyển đổi ý thức canh tác cho người dân. Tổng dự kiến diện tích sản xuất Ngô sắp tới ở Hà Tĩnh sẽ gần 3.000 ha. Và những cánh đồng Ngô vẫn đang tiếp tục mở rộng “màu xanh” đến nhiều địa phương khác, góp phần giúp bà con nông dân tỉnh nhà “làm giàu” được trên chính mảnh ruộng quê hương mình.
Mai Nguyễn /Tầm Nhìn