Tuy nhiên, tác nhân gây nên hiện tượng này đang đổ dồn vào việc lòng hồ đập chính chưa được dọn sạch và Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt xả thải, mà quên mất rằng đầu nguồn Khe Trươi thuộc lưu vực Ngàn Trươi (một nhánh sông đổ về đập dâng) còn có khoảng 8 vạn tấn quặng sắt của Cty CP Gang thép Hà Tĩnh nằm phơi mưa, phơi nắng gần chục năm nay.
“Có thể từ Sắt Vũ Quang ra”
Sáng 4/8, NNVN trở lại huyện Vũ Quang để tìm hiểu rõ hơn những tác nhân có thể gây nên hiện tượng đập dâng Ngàn Trươi, thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh) chuyển màu đỏ nâu thời gian vừa qua. Từ đây, nhiều tình tiết bất ngờ được người dân xã Sơn Thọ và những người từng làm công nhân Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (thuộc Cty CP Gang thép Hà Tĩnh) hé lộ với PV.
|
Những núi quặng sắt khối và xay mịn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” ngay đầu nguồn Hói Trươi, một nhánh sông đổ ra đập dâng Ngàn Trươi. |
Anh N. B. H., trú tại thị trấn Vũ Quang kể, tháng 4/2009 anh xin vào làm công nhân nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang (viết tắt là NM quặng sắt Vũ Quang), hơn một tháng sau NM bắt đầu đốt lò. Toàn bộ quặng sản xuất tại NM đều được khai thác ở các điểm mỏ thuộc xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang). NM này sản xuất 2 loại quặng là quặng đất và quặng đá.
“Quặng thô sau khi chở từ mỏ về được đưa qua máng rửa rồi cho vào máy đập hàm, máy nghiền trung. Loại nào nhỏ cho qua sàng rồi đổ ra bãi, loại to thì qua máy nghiền tròn sau đó ra bãi để đem lên trạm trộn. Bước tiếp theo cho quặng trộn lên lò đốt. Mỗi ca đốt 3 lò, khi xả lò đạt từ 50 - 65% quặng thô thành phẩm. Quặng trên 60% Cty đem xuất bán, còn dưới 60% tiếp tục nghiền bi (nghiền nhỏ như cám) và rửa tạp chất để đem ra bãi chờ bán”, anh H. nói.
Mỗi trận mưa xuống nước trong sân NM đóng một lớp váng nâu đỏ. |
Anh H. cho biết thêm, việc sản xuất quặng thời điểm cuối năm 2009 đến giữa năm 2011 của NM tương đối ổn định. Bình quân 1 ca sản xuất được 45 - 50 tấn quặng thành phẩm/3 lò x 3 ca/ngày, tương đương trên dưới 150 tấn quặng/ngày. Khi nhà máy hoạt động thường xuyên cũng đồng nghĩa lượng chất thải đổ xuống các hồ xử lý rất lớn.
“NM sắt không có cái gì là bảo vệ môi trường, làm bừa bãi. Khoảng 2010 - 2011 cứ mưa xuống là NM cho máy ngoắc (múc) đất để nước thải xả ra Khe Trươi (còn gọi Hói Trươi). Nước vàng đục và chắc hàm lượng sắt chảy ra cũng sẽ nhiều. Nếu nước đập dâng đỏ do hàm lượng sắt cao thì rất có thể từ sắt Vũ Quang ra”, anh H. nhấn mạnh.
Liên quan đến thông tin trên, một số hộ dân ở thôn 1 và trưởng thôn 3, xã Sơn Thọ xác nhận, trước đây người dân đã nhiều lần phản ánh thực trạng NM quặng sắt Vũ Quang xả nước thải rửa quặng ra Hói Trươi khi trời mưa khiến nước Khe Trươi đỏ đục. “Họ hay xả vào chiều hoặc đêm tối khi trời mưa. Thời đó dân kêu ca nhưng cũng không làm được gì”, một người dân thôn 1 nói.
Nước hồ điều hòa được sử dụng để bơm nước rửa quặng sắt. |
Anh N. B. H. khẳng định thêm: “Quặng thô và nghiền cám đổ ra bãi không che đậy, đến mùa mưa lũ chảy khắp cả NM và chảy ra Hói Trươi là bình thường”.
Tồn đọng 8 vạn tấn quặng
NM quặng sắt Vũ Quang được xây dựng vào năm 2008, trên diện tích 19ha với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng. Tháng 5/2009, NM đi vào hoạt động với công suất ước 500.000 tấn quặng mỗi năm, mục đích chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh). Tuy nhiên, từ năm 2010, nhà máy Vạn Lợi bị “chết yểu” vì thiếu vốn, dẫn tới nguyên liệu của NM quặng Vũ Quang làm ra không thể tiêu thụ.
Năm 2012, NM này chính thức ngừng hoạt động, đến năm 2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ sắt tại xã Sơn Thọ của Cty CP Gang thép Hà Tĩnh. Hiện những đống quặng sắt thô khổng lồ đang nằm ngổn ngang, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, đe dọa môi trường xung quanh; các giàn máy móc đồ sộ hoen rỉ; nhiều hạng mục như hệ thống đập, nghiền, sàng quặng, lò đốt thiêu kết, các dây chuyền thiết bị của nhà máy đã hư hỏng, hoen gỉ vì bị mưa nắng bào mòn, tàn phá.
|
NM quặng sắt Vũ Quang ngừng hoạt động từ 2013, hiện toàn bộ máy móc đã hoen gỉ, nhiều hạng mục hư hỏng. |
Trao đổi với NNVN, ông Ngô Hồng Sơn, Phó giám đốc Cty CP Gang thép Hà Tĩnh thừa nhận: “Sản phẩm quặng tồn kho từ năm 2013 của NM khoảng 8 vạn tấn. Trong đó 4 vạn tấn thành phẩm, số còn lại bán thành phẩm. Số hàng này như núi ngoài trời và không được che chắn”.
Ông Sơn cho hay, phương án bảo vệ số quặng trên chỉ là hình thức, còn việc quặng bị bào mòn, mưa xuống tự oxi hóa chảy theo dòng nước mưa không làm cách nào khác được. Tuy nhiên, khi PV hỏi về phương án bảo vệ môi trường vị này lại bảo “tốt”!
PV hỏi thêm: Thời điểm NM đang hoạt động người dân phản ánh đơn vị xả nước thải ra Hói Trươi có đúng hay không? Ông Sơn nói thông tin đó chưa nắm được, nhưng nói nước rửa quặng sắt chảy ra suối là… không bao giờ có (!).
Trung tuần tháng 5/2019, gần 3 triệu m3 nước đập dâng Ngàn Trươi đột ngột chuyển màu đỏ nâu bất thường. Ngay sau đó Sở TN-MT Hà Tĩnh nhiều lần lấy mẫu quan trắc. Kết quả cho thấy có lần có chỉ số vượt nhưng cũng có khi không vượt. Tuy nhiên nhận diện chung, đập dâng có dấu hiệu vượt ngưỡng một số thông số, trong đó, đáng chú ý thông số sắt hơi cao. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng đỏ nước. Ngày 28/7, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp các ngành chức năng liên quan điều tra nguyên nhân trong vòng 10 ngày, quá thời hạn nếu Sở không trả lời được tỉnh sẽ tính đến phương án mời cơ quan có chuyên môn cao hơn vào cuộc. |
Tác giả: Thanh Nga
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam