Kinh tế

Hà Nội muốn đặt hàng doanh nghiệp hơn 17.600 căn hộ tái định cư

Cho rằng việc dùng vốn ngân sách để đầu tư tái định cư còn nhiều bất cập, UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng theo chỉ định.

UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ đề xuất về cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn.

Cơ quan này cho biết, theo thống kê đến 2020, thành phố cần 22.131 căn hộ chung cư cao tầng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Tuy nhiên, các dự án đang triển khai thực hiện theo cơ chế đầu tư hiện hành chỉ đáp ứng được khoảng 4.500 căn hộ. Như vậy, cơ quan này tính toán phải đầu tư hơn 17.600 căn hộ nữa để đáp ứng yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng (chủ yếu là công trình giao thông, hạ tầng) với số vốn dự kiến khoảng 18.514 tỷ đồng.

Theo cơ chế này, thành phố tạo quỹ đất (đã giải phóng mặt bằng) tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở tái định cư theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án, được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không tính phí lãi vay ngân hàng) hoặc được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường. Thành phố ký hợp đồng đặt hàng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà, thu tiền người mua nhà.

Ba tòa nhà tái định cư tại Hà Nội gần đây được đề xuất phá bỏ do không có ai đến ở. Ảnh: Giang Huy

Sau 9-12 tháng kể từ khi đủ điều kiện bố trí tái định cư, nếu thành phố chưa giới thiệu người được mua nhà thì nhà đầu tư được bán nhà ra thị trường để thu hồi vốn và nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Các nhà đầu tư tham gia đầu tư phải đảm bảo 10 tiêu chí trong đó có vấn đề kinh nghiệm, năng lực tài chính, quản trị, tiến độ cam kết... Một trong những tiêu chí quan trọng là nhà đầu tư phải có các cam kết không tính lãi vay trong quá trình triển khai.

UBND TP Hà Nội cũng cho biết đã chuẩn bị 27 dự án với tổng diện tích khoảng 28,5ha (khoảng 19.800 căn hộ) để kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo cơ chế trên để đáp ứng quỹ nhà tái định cư còn thiếu từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Theo quy định hiện hành, nhà nước phải trực tiếp đầu tư vốn để xây dựng hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở phục vụ tái định cư. Trong đó, trước năm 2016, hình thức đầu tư chủ yếu tại Hà Nội là dùng vốn ngân sách, giao cho các Ban quản lý dự án thuộc Sở Xây dựng và ban quản lý dự án các quận huyện làm chủ đầu tư.

Sau khi xây dựng nhà xong, thành phố nghiệm thu và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành, bán nhà tái định cư cho các hộ và thực hiện duy tu bảo trì. Khi bán cho các hộ dân, thành phố mới xác định giá tiền sử dụng đất phân bổ vào diện tích căn hộ và thu tiền. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho rằng, với cơ chế này thời gian đầu tư xây dựng kéo dài do khó khăn về vốn ngân sách, các quy định về quản lý, sử dụng vốn ngân sách, dẫn đến tình trạng thiếu quỹ nhà tái định cư. Chất lượng, tiêu chuẩn nhà tái định cư cũng thấp, không tương xứng với vốn đầu tư.

Cùng với đó, theo thành phố, chất lượng công tác quản lý, vận hành cũng thấp, gây tình trạng xuống cấp, nhanh chóng và khiếu kiện của người dân tái định cư. Trong khi đó, theo cơ quan này, hàng năm ngân sách phải cấp bù lỗ khoảng 43 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội để thực hiện công tác vận hành.

Còn việc mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư thực hiện theo cơ chế thị trường ở thời điểm hoàn thành thường cao hơn giá bán nhà tái định cư theo quy định. Như vậy, khi bán nhà tái định cư phần tiền chênh lệch ngân sách phải bù lỗ, không đảm bảo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Mặt khác, việc mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại để bố trí tái định cư có hạn chế, khó khăn, trong công tác quản lý, vận hành do các căn hộ nằm xen kẽ trong các khu nhà ở thương mại, chi phí quản lý, vận hành cao, không thống nhất.

Trước đó, tại Hà Nội, chủ đầu tư một dự án cũng đề xuất thành phố cho phép phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư xây dựng xong cách đây hơn 10 năm thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) do không có người đến nhận.

Tác giả: Nguyễn Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP