Trong những năm qua, tình hình ANNT trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều diễn biến phức tạp, tác động xấu đến sự phát triển chung của quê hương. Trong đó, nổi lên là tình hình khiếu kiện liên quan đến đền bù, GPMB ở các công trình, dự án trong toàn tỉnh như: dự án Fomosa (Kỳ Anh), dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Thạch Hà), dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (Vũ Quang),.. một số vụ việc khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện các chế độ chính sách, xã hội, quản lý kinh tế, đất đai ở cơ sở như: thực hiện chế độ thương binh, dân công hỏa tuyến, TNXP; tranh chấp đất rừng… Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta còn phát sinh ra các vụ việc như: khiếu kiện liên quan chủ trương sáp nhập trường tại xã Đức Lâm (Đức Thọ), chuyển đổi đất rừng trồng cao su tại xã Hương Giang (Hương Khê), liên quan đến việc chuyển đổi ruộng đất ở một số địa phương. Trong đó, nhiều vụ việc có tính chất hết sức phức tạp như: Để phản đối việc chuyển đổi đất rừng trong cây cao su trên địa bàn xã Hương Giang (Hương Khê), một số đối tượng đã lôi kéo, kích động, khống chế một bộ phận lớn quần chúng tụ tập tại trụ sở UBND xã, kéo đến bao vây đoàn công tác, lập ban khiếu kiện, tổ chức quyên tiền, soạn thảo và gửi đơn thư. Hay việc, năm học 2012-2013, không chịu thực hiện chủ trương sáp nhập trường THCS Đức Lâm với trường THCS Lê Văn Thiêm (Đức Thọ), một số đối tượng đã kích động, ngăn cấm không cho con em ở xã Đức Lâm đến trường địa điểm mới để học, ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhiều giáo viên, học sinh…
Công an Hương Khê tích cực điều tra các vụ việc tranh chấp đất tại địa phương
Các vụ việc nổi lên làm tình hình ANNT trở nên phức tạp là do một số chế độ chính sách về đất đai, đền bù, thu hồi đất, GPMB, TĐC, chính sách về người có công… chưa theo kịp với tình hình đổi mới, phát triển của xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động tại một số nơi triển khai các công trình, dự án chưa sâu rộng, chưa đồng bộ; và việc công khai trong công tác đền bù, minh bạch trong việc thực hiện chính sách chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Bên cạnh đó, khi quần chúng nhân dân thắc mắc, một số cán bộ có thẩm quyền chưa xem xét thấu đáo để giải quyết trả lời. Ngoài ra, một bộ phận công dân nhận thức còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân không được tiếp cận và hiểu biết một cách đẩy đủ về chính sách, pháp luật nên khiếu nại, tố cáo thiếu cơ sở, không chấp nhận kết quả giải quyết của cơ quan chức năng. Cá biệt còn có một số quần chúng nhân dân do bị các phần tử xấu xúi dục, kích động nên đeo bám khiếu kiện.
Trước tình hình phức tạp đó, thì bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thực hiên các chủ trương, chính sách của pháp luật, trong thời gian qua, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động nắm tình hình, điều tra cơ bản các địa bàn, vụ việc, đối tượng trọng điểm, các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ nhân dân. Bên cạnh đó, Công an chủ động phối hợp với các ngành liên quan làm rõ nguyên nhân, nguyên cớ, mục đích động cơ, thành phần khiếu kiện, đồng thời tìm hiểu quy trình giải quyết, tâm tư nguyện vọng của các đầu đơn trong từng việc cụ thể. Từ đó, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản, chỉ thị để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành triển khai các biện pháp giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên. Đối với những trường hợp phải cưỡng chế để GPMB, Công an đã tham mưu cho chính quyền đảm bảo tiến hành đúng quy định của pháp luật và có phương án đảm bảo ANTT, tổ chức bảo vệ an toàn các vụ cưỡng chế. Ngoài ra, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các địa phương thường xuyên triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc diễn biến tình hình ở các địa bàn và các vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện. Qua đó, xác định nội dung kiến nghị, khiếu nại chính đáng của người dân thì tham mưu, hướng dẫn để các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Trường hợp các đối tượng cầm đầu, quá khích, lợi dụng sơ hở, thiếu sót để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân khiếu kiện gây phức tạp tình hình thì Công an đã tiến hành gặp gỡ, giáo dục, răn đe, thu thập tài liệu, chứng cứ đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Tổ công tác Formosa – Công an huyện Kỳ Anh triển khai nhiệm vụ bảo vệ ANTT
Quá trình GPMB Quốc lộ 15A, hàng trăm gia đình ở TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Thạch Hà và Hương Khê bị ảnh hưởng, trong đó hầu hết các gia đình tạo điều kiện thuận lợi để công trình, dự án được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, ở một số địa phương và đặc biệt có 7 hộ dân ở xóm 8 xã Hà Linh (Hương Khê) không chịu phối hợp với cơ quan chức năng, không kiểm đếm, nhận tiền đền bù, cản trở đơn vị thi công,.. và khiếu kiện vượt cấp. Trước tình hình đó, lực lượng Công an phối hợp với chính quyền địa phương, tuyên truyền, vận động các hộ dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Pháp luật quy định, đồng thời cũng cố hồ sơ tiến hành cưỡng chế gia đình bà Lê Thị Lý ở xóm 8 xã Hà Linh. Trước những hành động cứng rắn, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng nên các hộ dân còn lại đã phối hợp với cơ quan chức năng, nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ.
Thượng tá Hoàng Văn Hòa – Phó Trưởng phòng An ninh xã hội cho biết: “Tình hình ANNT ngày càng trở nên phức tạp, các vụ việc việc khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến yếu tố đất đai. Để giải quyết các vụ việc mâu thuẩn, khiếu kiện chúng tôi luôn coi trọng vấn đề đối thoại. Đối thoại với dân là một trong những biện pháp tốt nhất để tìm ra cách giải quyết đúng và có hiệu quả. Thông qua đối thoại chúng ta có thể để phát hiện những yêu cầu chính đáng, phát hiện những đòi hỏi, yêu sách thái quá… Từ đó chúng ta có thể giải quyết nhanh chóng sự việc, hay chỉ ra cho người khiếu kiện biết mình đang làm điều sai trái”.
Trong thời gian qua, để phục vụ cho các công trình dự án trọng điểm, huyện Kỳ Anh đã phải di dời, TĐC cho hàng ngàn hộ dân, nhà cửa, các công trình thờ tự, mồ mả,… nên tình hình ANNT tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh các vụ khiếu kiện. Đại tá Đặng Hoài Sơn – Trưởng Công an huyện Kỳ Anh cho hay, để đảm bảo ANNT, Công an huyện đã tổ chức chỉ đạo cho cán bộ, chiến sỹ nắm tình hình ở cơ sở, từ đó sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong giải quyết các vấn đề liên quan đến TĐC, GPMB. Trong đó, chúng tôi đã tập trung vào giải quyết những khiếu nại, vướng mắc trong áp giá đền bù mà nhân dân khiếu kiện, rồi phối hợp với Hội đồng đền bù giải quyết. Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó chú trọng đến những trường hợp cá biệt, đồng thời điều tra, xác minh những trường hợp cố tình cản trở và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, hoạt động của tổ liên gia, tổ tự quản, vùng giáo an toàn. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên bố trí lực lượng, phân công cán bộ xuống các địa bàn phức tạp, những dự án còn khó khăn để giữ vững tình hình ANTT; tăng cường quản lý nhà nước đối với người nước ngoài sinh sống, lao động trên địa bàn.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, trong đó chủ công là ngành Công an đã làm ổn định tình hình ANNT. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an đã tham gia giải quyết ổn định hàng chục vụ liên quan đến vấn đề ANNT, trong đó có nhiều vụ việc khá phức tạp như: Việc khiếu nại trả lại đất nông nghiệp của một số hộ dân đối với xã Thạch Mỹ (Lộc Hà); nhân dân thôn Bà Đồng xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) không đồng tình với chủ trương của tỉnh trong việc bố trí TĐC; một số người thuộc dân công hỏa tuyến khiếu nại việc làm hồ sơ mà chưa nhận được chế độ, chính sách,… đã được giải quyết một cách thỏa đáng, tạo sự ổn định trong các địa phương.
Tình hình ANNT ổn định đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và bền vững vững hơn.
Xuân Lý – Vũ Viễn
Công An Hà Tĩnh