Nông Thôn Hà Tĩnh

Giống lúa Trung Quốc “thao túng” ruộng đồng: Bài 1

 

Người dân Đông Anh (Hà Nội) đang gieo cấy vụ đông xuân. Ảnh: Giang huy

Giá giống lúa nhập từ Trung Quốc cao gấp 2-3, thậm chí 4 lần giống lúa trong nước, nhưng vì sao người dân vẫn phải lựa chọn? Là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng vì sao thị trường giống lại “nhường sân” cho đối thủ ngoại.

Chỉ một thống kê nhỏ trong 700.000ha trồng lúa lai, có tới 70% diện tích sử dụng giống lúa Trung Quốc, cho thấy thực trạng phụ thuộc và đáng lo ngại, đó là nguy cơ mất chủ động giống lúa trong nước. Các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu giống ở đâu trong lời giải bài toán cây giống cho nông dân?

Vì sao giống lúa Trung Quốc (TQ) có “ma lực” với người nông dân đến vậy? Phóng viên Lao Động đã tìm câu trả lời từ thực tế.

Đắt, vẫn mua!

Gặp ông Phí Văn Tưởng (ở thôn Thượng Cẩm, Vũ Lạc, TP.Thái Bình) ngay trên cánh đồng mà ông dành tới 1/3 diện tích để trồng giống lúa ngoại. Theo ông Tưởng, giống lúa lai CNR 36 của TQ, lớn lên thân cứng hơn, không bị đổ, ít sâu bệnh. Đất ruộng ở đây trũng, chua, nên chỉ có giống lúa lai mới chịu được. Năng suất của giống CNR 36 khá cao, lên tới 2,2 tạ/sào, trong khi của bắc thơm là 1,7 tạ/sào.

Giống CNR 36 tuy rất “phàm ăn” nên phải tăng thêm lượng phân bón, nhưng bù lại ít sâu bệnh, chỉ cần phun thuốc trừ sâu cuốn lá. “Nếu trồng giống lúa thuần tại những diện tích ruộng trũng, chua thì thân cây mềm, rất dễ đổ và bị sâu bệnh. Vì thế mặc dù giá giống CNR 36 cao hơn rất nhiều, 85.000đ/kg, giống bắc thơm chỉ 22.000đ/kg, nhưng tôi vẫn cố mua để trồng” – ông Tưởng nói.

Được biết, tại thôn Thượng Cầm, có khoảng 1/3 diện tích (DT) trồng lúa lai của TQ.

Huyện Yên Thành – một trong những địa phương trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng xóm 7, xã Tăng Thành – cho biết: Có tới 70% / tổng DT đất nông (hơn 35ha) của xóm được trồng lúa lai Khải Phong và Nhị Ưu 838 của TQ.

Giống này có ưu điểm là chống chịu rét tốt, ít sâu bệnh, sản lượng cao hơn các giống lúa thuần. Giá các giống lúa thuần chỉ khoảng 30.000-35.000đ/kg thì giống lúa lai đắt gấp khoảng 3 lần (90.000đ/kg giống). Qua khảo sát tại Thanh Hóa, giá giống lúa lai tại đây bình quân từ 60.000-90.000đ/kg, trong khigiá giống lúa thuần chỉ dao động từ 20.000 – 30.000đ/kg, nhưng nông dân vẫn lựa chọn với các lý do đã nêu trên.

Lựa chọn là của nông dân

Theo PGĐ Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Nga, lúa lai TQ phù hợp với ruộng chua mặn, nhất là vùng ven biển. Người dân trong tỉnh hay sử dụng là CNR 36, D ưu 527, Nhị ưu 63.

“Tỉnh xây dựng cơ cấu giống lúa là để đảm bảo an toàn về năng suất, sản lượng cho địa phương. Trong cơ cấu vẫn có lúa lai, nhưng lựa chọn là của nông dân”- bà Nga khẳng định.

Được biết, vụ xuân năm trước, tỉnh có 2.500-3.000ha trồng lúa lai/tổng số 81.000ha lúa. Nghệ An, vụ đông xuân 2014 cả tỉnh phấn đấu gieo cấy 88.000ha lúa, trong đó có 55.000ha lúa lai (chiếm khoảng 60%). Riêng huyện Yên Thành, giống lúa lai chiếm áp đảo với hơn 8.000ha/ 13.364ha.

Giống lúa Nhị ưu 7 của Trung Quốc được nông dân ưa dùng bởi năng suất và khả năng thích ứng các điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. 

Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Thanh Hóa Đỗ Văn Kỳ khẳng định: “Hiện nay lúa lai đang chiếm ưu thế rất lớn, bởi đặc thù các giống này thích nghi với nhiều vùng sinh thái nên nông dân an tâm đưa vào SX. Nông dân sản xuất 3 vụ/năm, nên cơ cấu lúa lai sẽ đáp ứng được 3 tiêu chí chính về cơ cấu mùa vụ, chống chịu sâu bệnh và năng suất cao”. Tuy lúa lai TQ góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nhưng điều này cũng khẳng định ngành giống Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào TQ.

Lúa lai hiện trồng nhiều ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng diện tích 700.000ha. Theo Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng VN (VSTA), bình quân mỗi năm VN nhập khoảng 13.000 tấn giống lúa lai. Dự báo vụ đông xuân 2013 – 2014, lượng lúa giống nhập ít hơn, khoảng hơn 11.000 tấn. Riêng khu vực Bắc Bộ, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, sẽ trồng khoảng 350.000 – 380.000ha lúa lai, nhu cầu giống khoảng 11.000 tấn, trong đó sẽ nhập khoảng 8.500 tấn.

Chính vì thế, các nhà cung cấp giống của Trung Quốc thường tìm cách đẩy giá lên cao mỗi khi các DN VN ồ ạt sang nhập khẩu về cho vụ đông xuân. Đó là chưa kể, chất lượng cuả các giống lúa lai TQ thấp: không ngon, trong khi độ dinh dưỡng thấp so với giống lua lai hoặc thuần chủng của VN.

Ông Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NNPTNT):

Lúa lai TQ nổi trội hơn hẳn so với giống lúa thuần trong nước,  phù hợp với khí hậu tại các vùng này. Nguồn cung giống lúa lai trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, việc nhập khẩu là phù hợp với cơ chế hội nhập. Trình độ SX, KHCN và thương mại của TQ hơn hẳn VN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Họ có bề dày đầu tư hơn, bài bản hơn, trong khi VN chỉ nghiên cứu giống từ cuối năm 1980. Giống lúa lai của TQ hiện đứng đầu thế giới, cung cấp cho nhiều quốc gia khác chứ không riêng VN nên nông dân vẫn chuộng sử dụng giống này. Không thể nói là nông dân bị thiệt, bởi việc lựa chọn giống là hoàn toàn tự nguyện.

Tiền trả cho hạt giống đắt hơn, nhưng năng suất thu về có thể bù được nên họ vẫn cứ trồng. Nông dân có lợi, DN bỏ tiền ra thu lợi nhuận về cũng có lợi, việc nhập giống TQ còn hiệu quả hơn nhiều về kinh tế so với việc nghiên cứu giống lúa trong nước. Không nhất thiết cái gì VN cũng có thể làm hết, mà cần xác định thế mạnh của mỗi nước để lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất cho sản xuất.

Dương Hà


BÀI MỚI ĐĂNG

TOP