Theo Independent, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi chúng có thể hô biến những điều không thể thành có thể. Snapchat, Instagram và hàng trăm ứng dụng khác đang cung cấp các bộ lọc hoàn hảo, vượt xa bất cứ công nghệ làm đẹp nào: làm mịn da, nâng cao mũi, thu nhỏ khuôn mặt, làm mắt to, thay đổi màu mắt...
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chính thứ công nghệ tưởng như màu nhiệm này lại đang âm thầm dẫn đến một chứng bệnh tâm thần mới mang tên “Snapchat Dysmorphia”.
Công nghệ chỉnh ảnh và nỗi mặc cảm về ngoại hình
Snapchat Dysmorphia được Tiến sĩ Tijion Esho (bác sĩ thẩm mỹ) định nghĩa là một dạng của hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD). Người mắc hội chứng này bị ám ảnh hay bận tâm quá mức với một khuyết điểm nhỏ nào đó trên cơ thể mình và luôn ở trong trạng thái bi quan, tiêu cực.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA , các ứng dụng chỉnh sửa ảnh như Snapchat và Facetune là nguyên nhân dẫn đến chứng Snapchat Dysmorphia khi nhờ chúng mọi bức ảnh tự sướng đều đã đạt đến độ "hoàn hảo" mà trước đây chỉ có trên tạp chí thời trang, làm đẹp.
Các ứng dụng chỉnh ảnh được sử dụng rộng rãi trong giới trẻ. Ảnh: South China Morning Post. |
Tiến sĩ Neelam Vashi, Giám đốc Trung tâm Mỹ phẩm và Laser thuộc ĐH Boston, Mỹ cho biết: "Một chút điều chỉnh trên Facetune có thể làm mịn da, trắng răng, mắt to, môi mọng. Một tấm selfie đạt chuẩn như vậy được chia sẻ nhanh trên Instagram sẽ nhận về vô số lượt thích và bình luận".
Hiện nay, các ứng dụng chỉnh ảnh được ví như một cái khuôn, góp phần tạo lập, củng cố các khái niệm về cái đẹp trong giới trẻ. Khi mọi hình ảnh được rập theo khuôn mẫu này, chúng trở thành tiêu chuẩn trên các phương tiện truyền thông xã hội ra đời thực.
Không chỉ vậy, những ứng dụng này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và kích hoạt hội chứng Snapchat Dysmorphia. Trung bình cứ 50 người thì có một người bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này.
Một cuộc khảo sát mới đây tại Hong Kong được công bố trên trang South China Morning Post cho thấy 63% phụ nữ từ 16-24 tuổi không hài lòng với ngoại hình của họ và luôn phải chỉnh ảnh qua các bộ lọc của ứng dụng điện thoại trước khi đăng lên mạng xã hội.
Tina - một người dùng Instagram, 19 tuổi - thừa nhận các bức ảnh trên mạng khiến cô “cảm thấy không an toàn và hài lòng” với ngoại hình của mình mặc dù biết rằng nó đã được chỉnh sửa.
“Chúng có mặt tích cực khi đóng vai trò như một động lực. Tôi có thể theo kịp xu hướng thời trang và cách trang điểm. Tôi sẽ được thúc giục để đi đến phòng tập thể dục và đạt được cơ thể hoàn hảo. Nhưng đôi khi nó làm tôi cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình”, sinh viên này cho biết.
Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là giải pháp
Bằng cách thúc đẩy, lan truyền những quan niệm về cái đẹp, tiêu chuẩn hoàn hảo, những ứng dụng chỉnh sửa ảnh và mạng xã hội đang khoét sâu vào sự mặc cảm về ngoại hình của giới trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc chạy theo các xu hướng, nhiều người còn tìm đến các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ như một cứu cánh thoát khỏi sự tự ti ngày một lớn dần.
Theo các bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu, bệnh nhân không còn mang theo hình ảnh của những người nổi tiếng khi tìm đến trung tâm làm đẹp. Ngày càng có nhiều người mang theo ảnh tự sướng và yêu cầu được phẫu thuật để trông giống như chính họ ở trong hình.
Tiến sĩ Vashi cho biết: “Một trong những biểu hiện của chứng bệnh mới Snapchat Dysmorphia đó chính là việc nhìn nhận các bức ảnh selfie như chính phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân".
Ngày càng nhiều người người trẻ can thiệp dao kéo lên mặt để được đẹp như trong hình "tự sướng". Ảnh: South China Morning Post. |
Theo kết quả của một cuộc khảo sát đối với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vào năm ngoái, có 55% các bệnh nhân muốn cải thiện ngoại hình của họ dựa theo ảnh selfie. Năm 2013, tỷ lệ này chỉ chưa đầy 13%. Cùng với con số đáng ngạc nhiên này là tình trạng gia tăng nhanh các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ ở độ tuổi dưới 30.
Tiến sĩ Vashi khuyến cáo rằng những người bị BDD cần tìm kiếm các biện pháp tư vấn tâm lý thay vì can thiệp dao kéo trên cơ thể, bởi vì phẫu thuật chỉ làm cho chứng bệnh tâm lý này trở nên trầm trọng hơn.
“Ảnh tự chụp đã được xử lý có thể khiến mọi người mất liên lạc với thực tế, tạo ra kỳ vọng rằng chúng ta phải trông thật hoàn hảo như hình. Điều này đặc biệt có hại cho thanh thiếu niên và những người mắc BDD", tiến sĩ nói thêm.
Còn theo Nhà tâm lý học Andrew Adler, nhà trường và phụ huynh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giới trẻ "ít phụ thuộc vào truyền thông xã hội để tự phán xét bản thân" và không bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình.
“Người lớn có thể giáo dục thanh thiếu niên về những sự thật của truyền thông xã hội và những bức ảnh phổ biến trên mạng. Ngoài ra, thầy cô, cha mẹ có thể đóng vai trò là những mô hình tích cực luôn đánh giá con cái, học sinh dựa trên nhiều khía cạnh mà không tập trung vào vẻ bề ngoài như sự khác biệt, năng lực, phẩm chất, đạo đức, sở thích cá nhân...", ông Adler phân tích.
Tác giả: Huệ Lâm
Nguồn tin: zing.vn