Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT trao đổi với báo chí giữa đêm khi những tiêu cực tại Sơn La bắt đầu lộ diện vào tháng 7/2018 ảnh: Nghiêm Huê |
Con tôi đỗ đại học đàng hoàng...
Chiều 18/4, phóng viên Tiền Phong đã cố liên lạc với một số phụ huynh là lãnh đạo có con được nâng điểm. Tuy nhiên, không có vị nào nghe máy. Trong khi đó, liên lạc với ông Phạm Hữu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 cụm thi Sơn La năm 2018 thì ông Thủy nói ông đang ốm, không nói chuyện được, rồi tắt máy.
Tuy nhiên, trước đó, trả lời báo chí. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Nguyễn Duy Hoàng cho rằng, phải chờ kết luận chính thức của cơ quan công an thì mới trả lời được. Ông nói không biết con ông có được nâng điểm, nhưng ông rất buồn vì dư luận đang bàn tán về sự việc chính ông Hoàng khẳng định khi có kết luận chính thức, nếu có tội, ông sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm. Nếu không có tội thì phải minh oan cho ông.
Trong khi đó, ông Ngô Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Sơn La lại rất tự tin khẳng định con gái ông (thí sinh N.L.B.N, là một trong 44 thí sinh được nâng điểm) vào ĐH đàng hoàng. Sở dĩ ông Dũng tự tin như thế cũng có lý do. Vì theo tìm hiểu, thì nguyện vọng 1 ban đầu của thí sinh này là vào khối trường công an.
Nhưng khi vụ việc gian lận thi cử tại Sơn La được phanh phui thì thí sinh này đã đổi nguyện vọng đăng ký sang trường ĐH Luật Hà Nội và thí sinh này đã trúng tuyển vào trường này bằng tổ hợp C00 (Văn Sử Địa). Trong khi đó, môn thi mà thí sinh này được nâng điểm là Toán và Ngoại ngữ với tổng điểm là 11 điểm. Do vậy, trúng tuyển vào trường đang theo học, con của ông Dũng không liên quan đến 2 môn thi được nâng điểm.
Lập kỷ lục... khống
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT cùng cơ quan công an đã phát hiện 3 tỉnh có gian lận thi cử là Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang. Nhưng cho đến giờ, vụ việc tại các địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, về điểm số, cơ quan điều tra đã trả lại điểm thực cho 222 thí sinh được nâng điểm đến từ 3 địa phương này. Xét về số lượng thí sinh được nâng thì Hà Giang đứng đầu bảng với 114 thí sinh, tiếp đến là Hòa Bình 64 thí sinh và Sơn La là 44 thí sinh.
Xét về số điểm nâng tuyệt đối thì Hà Giang vẫn đứng đầu, có những thí sinh của tỉnh này tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với trước đó. Tức là mức điểm được nâng gần như tuyệt đối với 3 bài thi. Tiếp đến là Sơn La 26,55 điểm/3 môn, Hòa Bình là 26,45 điểm/3 môn. Nhưng rất may cho các thí sinh khác, đó là vụ việc tại Hà Giang được phanh phui trước khi thí sinh được thay đổi nguyện vọng một lần nữa để xét tuyển ĐH. Nhưng Sơn La và Hòa Bình đến giờ mới có kết quả chấm thẩm định, trong khi phần lớn các thí sinh được nâng điểm trúng tuyển vào khối trường công an, quân đội nên có thể làm mất cơ hội của những thí sinh đủ điểm đỗ đại học.
Mức độ nâng điểm tại Sơn La “bạo tay” hơn hẳn Hòa Bình. Theo tính toán, trong số 4 thí sinh có điểm tụt dốc không phanh sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, Hòa Bình chỉ có 1 trường hợp, số còn lại thuộc về Sơn La.
Nếu xét điểm của từng môn cho thấy, có 2 môn bài thi bị can thiệp điểm trắng trợn nhất là Toán và Ngoại ngữ. Với môn Toán, ở cả hai tỉnh, gần như 100% trong số 108 thí sinh đều được tăng điểm. Tuy nhiên, mức điểm được nâng khống phổ biến từ 2 đến 5 điểm. Với môn Toán, mỗi thí sinh được nâng khống từ 5 điểm trở lên, Hòa Bình có 14 em, Sơn La có tới 17 em.
Trong số này, Hòa Bình duy nhất 1 thí sinh được nâng khống 8,2 điểm (đó là N.H.Q, thủ khoa trường Sĩ quan Lục quân 1, từ 1 điểm lên 9,2 điểm), số còn lại được nâng từ 5 - 6,4 điểm.
Còn Sơn La có 11 thí sinh được nâng 5 - 6,4 điểm; 8 thí sinh được nâng 6,6 - 9 điểm. Có 7 thí sinh được nâng 6,8 điểm; 1 thí sinh được nâng 6,5 điểm. Với môn ngoại ngữ, trong khi Hòa Bình có 8 thí sinh được nâng khống từ 6 điểm trở lên (mức nâng khống cao nhất là 6,8 điểm), thì Sơn La nâng lên đến gần đụng… trần, với 7 thí sinh được nâng khống từ 6,6 điểm lên đến 8,8 điểm. Vì thế, dù điểm thật của các em chỉ được 1, 2, 3 điểm, nhưng điểm công bố lần đầu thí sinh nào cũng đều trên 9 điểm Ngoại ngữ.
Còn về phía các trường ĐH, ngoài khối trường công an đã nhận được văn bản trả lời của Sở GD&ĐT Sơn La thì hiện nay, các trường khác đều đang ngồi chờ để xử lý. Cách xử lý của các trường dân sự khác với khối trường công an. Trong khi Cục Đào tạo, Bộ Công An khẳng định tất cả những thí sinh được nâng điểm dù đủ điểm theo học hay không đủ điểm, các trường công an đều buộc thôi học. Còn các trường dân sự, thì những thí sinh sau khi trả về điểm thực, nếu đủ điểm trúng tuyển vẫn theo học bình thường.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định của pháp luật thì việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nên việc xử lý các trường hợp bị hạ điểm thi thuộc thẩm quyền của các trường. Ngoài căn cứ vào quy định chung của quy chế tuyển sinh thì các trường còn phải căn cứ vào đề án tuyển sinh đã công bố, các quy định riêng của trường mình và các quy định có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành, địa phương... nếu có) để giải quyết.
Bộ GD&ĐT không chỉ đạo cụ thể đến việc giải quyết của từng trường, chỉ hỗ trợ thông tin nếu các trường có nhu cầu và giám sát để các trường không làm sai quy định. Ở thời điểm hiện nay, khi cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi... thì việc các trường tạm thời để sinh viên tiếp tục theo học cũng có thể chấp nhận được. Cũng theo bà Phụng Sau khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, căn cứ vào kết luận, các đối tượng vi phạm (trong đó có thể có cả thí sinh) sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, theo quy định của pháp luật thì việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nên việc xử lý các trường hợp bị hạ điểm thi thuộc thẩm quyền của các trường. |
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền phong