Tối 6.8.2019, anh Nguyễn Quang Vinh đến Phòng giao dịch Chánh Hưng - Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) trên đường Phạm Hùng, phường 5, quận 8, TP.HCM để rút 47 triệu đồng bằng séc. Tại đây, nhân viên ACB đề nghị anh Vinh nhìn vào máy đếm tiền xem đúng số lượng tờ 500 ngàn đồng được nhận hay chưa. Thấy máy hiển thị 94 tờ, anh Vinh không đếm lại mà đi về.
Anh Vinh cho biết sau khi về, cầm tiền đưa cho nhân viên 6 triệu đồng để đi mua hàng hóa thì mới phát hiện ở giữa xấp 500 ngàn đồng có lẫn hai tờ 20 ngàn đồng. Vinh lập tức quay lại Phòng giao dịch ACB khiếu nại thì nhân viên nói không giải quyết được vì anh đã cầm tiền ra khỏi quầy.
Anh Vinh đề nghị được gặp giám đốc ACB chi nhánh này song không được đáp ứng, và khi xem lại clip trích xuất từ camera an ninh thì mờ quá nên không thấy gì.
Phiếu chi nhân viên ACB gửi anh Nguyễn Quang Vinh. |
Thế là giám đốc công ty ở TP.HCM đăng status kể lại chuyện này trên Facebook:
Sự việc xảy ra lúc 19 giờ 50 ngày 6.8, mình có tới rút tiền bằng séc tại ACB vì là tiền công ty.
Cũng như mọi lần sau khi đưa séc, nhân viên ACB yêu cầu mình nhìn vào bảng số tờ tiền xem có đúng với số tiền rút hay không?
Mình rút 47 triệu đồng, tổng cộng là 94 tờ, nhìn máy đúng số lượng và đi về thôi. Trước giờ mình rút ngân hàng ACB 10 năm nay chưa bao giờ có vấn đế thiếu tiền hay bị nhầm giá trị nên mình thường không đếm và kiểm lại. Đó cũng là phần do sai sót của mình...
Sau khi mình đem tiền về, cầm đưa cho nhân viên 6 triệu đồng để đi mua hàng hóa thì phát hiện ở giữa cọc tiền 500.000 đồng có lẫn hai tờ 20.000 đồng.
Mình kiểm tra, đếm lại 3 lần thì rõ ràng sau khi đưa cho nhân viên 6 triệu xong thì mình chỉ còn lại 92 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 20.000 đồng.
Lúc đó mình bèn quay lại quầy giao dịch tức khắc thì nhân viên bảo không giải quyết vì đã cầm tiền ra khỏi quầy. Mình quậy lên, đòi gặp giám đốc chi nhánh thì không cho gặp? Nữ nhân viên quản lý còn bảo: “Có 1 triệu tui em làm vậy làm gì?”.
Tới lúc này mình đòi kiểm tra camera thì nó còn không muốn cho mình xem. Ngồi đợi 15 phút sau, nó mời lên phòng riêng để kiểm tra thì nó đưa cái clip mờ tịt. Mình có ý xin clip đó về để xem lại cho rõ thì không cho. Sau đó mình phải đi gấp vì ra sân bay rước người thân bên nước ngoài về, không trễ được nên bỏ đi.
1 triệu không quá lớn, mình bỏ được nhưng ghét cái thể loại như vậy ở thời đại 4.0 như hiện nay. Tất cả tài khoản của mình, gia đình và công ty đều xài ngân hàng ACB 10 năm nay. Hôm nay mình đăng lên cảnh báo các bạn khi giao dịch tại chi nhánh để không bị vào cảnh như mình.
Anh Nguyễn Quang Vinh cho biết có lẫn hai tờ 20 ngàn trong xấp 500 ngàn khi rút 47 triệu ở Phòng giao dịch Chánh Hưng - ACB. |
Nhiều người không những không đồng cảm mà cho rằng anh Vinh đã sai trong chuyện này vì không chịu kiểm tra tiền tại phòng giao dịch ACB trước khi về, lại còn đăng status và clip bốc phốt này nọ.
“Sai do mình thì đừng có đổ lỗi cho ai. Người ta đã cho kiểm tra camera rồi còn gì. Thử hỏi giờ rút tiền cầm về, anh nhét 10 tờ 20 ngàn đồng vào đó thì ngân hàng phải bù 5 triệu à?”;
“Chỉ cần bước ra khỏi ngân hàng mà không kiểm tra tiền là coi như bạn sai rồi. Lỗi là do mình không kiểm tra kĩ giờ trách ai, đằng này đã mang tận về nhà nữa”;
“Quy định là khi rút hay gửi tiền là cả hai bên đều phải kiểm lại hết ngay tại vị trí giao dịch. Ngân hàng không làm sai đâu, nhưng chuyện có một số giao dịch viên cố ý tráo tiền giả, rút lõi, hay thay mệnh giá từng xảy ra ở các ngân hàng”…
Khách rút tiền không kiểm lại, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm
Trên thực tế từng có khá nhiều khách khiếu nại ngân hàng vì nhận tiền giả, tiền rách, thậm chí thiếu nhưng bị từ chối xử lý vì không kiểm ngay tại vị trí giao dịch.
Theo VnE, hồi tháng 6.2015, chị Nguyệt (35 tuổi), chủ studio ảnh cưới tại Đắk Nông kể lại sự việc xảy ra tại quầy giao dịch của trụ sở một ngân hàng quốc doanh quy mô lớn ở tỉnh: "Khi rút tiền, tôi đã chú ý nhìn vào máy đếm và thấy đủ mỗi thếp 100 tờ nên yên tâm. Tuy nhiên, về nhà rồi mở ra mới biết bị lẫn hai tờ 50 ngàn đồng bên trong xấp 200 ngàn đồng này".
Quay trở lại ngân hàng, chị Nguyệt bị từ chối bởi theo quy định, khách phải đếm tiền trước khi ra khỏi quầy và ngân hàng không chịu trách nhiệm về sau đó.
Trong khi đó, hình ảnh camera ghi lại quá trình máy đềm tiền cũng không rõ nét. Do đó, ngân hàng không thể trả lại cho chị 300 ngàn đồng bị thiếu vì nhìn không rõ tờ 50 ngàn đồng và 200 ngàn đồng. Thừa nhận đây là sai sót của bản thân khi không kiểm tra kỹ từng mệnh giá tiền trước khi rời quầy nhưng chị Nguyệt vẫn không hài lòng với cách xử lý của ngân hàng: “Số tiền tôi mất không lớn, chỉ 300 ngàn đồng, nhưng đây là bài học cho tất cả mọi người khi giao dịch ở ngân hàng cần kiểm tra kỹ cả bảng hiển thị mệnh giá tiền trên máy đếm thay vì chỉ nhìn số tờ tiền. Nếu sai sót, sẽ rất khó đòi ngân hàng".
Đầu năm 2010, chị H rút 200 triệu đồng tại một ngân hàng cổ phần trụ sở phía Bắc, cho biết gồm 15 xấp mệnh giá 100 ngàn đồng và một xấp mệnh giá 500 ngàn đồng. Các bó tiền này được cột chặt và có giấy niêm phong của ngân hàng nên chị không kiểm lại. Khi chị H đem tiền còn nguyên niêm phong đến nộp tại một ngân hàng cổ phần khác thì bị thiếu hai tờ 100 ngàn đồng.
Một trường hợp khác rút tiền bằng séc, trên đó ghi rõ 99 triệu đồng. Đến chiều cùng ngày, chị T đem ra đếm lại thì phát hiện thiếu hai tờ 500 ngàn đồng. Đến khiếu nại thì ngân hàng nói đã chi đủ, số tiền trên bảng kê thể hiện đã chi cho chị 99 triệu đồng.
Một khách rút 500 triệu đồng tại một ngân hàng quốc doanh và đến nộp tiền tại một chi nhánh ngân hàng khách tại quận 3, TP.HCM. Dù tiền còn nguyên niêm nhưng khi kiểm đếm vẫn lẫn trong đó tờ 500 ngàn đồng giả.
Hầu hết khách khi khiếu nại đều không được giải quyết. Theo quy định, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường về việc kiểm đếm sau khi khách rời khỏi quầy giao dịch.
Máy đếm tiền có phát hiện tờ khác mệnh giá?
Giao dịch viên tại các ngân hàng cho biết, máy tiền đếm hiện nay hầu hết đều có hai chế độ:
1. Auto - máy sẽ vừa đếm vừa phân loại mệnh giá. Nếu gặp mệnh giá khác, máy sẽ ngừng đếm. Song, máy sẽ tiếp tục đếm nếu người dùng nhấn nút cho máy chạy tiếp.
2. Count - chỉ đếm tiền, không phân biệt mệnh giá, thường được sử dụng khi kiểm đếm số tiền quá lớn để tiết kiệm thời gian.
Tác giả: Nhân Hoàng
Nguồn tin: Báo Một Thế Giới