Các thí sinh tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018 |
Cấu trúc đề Văn không thay đổi
Nhận xét về đề tham khảo môn Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận xét: Nhìn chung, cấu trúc đề thi không thay đổi so với những năm trước. Cụ thể, phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm một đoạn ngữ liệu đi kèm 4 câu hỏi nhỏ, được sắp xếp tuần tự từ cấp độ nhận biết đến vận dụng. Phần Làm văn (7 điểm) gồm câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm).
Về mặt nội dung, đề tham khảo có một số thay đổi. Trong phần Đọc hiểu, câu đầu tiên không còn kiểm tra kiến thức tiếng Việt căn bản như thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt... như những năm trước. Các câu hỏi cũng không yêu cầu học sinh có sự học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa.
Phần nội dung này chỉ yêu cầu học sinh thực hiện chính xác hai thao tác là đọc và hiểu ngữ liệu, đây là thay đổi hết sức lớn. Nếu thi thật vẫn giữ nguyên cách ra đề như vậy, học sinh không còn cần quá tập trung vào học kiến thức tiếng Việt.
Trong phần Làm văn, câu viết đoạn vẫn giữ nguyên cách hỏi và hình thức thể hiện như các năm trước, yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, nghị luận về một vấn đề được trích ra trong ngữ liệu ở phần Đọc hiểu.
Câu hỏi nghị luận văn học có sự thay đổi trong phạm vi kiến thức là chỉ nằm trong chương trình lớp 12 thay vì có lớp 11 như năm trước. Độ khó ở câu này tương đồng với câu hỏi năm 2018.
|
Kiến thức Toán chủ yếu trong SGK lớp 12
Nhận xét đề tham khảo môn Toán, thầy Lê Thống Nhất, người dạy Toán THPT giàu kinh nghiệm nhiều năm ở Hà Nội cho biết: Đề thi khá phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT khi Bộ GD&ĐT dự kiến cách tính điểm xét tốt nghiệp với tỷ trọng 70% dành cho kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia.
Khác với đề thi môn Toán THPT quốc gia 2018 là không có những câu hỏi khó với lời giải thông qua phương pháp tự luận phức tạp. Nội dung đề thi chủ yếu là các loại toán thuộc các chương ở sách giáo khoa lớp 12. Kiến thức lớp 10, lớp 11 chỉ là những kiến thức khá cơ bản, chiếm tỉ lệ khoảng 10% của đề thi.
Theo các nhà giáo, độ khó của đề tham khảo 2019 giảm rõ rệt so với đề chính thức thi THPT quốc gia 2018. Điều này thể hiện qua số lượng câu hỏi dễ, câu hỏi lý thuyết (mức độ nhận biết và thông hiểu) tăng lên; số câu vận dụng cao giảm đi, chỉ còn khoảng 10% (4 câu); độ khó của câu hỏi vận dụng cao giảm. Với đề thi này, thí sinh học lực trung bình - khá có thể đạt 6 - 7 điểm/môn thi. |
Có 3 câu liên quan tới thực tế: Câu số 32 có mỗi từ “đồ chơi” là thực tế còn bản chất chỉ là bài toán về thể tích bình thường; Câu số 44 là bài toán thực tế liên quan tới hiểu biết về ngân hàng; Câu số 46 chỉ mang dáng dấp của bài toán thực tế còn bản chất là bài toán về hình chữ nhật nội tiếp elip mà thôi.
Tính phân loại tuy vẫn có nhưng ranh giới giữa giỏi và khá chưa rõ lắm. Như vậy đề thi chỉ dừng ở mức “làm cơ sở cho tuyển sinh” chứ không tuyệt đối hóa mục tiêu xét tuyển đại học.
TS Lê Thống Nhất cũng đưa ra 3 lời khuyên cho các sĩ tử năm nay, đó là: Cần nắm vững tất cả các dạng toán nằm trong sách giáo khoa lớp 12; Các kiến thức cần phải học ở các lớp dưới ở mức độ cơ bản nhất nhằm giải nhanh những câu thuộc chương trình lớp 10, lớp 11 và là công cụ để giải các dạng toán thuộc lớp 12; Không làm các toán khó có lời giải tự luận phức tạp.
Cần nắm chắc các kiến thức ngữ pháp khi làm bài môn Tiếng Anh
Về đề thi tham khảo môn Tiếng Anh, nhóm giáo viên Trung tâm Giáo dục Học mãi nhận định: So với đề thi THPT quốc gia năm 2018, đề thi minh họa cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có một số thay đổi nhỏ khi tăng 2 câu ngữ pháp trong phần hoàn thành câu và giảm 2 câu đọc hiểu.
Tổng quan nội dung kiến thức đề thi vẫn chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Phạm vi kiến thức trong đề thi vẫn gồm từ vựng và các chuyên đề ngữ pháp phổ biến (thì, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp).
Tổng quan về độ khó của đề: 60% cơ bản + 40% nâng cao. Các câu hỏi dễ lấy điểm nằm ở các dạng bài: Ngữ âm, câu giao tiếp, hoàn thành câu phần ngữ pháp, câu đồng nghĩa, nối câu, tìm lỗi sai.
Các câu hỏi khó tập trung vào từ vựng như: Tìm từ đồng nghĩa trái nghĩa, các câu từ vựng trong phần hoàn thành câu và đọc hiểu. Một số kiến thức ngữ pháp nâng cao như: Đảo ngữ, liên từ, phân từ, modal perfect. Phần đọc hiểu cũng là dạng bài để phân loại học sinh nhưng giảm 2 câu so với năm 2018 và độ khó tăng lên.
Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc các kiến thức ngữ pháp và từ vựng cơ bản, đồng thời rèn luyện tốt cho kỹ năng đọc hiểu.
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại