Về điều kiện phát triển kinh tế, có thể khẳng định, Xuân Lĩnh kém “may mắn” hơn nhiều vùng quê khác. Với trên 1.500 ha không thể nói địa bàn hẹp, nhưng Xuân Lĩnh chỉ vẻn vẹn 200 ha đất canh tác, còn lại là đất cằn sỏi đá, đất lâm nghiệp. Mặc dù công việc bấp bênh lại thường xuyên đối mặt với những rủi ro về tai nạn lao động nhưng nhiều người vẫn liều mình…”nhắm mắt đưa chân” vào các mỏ đá trên địa bàn. “Nhưng cơ hội cũng bị thu hẹp khi 5 mỏ đá chỉ còn lại 3 vì 2 mỏ buộc phải đóng cửa khi tuyến QL 1A thông tuyến vào tháng 9/2013. Hơn 100 lao động theo đó cũng bị đẩy ra… rìa”.
Nhân dân xã Xuân Lĩnh làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngô Thắng |
Trong số 1.500 lao động trong độ tuổi có 280 người chọn con đường “Nam tiến”, hoặc là làm công nhân tại các khu công nghiệp, lao động thời vụ tại các tỉnh phía Nam, khu vực Tây Nguyên. “Thu nhập bình quân người lao động hàng tháng chỉ đạt 3-3,5 triệu đồng, chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Về thăm quê đối với họ luôn là khái niệm xa xỉ” – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh Nguyễn Tiến Sỹ khẳng định. Nếu tính tất tần tật số lao động làm các ngành nghề ở các mỏ đá khác trong tỉnh và kinh doanh dịch vụ thương mại, Xuân Lĩnh vẫn còn khoảng 700 lao động chưa có việc làm. Chưa nói đến thu nhập, nhiều hệ lụy theo đó đã nảy sinh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Sỹ thì “mấy năm nay còn đỡ, chứ trước đó, tình trạng trộm cắp, gây rối trật tự xảy ra làm đau đầu lãnh đạo địa phương. Nguyên nhân do không có việc làm hoặc nếu có cũng không ổn định”. Một trong những thuận lợi vừa hé mở là huyện Nghi Xuân đang nỗ lực hoàn thiện đề án quy hoạch khu chăn nuôi tập trung 6 xã ven núi Hồng Lĩnh. Tuy nhiên, nếu đề án hoàn thiện, cũng chưa biết có bao nhiêu hộ đăng ký. Bởi hầu hết người dân trong xã đều nghèo, không có vốn.
Hiện xã Xuân Lĩnh có 230 lao động xuất khẩu ra nước ngoài. Nếu so sánh với các xã: Cương Gián, Xuân Liên… thì địa phương này chỉ nằm “chiếu dưới”. Vẫn biết xuất khẩu lao động là con đường rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo và quan trọng hơn là tạo thêm việc làm cho người lao động trong điều kiện địa phương không đáp ứng được; đồng thời giảm thiểu các tệ nạn xã hội phát sinh, nhưng với nhiều hộ dân Xuân Lĩnh thì xuất ngoại luôn chỉ là… giấc mơ. Đơn giản là những năm trước, nguồn vốn vay đi lao động nước ngoài rất khó khăn. Trong khi đó, xuất khẩu sang các nước có mức thu nhập thấp như Malaysia, sau khi về nước, trừ chi phí, nhiều lao động chỉ hòa vốn nên họ thấy… nản. Tuy nhiên cho đến nay, cơ hội này có phần rộng mở hơn khi nguồn vốn vay thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, chính quyền xã ngoài việc tuyên truyền, vận động, còn tổ chức mời gọi các tổ chức có đủ điều kiện làm công tác xuất khẩu lao động đến địa phương tuyển dụng lao động. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc làm hồ sơ, thủ tục để các đối tượng được vay vốn và xuất ngoại dễ dàng.
Mục tiêu năm nay của Xuân Lĩnh là xuất khẩu lao động từ 50-70 người. Con số này chưa nhiều nhưng nếu thực hiện được cũng góp phần quan trọng trong việc hóa giải bài toán việc làm cho người lao động.
Hoài Nam