Mặc dù đã 25 năm trôi qua, đồng bào người Chứt được Bộ đội biên phòng phát hiện trong rừng sâu và đưa về hoà nhập với thế giới văn minh.
Ngoài 35 đã xem như lên lão
Trước khi lên Rào Tre, tôi có nghe thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tâm sự: Thực trạng đồng bào Chứt ở bản Rào Tre bây giờ rất đáng báo động. Thử thách, cam go họ đang phải đối mặt có lẽ cũng không thua gì thời điểm được bộ đội phát hiện trong rừng sâu vào năm 1990.
Cũng xin được nói lại đôi chút về thời điểm năm 1990, khi ấy, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội biên phòng phát hiện hàng chục người rừng sống rải rác trong các hang đá thuộc dãy Trường Sơn, biên giới Việt – Lào.
Sau hàng trăm cuộc họp của các cấp ban ngành, lực lượng biên phòng Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ “giải cứu” số người trên ra khỏi rừng hoang, đưa họ hoà nhập với thế giới văn minh.
Bản Rào Tre được dựng lên, tổng cộng có 90 người Chứt được tìm thấy, không tên, không tuổi, chia thành 18 hộ dân, tất cả đều lấy họ Hồ. Bộ đội biên phòng dựng trạm cắm bản, dạy người dân từ việc ăn uống, tắm rửa đến cuốc đất, làm ruộng. Rào Tre lúc ấy không khác gì lớp học vỡ lòng. Gian nan đến nỗi, sau công cuộc giải cứu người Chứt, Biên phòng Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
25 năm sau, 18 hộ người Chứt ở Rào Tre phát triển thành 37 hộ, 135 nhân khẩu, nhưng họ lại đang đứng trước những bi kịch mới. Đói nghèo, bệnh tật, chết chóc…
Nằm cuối con đường độc đạo từ Lâm trường Chúc A đi vào, bản Rào Tre lúp xúp nhà nối nhau chạy theo triền dãy Giăng Màn hùng vĩ. Trước mặt là nhánh sông Tiêm uốn quanh và cánh đồng lúa đang độ chín vàng, thành quả rõ nét nhất của quá trình kéo bà con từ trong hang đá về hoà nhập với cộng đồng các dân tộc xung quanh. Giữa bản, Trạm biên phòng cắm bản Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng) có tuổi đời ngang với bản và nhiệm vụ chính là sát cánh, giúp đỡ để bảo tồn và phát triển người Chứt ở đây.
Những đứa trẻ ở Rào Tre mắc nhiều bệnh tận do hôn nhân cận huyết
Tôi lên Rào Tre từ sáng sớm, khi cả bản vẫn đang chìm trong lớp sương núi nhờ nhờ. Trung tá Dương Thanh Tịnh gióng một hồi kẻng sắt, cái cách mà anh vẫn làm bao nhiêu năm qua để đánh thức đồng bào.
Kẻng rất to, nghe rõ cả tiếng vang vọng từ trên đỉnh Giăng Màn, vậy mà Rào Tre vẫn cứ im lìm. Lại thêm một, rồi hai hồi kẻng nữa. Vẫn không có động tĩnh gì. Trung tá Tịnh vừa cười buồn vừa bảo: Đánh thế thôi chứ sáng nào anh em chúng tôi cũng phải chia nhau đến từng nhà để gọi, nếu không dân bản còn ngủ đến tận trưa. Đã 25 năm như thế rồi.
135 nhân khẩu nhưng Rào Tre chỉ có 0,7 ha màu và 1,3 ha ruộng. Thường thì họ tự túc lương thực được khoảng 2-3 tháng, còn lại chủ yếu sống dựa hoàn toàn vào nguồn hỗ trợ. Gạo, mì chính, nước mắm, quần áo, xà phòng… Nói chung là hỗ trợ tất tần tật.
Nửa buổi, tôi đi một vòng quanh bản, nhà nào nhà nấy dường như vẫn còn ngái ngủ, uể oải ngồi tựa cửa nhìn ra. Người Chứt ngồi một chỗ rất giỏi. Họ có thể ngồi hàng giờ, hàng buổi, chỉ để nhìn vào khoảng không vô định, mịt mù trên đỉnh núi Giăng Màn mà thôi. Từ già trẻ cho đến đàn ông, phụ nữ, thanh niên trai tráng đều ngồi nhìn như thế.
Ngoài đám ruộng chung, quanh bản, đất đai, vườn đồi tương đối rộng nhưng tuyệt nhiên không có lấy một người làm. Nghĩ người Chứt lười cũng được, nhưng theo lời trung tá Tịnh, người Chứt yếu quá mức, không có sức lao động.
“Có lẽ là do những năm tháng sống trong rừng hoang, hôn nhân cận huyết thống, bệnh tật… Đàn ông con trai ngoài 35 xem như lên lão. Năm vừa rồi có cuộc thống kê, khảo sát người Chứt ở Rào Tre trong vòng 10 năm. Tỷ suất sinh thô của đồng bào 12,7%, tỷ lệ chết 4,2%. Trẻ em suy dinh dưỡng 100%. Hơn 65% người dân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tuổi thọ trung bình thấp hơn 50 tuổi. Có lẽ là thấp nhất nước”, anh Tịnh nói bằng giọng rất buồn.
Kỷ lục người sống thọ nhất ở Rào Tre được xác lập cho bà Hồ Thị Nậm. Bà Nậm 63 tuổi, nhưng nhìn già mà đoán thế thôi chứ không ai biết rõ vì trước đây ở trong rừng. Mấy chiến sĩ ở trạm quân y Rào Tre nói thêm, chỉ cần một trận mưa trở mùa thì y như rằng cả bản tập trung tại đây kêu khó thở, nhức đầu, đau mỏi…
Và, 25 rồi nhưng không ít gia đình người Chứt vẫn bấm nhau chạy trốn lên đồi mỗi khi có người lạ đến nhà.
Chuyện con trâu, chai rượu…
Lên Rào Tre có thể chứng kiến rất nhiều chuyện lạ. Người Chứt có thể đói ăn, lạc hậu, bệnh tật đủ kiểu nhưng họ có lẽ là dân tộc hồn nhiên, vô tư nhất.
Trẻ con ở Rào Tre
Đồng bào ở đây có niềm say mê vô bờ bến với rượu và nhạc. Bằng chứng ư? Chắc không ở đâu trên đất nước này người ta lại dễ dàng đổi cả con trâu mộng chỉ để lấy 20 lít rượu trắng. Và cũng chẳng có nơi nào mà đang cuốc cỏ trên đồi chỉ cần nghe tiếng nhạc điện thoại của người qua đường lại quẳng cả cuốc chạy về bản kêu người đi nhảy.
Đã 25 năm nhưng số người Chứt ở Rào Tre biết đọc, biết viết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người lớn đi nhận gạo vẫn tự chứng nhận bằng cách điểm chỉ. Còn trẻ con, trong bản hiện có 15 đứa đi học, nhưng chỉ có 3 đứa biết chữ. |
Trung tá Tịnh nói với tôi, hàng tháng, mỗi khẩu trong bản được trợ cấp 15 kg gạo, nhưng trạm biên phòng phải tổ chức chia ra phát làm ba lần, nhằm tránh tình trạng phát gạo xong dân mang đi đổi rượu.
Hôm tôi đến, Hồ Phong đang chịu phạt nhổ cỏ trong vườn cũng vì tội mang gạo đi đổi rượu. Nghe bảo Phong tuổi chưa đến 40 nhưng nhìn qua chẳng khác gì ông cụ ngoài thất thập. Hom hem, lụ khụ, đến tiếng thở cũng khò khè như người bệnh nặng. Vậy thôi chứ chỉ cần ngửi thấy mùi rượu thì tỉnh táo lắm.
Hôm trước phát gạo buổi chiều, buổi tối biên phòng đến nhà kiểm tra đã thấy Phong mềm như bún, miệng lảm nhảm, nghe đâu còn đòi đánh vợ vì uống chưa đủ đô. 4 khẩu, 20 kg gạo, qui ra rượu hết. Sáng ra bị bắt đi nhổ cỏ, Hồ Phong gãi tai trình bày: Gạo được cho mà, đổi uống rượu thì không ăn nữa là được thôi mà.
Ở Rào Tre, uống rượu không là chuyện của riêng cánh đàn ông. Hồ Phong bị phạt xong đến lượt Hồ Thị Lành. Biết thóp dân bản, phát gạo xong, bộ đội cử người canh ở đầu bản, chỉ mấy phút sau đã thấy Lành vác gạo đi đổi rượu. Hỏi thì Lành bảo, thèm rượu nên đi đổi uống cho vui.
15 năm gắn bó với đồng bào, anh Tịnh đúc kết: 25 năm rồi nhưng đồng bào vẫn chậm chạp vô cùng. Không biết tính toán, không biết lao động, hủ tục lạc hậu vẫn còn. 25 năm về với thế giới văn minh nhưng người Chứt vẫn nhất quyết không từ bỏ hủ tục phụ nữ tự sinh con.
Trước đây, mỗi khi đến kỳ trở dạ, người đàn bà phải tự đi bộ 3-4 km vào rừng, tự dựng lán, tự kiếm thức ăn để đẻ. Gia đình ở lại bản nhờ thầy mo thắp hương cúng bái. Đứa trẻ người Chứt sinh ra, may thì sống, còn yểu mệnh mà chết thì mẹ nó phải tự tìm cách chôn cất, đúng một tháng sau mới được về với gia đình.
Những năm gần đây, bộ đội biên phòng tìm đủ cách vận động bỏ hủ tục này, nhưng trong mỗi gia đình người Chứt ở Rào Tre nhất định phải có một cái lán. Đến kỳ sinh đẻ, người đàn bà ở đây vẫn phải tự đi ra đó một mình.