Người dân, doanh nghiệp đều kỳ vọng giá xăng dầu tiếp tục hạ nhiệt, đảm bảo mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ (Ảnh: Mạnh Quân). |
Tại kỳ điều chỉnh hôm 25/11, giá xăng dầu hạ nhiệt sau nhiều kỳ tăng liên tiếp. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 750 đồng, xăng RON 95 giảm 1.090 đồng. Các loại dầu cũng giảm từ 330 - 440 đồng mỗi lít.
Dự báo về giá xăng trong kỳ điều chỉnh sắp tới (10/12), lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội nhận định giá xăng trong nước sẽ giảm rất mạnh theo xu hướng thế giới. Mức giảm nếu không trích lập quỹ bình ổn sẽ vào khoảng 1.700 đồng với giá xăng và 1.200 - 1.600 đồng với giá dầu.
Tuy nhiên theo vị này, khả năng cơ quan quản lý trích lập rất cao, do vậy giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ hơn so với tính toán trên. Còn mức giảm cụ thể ra sao còn phụ thuộc vào mức độ trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá (quỹ BOG).
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc dịch bệnh Covid-19 có xu hướng phức tạp tại một số nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Nguồn cung dầu được dự báo tăng do nhiều nước (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…) bắt đầu tính đến việc sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược để giảm giá xăng dầu, FED quyết định thu hẹp việc nới lỏng gói định lượng để kiềm chế lạm phát và được kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất đồng USD… đã tác động đến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong giai đoạn vừa qua.
Tại chu kỳ 15 ngày trước ngày điều chỉnh hôm 25/11, giá bình quân xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,98 USD/thùng (giảm 7,11%); 94,44 USD/thùng xăng RON95 (giảm 7,86%); 91,49 USD/thùng dầu diesel 0.05S (3,14%); 89,4 USD/thùng dầu hỏa (giảm 4,19%); 453,685 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 2,58%).
Bước sang chu kỳ mới, ngày 26/11, giá dầu thế giới lao dốc do virus Covid-19 biến thể mới khiến các nhà đầu tư hoang mang trong bối cảnh vốn đã lo ngại tình trạng dư cung có thể tăng trở lại ngay trong quý đầu tiên của năm mới. Chỉ trong phiên này, giá dầu mất 10 USD/thùng, mức giảm chưa từng có kể từ tháng 4/2020.
Trước đó, ngày 23/11, Mỹ đã công bố kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Dự trữ dầu chiến lược (SPR). Động thái này là một phần trong nỗ lực toàn cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng để làm dịu đà tăng nóng của giá nhiên liệu trong năm 2021. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng có thông tin sẽ giải phóng một số lượng dầu dự trữ quốc gia.
Trong nước, nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tại kỳ điều chỉnh hôm 25/11, liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định điều chỉnh mức trích lập và chi quỹ BOG đối với các mặt hàng để giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới và bảo đảm duy trì công cụ quỹ BOG.
Trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Trước phiên giảm giá hôm 25/11, thị trường xăng dầu "nóng" lên khi trải qua 5 lần tăng liên tiếp, kể từ ngày 10/9. Trong đó, phiên tăng mạnh nhất là ngày 26/10 khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít; RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân Trí