Thời điểm này, giá dịch vụ vệ sinh nhà đã nhích lên, chẳng hạn giặt thảm lên 6.000-10.000 đồng/m2 tùy diện tích nhiều hay ít, hút bụi thảm 5.000 đồng/m2, giặt ghế 15.000-20.000 đồng, giặt ghế sofa 200.000-400.000 đồng/bộ, lau kính 7.000-10.000 đồng/m2. Giặt rèm, màn 35.000-40.000 đồng/kg, chà sàn nhà 3.000-7.000 đồng/m2. Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ vệ sinh còn nhận phủ bóng sàn đá rửa, sàn bê-tông, sàn gạch tàu từ vài chục ngàn cho đến hơn 100.000 đồng/m2. Cơ sở dịch vụ còn cung cấp nhân công dọn dẹp nhà tính tiền công theo buổi hoặc giờ.
Theo các cơ sở cung cấp dịch vụ tại TP HCM, nếu chủ nhà yêu cầu vào thời điểm hiện nay thì mức phí sẽ tăng thêm 5%-10%, trước Tết khoảng 10 ngày tăng thêm 20%-30%, cách Tết 2-3 ngày thì thỏa thuận, có thể phí tăng gấp đôi ngày thường.
Dịch vụ dọn dẹp, sửa nhà ở TP HCM đang vào mùa Ảnh: Tấn Thạnh |
Ông Trương Thanh Hoàng, chủ một cơ sở dịch vụ vệ sinh ở quận 8, cho biết nếu làm vệ sinh ít có thể không ký hợp đồng, còn làm nhiều việc nên ký hợp đồng, càng chi tiết càng hạn chế được tranh chấp. Khách hàng không nên ký hợp đồng chung chung mà phải nêu cụ thể như vệ sinh trần nhà, vách tường thì còn phải làm sạch các thứ gắn trên trần, tường nhà như máng đèn, bóng đèn, các vật trang trí khác, cửa sổ, hệ thống đèn, công tắc... Không chỉ làm sạch bụi mà còn phải xử lý các vết bẩn, vết sơn, keo bám trên cửa, kính, khung nhôm, kể cả làm sạch len tường... Trong toilet, phải làm sạch cả vách, trần, sàn, các vật dụng có bên trong như kính, bồn rửa, bồn tắm, bồn cầu, bồn tiểu... Khách hàng cũng cần đưa ra điều khoản về dụng cụ, hóa chất phù hợp khi làm sạch nhà cửa.
Nhiều chủ nhà từng thuê dịch vụ này cho rằng cần cảnh giác với nhà cung cấp dịch vụ làm ăn theo kiểu chụp giựt. Chẳng hạn, họ sử dụng dụng cụ không chuyên dụng để vệ sinh các vật dụng dẫn đến trầy xước hoặc xài hóa chất không chất lượng hay rẻ tiền làm bay màu vật dụng như ghế nệm, salon, thảm...
Do đó, khách hàng cần theo dõi trong quá trình vệ sinh để khắc phục kịp thời. Trong hợp đồng, khách hàng không nên chọn thanh toán chi phí 100%, chỉ ứng trước 20%-30% để tránh rủi ro.
Tác giả: Nguyễn Hải
Nguồn tin: Báo Người lao động