Vì sao không chọn phương án đồng giá?
Khi Bộ Công Thương lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc, thay cho phương án 6 bậc hiện nay, dư luận rất quan tâm. Nhưng nhiều ý kiến bình luận rằng, vì sao không chọn phương án 1 bậc, hay nói cách khác là “đồng giá”?
Trên thực tế, điện là hàng hóa đặc thù, khác biệt so với nhiều loại hàng hóa thông thường khác. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá, khi góp ý cho Đề án Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam diễn ra ngày 5/11/2019, cũng nói rằng: Dùng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện. Phương thức đó là để giải bài toán về chi phí sản xuất điện, kể cả ở thời điểm bình thường và cả thời kỳ gia tăng phụ tải cao điểm; phải huy động các nguồn điện có giá thành khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
|
“Dùng càng nhiều điện trả tiền càng nhiều, với giá càng cao chính là cách ứng xử về giá đáp ứng với yêu cầu khách quan của Quy luật khan hiếm tài nguyên, mà Quy luật này lại hoạt động trong một thị trường độc quyền có kiểm soát, chứ không phải ở hình thái thị trường cạnh tranh”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Theo ông Thỏa, chính là do Quy luật khan hiếm nguồn lực chi phối, bởi điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên,... ) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí. Mặt khác, cung về điện hiện chưa đáp ứng đủ tốc độ tiêu thụ điện hàng năm.
Điều này, ông Thỏa cho hay, để phản biện lại các ý kiến cho rằng giá điện của chúng ta đang đi ngược với nguyên tắc của cơ chế thị trường là: “Lẽ ra càng mua nhiều thì giá càng rẻ, nhưng điện càng mua nhiều càng đắt”.
"Cũng chính điều này mới làm rõ cho công luận hiểu vì sao lại không quy định giá điện sinh hoạt đồng giá như nhiều ý kiến đặt ra”, ông Thỏa giải thích.
Biểu giá mới có người lợi, có người thiệt
Trong các phương án Bộ Công Thương đưa ra, có phương án đồng giá. Đó là phương án một bậc, giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh.
Số liệu của EVN cho thấy, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu khách hàng, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện.
Còn dùng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng. Số này chỉ chiếm 1,8% lượng khách hàng nhưng sản lượng tiêu thụ chiếm tới 13%.
Như vậy, nếu áp mức giá điện đồng giá 1.897 đồng/số, lượng khách hàng được cho là có thu nhập cao với mức tiêu thụ điện từ 300 số trở lên sẽ có lợi khi phải trả mức giá thấp hơn rất nhiều so với số khách hàng dùng điện dưới 300 số.
Cụ thể, có 3,6 triệu hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng đến 300, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, có hơn 3,1 triệu hộ dùng điện từ 301 số trở lên có mức tiền điện giảm từ 80.000-330.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, 18,6 triệu hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng, tiền điện tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng. Điều đáng chú ý là, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội cũng sẽ phải tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng (hộ nghèo được hỗ trợ 30 số điện/tháng).
Như vậy, phương án 1 giá làm cho các hộ thu nhập thấp và trung bình phải trả tiền nhiều hơn so với hiện nay. Trong khi đó, phương án này cũng không có tác dụng khuyến khích các hộ có thu nhập cao sử dụng điện tiết kiệm hơn.
Các phương án 3 bậc và 4 bậc cũng đều có hàng triệu khách hàng phải chịu giá cao hơn. Ví dụ, phương án 3 bậc có tới 22,3 triệu hộ dùng từ 0-300 số điện/tháng phải trả tiền cao hơn. Còn phương án 4 bậc cũng có khoảng 15,3 triệu hộ hộ sử dụng từ 0-50, 101-200 và từ 401 số/tháng trở lên tiền điện phải trả tăng từ 1.000 đến 105.000 đồng/hộ/tháng
Do đó, Bộ Công Thương đã lựa chọn kịch bản 1 của phương án 5 khi chỉ có 0,46 triệu hộ (chiếm 1,8% tổng số hộ) dùng 701 số/tháng trở lên phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng. Còn lại là không tăng hoặc giảm tiền điện phải trả.
Sự khác biệt của phương án 5 bậc mới với 6 bậc hiện hành |
Chờ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Trên thực tế, khó có Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nào thỏa mãn được cho tất cả các hộ tiêu dùng, mỗi phương án đều có ưu nhược riêng. Giảm giá điện cho nhóm khách hàng này thì phải tăng giá điện của nhóm khác lên bù đắp.
Nếu chỉ xây dựng riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới thì không thể thấy rõ ràng được thay đổi đáng kể bức tranh tổng thể của giá bán điện. Bởi, điện sinh hoạt chỉ là 1 trong 4 nhóm đối tượng khách hàng của EVN.
Cụ thể, giá bán lẻ điện của EVN gồm 4 nhóm: Một là giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất; Hai là giá bán lẻ điện cho khối hành chính, sự nghiệp; Ba là giá bán lẻ điện cho kinh doanh; Bốn là giá bán lẻ điện cho sinh hoạt. Mức giá quy định cho các nhóm này cao thấp khác nhau, nhưng tính trung bình không vượt quá giá bán lẻ hiện hành được Nhà nước quy định là 1.864,44 đồng/số. Trong đó, giá bán lẻ điện kinh doanh đắt đỏ nhất, còn giá bán điện cho sản xuất là thấp nhất.Đáng chú ý, giá điện sản xuất vẫn được tin rằng đang “neo” ở mức thấp, nhằm hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp. Lượng điện cho sản xuất năm 2018 chiếm khoảng 60% tổng lượng tiêu thụ điện. Giá bán điện bình quân cho Hộ sản xuất cũng rất thấp, ở mức 1.565 đồng/kWh, thấp nhất trong các hộ.
Tính toán của ông Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho thấy: Giá bán bình quân của hộ kinh doanh năm 2018 lên tới 2.644,8 đồng/kWh cùng ở cấp điện áp dưới 6 kV, gấp 1,58 lần so với giá bán lẻ bình quân cho hộ sản xuất. Như vậy, doanh thu của hộ kinh doanh đang là phần giúp cân bằng tổng doanh thu của ngành điện.
Còn điện sinh hoạt chiếm 28% tổng sản lượng điện tiêu thụ, với mức giá trung bình là gần 1.897 đồng/số, cao hơn không đáng kể so với mức giá bán lẻ điện bình quân (là 1.864,44 đồng/số) .
Mức trần của giá điện là 1.864,44 đồng/số. Do vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về chính sách với giá bán lẻ điện cho cả 4 nhóm khách hàng kể trên thì việc ban hành biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới cũng vẫn không có sự đột biến nào.
Giả sử, không tiếp tục duy trì mức giá thấp cho nhóm khách hàng sản xuất thì cũng tạo điều kiện cho các nhóm khác rẻ hơn. Tuy nhiên, đây là lựa chọn khó khăn bởi có thể làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Nhìn chung, muốn có sự thay đổi đáng kể về giá bán điện, người dùng sẽ phải chờ ít nhất đến giai đoạn 2021-2023. Đó là lúc thị trường bán lẻ cạnh tranh ra đời. Khi đó, EVN sẽ không còn độc quyền bán lẻ.
Đến lúc đó, giá bán lẻ điện sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường với sự tham gia của nhiều bên. Mức giá tăng hay giảm so với hiện nay là điều chưa thể nói trước.
Nhưng trong một cuộc chia sẻ với phóng viên VietNamNet vào tháng 5/2019, ông Franz Gerner, Trưởng nhóm Chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã lưu ý: Kinh nghiệm từ Mỹ Latinh cho thấy hầu hết các quốc gia đã ngừng thị trường bán lẻ cạnh tranh khi nhu cầu điện tiếp tục tăng nhanh và các khoản đầu tư mới vào phát điện và và lưới điện không theo kịp.
Có nghĩa, khi thiếu điện, cầu lớn hơn cung, thì thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cũng rất khó vận hành trơn tru.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet