Sau khi giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20-3, nhiều hộ gia đình phản ánh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp 2 - 3 lần. Báo cáo trước Quốc hội trong phiên khai mạc 20-5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, các cơ quan chức năng đang thanh tra, làm rõ việc tăng giá điện, phương pháp tính và thu tiền điện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật. Theo nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), vấn đề giá điện đang gây nhiều băn khoăn cho người dân và cần phải điều chỉnh, giải thích hợp lý.
Giá điện tăng cao ảnh hưởng cuộc sống người dân
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, việc tăng giá các mặt hàng đầu vào, nhất là giá xăng dầu, điện, dịch vụ y tế... đã ảnh hưởng tới lạm phát, sản xuất tăng chậm lại. Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như các mặt kinh tế, xã hội.
Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, việc tăng giá điện thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của người dân. “Bậc thang giá điện hiện đang co lại, những hộ sử dụng điện ở mức cao thì phải trả chi phí cao. Bên cạnh đó, thời điểm này (tháng 5) và các tháng tiếp theo (tháng 6, 7), thời tiết nóng nực thì việc sử dụng điện năng còn tăng lên nhiều”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói. Cho rằng người dân cũng cần phải chia sẻ với ngành điện, nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nhấn mạnh, ngành điện phải hết sức thận trọng, xem xét một cách khách quan để điều chỉnh giá điện hợp lý nhất.
Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, việc tăng giá vào đúng thời điểm thời tiết nắng nóng, kéo theo tăng mức độ sử dụng điện dẫn tới tiền điện tăng áp theo mức giá bậc thang. “Khi giá điện tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nên người dân có phản ứng cũng là lẽ đương nhiên”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương nói và nhìn nhận, Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, nếu có gì làm tổn hại đến cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ bị xử lý.
ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ rà soát lại việc tính giá điện, điều đó thể hiện sự cầu thị của ngành điện. “Nhưng anh tính thế nào để phù hợp chứ không vẫn chỉ là cách tính lợi cho anh, nhất là hiện nay chúng ta đều nói điện lực là độc quyền”, ĐB Phạm Văn Hòa nói. Theo ông Hòa, ngành điện phải hết sức cầu thị, thận trọng, khách quan để người dân có niềm tin với mình, không để mỗi lần tăng giá điện dân lại phản ứng rất gay gắt.
Nên điều chỉnh bậc 1
Theo phân tích của ĐB Phạm Văn Hòa, lộ trình tăng giá được Chính phủ cho phép, nhưng có nhiều người dân họ không hiểu. “Chỉ cách 1-2 tháng mà giá điện tăng gấp 2 lần thì người dân họ thấy bất hợp lý, họ than phiền là điều bình thường. ĐBQH khi tiếp xúc cử tri, nơi nào dân cũng kêu về việc tăng giá điện. Vì thế, ngành điện phải xem xét lại vì sao người dân kêu ca nhiều như thế”, ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến và cho rằng, việc Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện là phản cảm. Đó là tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân. Ngay cả tâm tư đó nếu chưa đúng thì ngành điện cũng phải xem lại hoạt động của mình vì sao lại để dân tâm tư như vậy. ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng cho rằng, bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới họ, số đông người.
Theo ý kiến nhiều ĐBQH, phản ánh của cử tri về chuyện tăng giá điện là vấn đề nóng suốt thời gian qua. Giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36%, nhưng hóa đơn tiền điện thực tế lại tăng gấp 2 - 3 lần. Điểm bất cập hiện nay là giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0 - 50kWh) khá thấp, không còn phù hợp với số đông và đời sống người dân đang tăng lên vì hộ nghèo hiện nay đã sử dụng 1 tháng trên bậc 1 (50kWh). Vì thế, theo ĐB Hòa, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, tức là 100kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân. Vấn đề hiện nay của ngành điện lực là phải giải thích thật rõ trong việc tính giá điện để người dân yên tâm và chấp nhận giá điện hiện nay. Song song đó, ngành điện lực cần tăng cường tuyên truyền tốt việc sử dụng điện hiệu quả.
Về đề xuất của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo toàn diện vấn đề giá điện, điều hành giá xăng dầu, nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ, Bộ Công thương cần có báo cáo chi tiết cách tính giá điện, lộ trình tăng giá điện, có phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng khi tăng giá điện. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế nhằm tạo sự đồng thuận của người dân với điều hành giá điện của Chính phủ.
Tác giả: Lâm Nguyên
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng