|
Hiện tại thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với bia đang ở mức 60% nhưng đến ngày 1-1-2018 sẽ tăng lên 65%, tức tăng thêm 5%. Cộng thêm vào đó, Bộ Tài chính mới đây đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với bia lên mức 12% từ đầu năm 2019.
Chắc chắn giá bia sẽ tăng
Mới đây công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố báo cáo cho biết thuế TTĐB và thuế VAT chiếm tới 35% giá bán bia và sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới theo lộ trình tăng thuế TTĐB.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Việt Nam, cho rằng thực tế số thuế mà mỗi chai bia phải gánh còn lớn hơn nhiều so với công bố của Euromonitor. Cụ thể, hiện nay bia đang chịu thuế VAT là 10%, thuế TTĐB 60%, tính ra một chai bia người mua đã chịu đến 43,5% thuế. Đến đầu năm tới, khi thuế TTĐB tăng lên 65% thì uống một chai bia người dùng phải gánh 45,9% thuế. Đó là chưa kể đề xuất tăng thuế VAT lên mức 12%.
Do phải cõng thuế chồng thuế như vậy nên dự báo giá bia chắc chắn sẽ tăng theo. “Nhưng giá bia tăng cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào thị trường, sự cạnh tranh và chiến lược của từng công ty” - ông Việt nhận định.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam Mikio Masawaki cũng cho hay khi thuế TTĐB đối với bia tăng lên mức 65% vào đầu năm tới, công ty sẽ đưa ra quyết định cụ thể về giá bán. Công ty sẽ xem xét kỹ tình hình thị trường để điều chỉnh giá bán cho phù hợp.
Tuy các doanh nghiệp (DN) chưa công bố mức tăng cụ thể nhưng một số chuyên gia nhận định việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các công ty bia, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và có thể làm tăng giá bia thêm khoảng 7% so với hiện tại, chưa kể các chi phí khác. Tuy vậy, do việc tăng giá bia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, sản lượng bán ra nên các DN sẽ “nhìn nhau” để tăng giá ở mức hợp lý chứ không dám tăng sốc.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với bia sẽ tăng mạnh kể từ đầu năm tới. Ảnh: TÚ UYÊN |
Gánh nhiều loại phí
Trên thực tế, ngoài thuế hiện nay một chai bia còn phải gánh nhiều loại chi phí khác như sản xuất, bán hàng. Chưa hết, tại dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định DN phải đóng góp thêm 1%-2% trên giá tính thuế TTĐB vào quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trước đề xuất này, ông Mikio Masawaki, Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, cho rằng nếu đề xuất này thành hiện thực thì đây sẽ là gánh nặng mới về chi phí đối với DN. “Cần phải làm rõ mục đích và việc sử dụng quỹ một cách cụ thể. Giả sử nếu mục đích là bảo đảm nguồn thu ngân sách thì trước tiên cần phải xem xét tăng cường quản lý để tránh thất thu đối với các loại hình sản phẩm hiện nay đang chưa được quản lý tốt như hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…” - ông Mikio Masawaki đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Việt Nam, lo ngại nếu đề xuất trên áp dụng vào thực tế sẽ khiến gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả. Điều này sẽ dẫn đến sản xuất bia trong nước gặp khó khăn và ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Ngược lại, một số chuyên gia tán đồng việc tăng thuế với rượu bia, thuốc lá… để hạn chế sử dụng của người tiêu dùng trong nước. Bởi việc sử dụng quá nhiều rượu bia gây tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông.
Lượng tiêu thụ bia liên tục gia tăng Nghiên cứu của Euromonitor cho thấy tại Việt Nam, khoảng 51% giá bán bia cuối cùng sẽ về tay nhà sản xuất, 4,6% giá bán thuộc về nhà phân phối và 9,7% là của nhà bán lẻ. Trong những năm gần đây, thị trường bia Việt Nam luôn lọt vào danh sách các nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Kirin Holdings, Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3,8 tỉ lít bia trong năm 2015, đứng thứ 11 thế giới về tổng lượng tiêu thụ. Trong giai đoạn 2009-2015, tổng lượng tiêu thụ và mức tiêu thụ bia bình quân đầu người tại Việt Nam đều tăng. Đơn cử trong năm 2015, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 41,1 lít bia/năm, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới (27 lít/người) và của châu Á (18 lít/người). Trong khu vực châu Á, nếu xét về mức tiêu thụ bình quân đầu người, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba, chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. |
Tác giả: TÚ QUYÊN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM