Bất cứ du khách nào đến Hà Tĩnh sẽ bị thu hút bởi những món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn nhưng giản dị như hồn người nơi này.
Hà Tĩnh là mảnh đất nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp, sông núi hùng vĩ thơ mộng. Vùng đất này còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như ca trù, ví đò đưa, hát dặm… Không chỉ thế, bất cứ du khách nào đến đây còn bị thu hút bởi những món ăn ngon, đặc sản hấp dẫn nhưng giản dị như hồn người nơi này.
Sau đây, chúng tôi xin gửi đến các bạn một số gợi ý nên ăn gì ngon, bổ rẻ ở Hà Tĩnh.
Kẹo Cu đơ
Món kẹo này bạn có thể tìm mua ở nhiều điểm du lịch khác nhau nhưng thực sự, chỉ đến với Hương Sơn, Hà Tĩnh, bạn mới có thể tìm mua cho mình loại kẹo thơm ngon nhất.
Nghe nói, ở vùng Hương Sơn có một gia đình nấu kẹo “gia truyền” rất ngon chỉ bằng ba thứ nguyên liệu là mật mía, lạc (đậu phộng) và bánh đa. Loại kẹo này đến đời người con thứ Hai thì nổi tiếng khắp vùng. Anh “Cu Hai” là chủ của lò kẹo ngon nhất này. Tới thời Pháp xâm lược, nhiều người gọi vui kẹo anh Cu Hai là kẹo “Cu đơ” (đơ theo số đếm tiếng Pháp là hai). Thế là từ cuối thế kỷ 19 đến nay, tên gọi Cu đơ đã thành thương hiệu của món kẹo đặc sản này.
Kẹo Cu đơ – đặc sản Hà Tĩnh – được làm chủ yếu từ lạc và mật mía. Mật mía được bỏ vào chảo chuyên dùng để đun sôi chảy, trộn thêm một số phụ gia như gừng, vừng (mè), bột mạch nha để bánh được mềm hơn sau khi tráng. Sau đó, lạc nhân (đậu phộng hạt) được thêm vào chảo mật đang sôi, với nhiệt độ nhất định, lạc sẽ hóa giòn tan và rất thơm.
Ăn gì ngon, bổ rẻ ở Hà Tĩnh |
Bánh đa vừng
Ở Hà Tĩnh có một món ăn dân dã, rẻ tiền mà thật ngon, đó là bánh đa. Vùng nào, chợ nào, quán nào cũng có nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh đa Chợ Tỉnh, Chợ Cầy, Chợ Hội… Bánh đa ở những vùng này dầy, to, giòn và đặc biệt là có rất nhiều vừng đen, ăn vừa béo, thơm, vừa giòn, khi đói có thể ăn trừ cơm, chỉ thấy no mà không thấy chán.
Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, nguời ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất.
Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào…
Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch là thứ quả bưởi khá đặc biệt trong cả nước. Bưởi có dạng hình cầu tròn trĩnh, bề ngang và chiều cao gần như bằng nhau. Khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt hậu tới cổ, thơm nhẹ tự nhiên. Đặc biệt, cuống quả không lồi, đế quả lại hơi lõm, vỏ không trơn nhưng cũng chẳng ráp, màu sắc vỏ quả có màu xanh vàng. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, còn khối lượng quả đạt không to như những loại bưởi khác chỉ từ 1- 1,5 kg, một trái bưởi có 14 -16 múi/một quả.
Loại bưởi này ngon và quý đến nỗi, năm 2002, nó công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quí hiếm cấm không được xuất khẩu giống.
Mực nhảy Vũng Áng
Vũng Áng vốn là một khu kinh tế cảng biển của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh nổi bật là một vùng biển xanh non nước hữu tình. Đến Vũng Áng bạn còn được nhiều món hải sản vô cùng tươi ngon, nhất là mực nhảy.
Loại mực nhảy Vũng Áng này được những người thợ câu trong đêm sau đó đem thả vào các khoang thuyền trữ nước biển rồi đem về bán. Vì mực ở đây luôn tươi rói, lúc nào cũng nhảy nhót vì mới có tên là mực nhảy. Theo người dân nơi đây, mực nhảy còn được gọi là mực “nháy”, muốn nhấn mạnh đôi mắt mực còn sống nhấp nháy, hoặc da mực mới vớt lên khỏi nước ánh lên lấp lánh. Dù là mực “nhảy” hay mực “nháy” thì cùng giống nhau ở đặc điểm là mực còn tươi, sống.
Hến sông La
Hến là món ăn phổ biến của mọi gia đình ở vùng ven sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày, như hến xào giá, ăn kèm bánh tráng; canh hến nấu rau tập tàng; cơm nước hến thêm chút gừng cay ăn kèm với cà muối mới thật đậm đà làm sao.
Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, bát nước Hến đầu tiên nóng hôi hổi mát, thơm, đậm ngọt, bổ dưỡng, màu trắng sữa như nguồn sống vô tận của dòng sông quê mẹ. Đúng như câu ca ai ví “Dẫu ai đi quanh về quắt – không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (Giắt là loại Hến con sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam).
Gỏi cá đục
Về với mảnh đất của đại thi hào Nguyễn Du, là cái nôi của ca trù… chúng ta sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ biển, trở thành nét văn hóa riêng của làng biển Xuân Nghi.
Cá đục dài khoảng 13-18 cm, thân to hơn ngón tay cái, sống gần bờ biển, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Ăn gỏi cá đục nhất thiết phải có rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, chấm với nước lèo, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị bùi của cùi dừa, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt rất đặc biệt.
Theo Khỏe & Đẹp