(Ảnh minh họa: BBC). |
Các bác sĩ ở Alabama (Mỹ) hôm 20/1 thông báo, họ đã ghép thành công hai quả thận của một con lợn được chỉnh sửa gen cho một người chết não với sự đồng ý của gia đình bệnh nhân để phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Jayme Locke, bác sĩ dẫn đầu nghiên cứu mới này, cho biết hai quả thận đã hoạt động hiệu quả trong thời gian thử nghiệm 3 ngày trước khi đội ngũ y tế ngừng các thiết bị hỗ trợ sự sống cho bệnh nhân.
Cụ thể, chỉ mất khoảng hơn 20 phút kể từ khi hoàn tất việc cấy ghép, hai quả thận bắt đầu hoạt động, lọc máu và tạo ra nước tiểu mà không bị cơ thể của người nhận đào thải. Tuy nhiên, một quả thận hoạt động tốt hơn quả còn lại, nguyên nhân được cho là do một quả bị tổn thương trong quá trình tách từ con lợn biến đổi gen.
Ngoài ra, không có bất cứ sự lây nhiễm virus nào từ lợn sang người trong quá trình cấy ghép, không phát hiện tế bào lợn trong máu của bệnh nhân.
Bác sĩ Locke cho biết, thí nghiệm này cho thấy cơ thể của người chết não vẫn có thể phục vụ thử nghiệm các phương pháp điều trị mới.
Việc thí nghiệm cấy ghép từ loài này sang loài kia được hy vọng có thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng thiếu nội tạng toàn cầu.
Đầu tháng này, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Mỹ tuyên bố đã cấy ghép thành công quả tim lợn đã được chỉnh sửa gen cho một bệnh nhân 57 tuổi. Đến nay, bệnh nhân đang hồi phục dần và được đội ngũ y tế theo dõi kỹ lưỡng để đánh giá hiệu quả hoạt động của phần nội tạng mới trong cơ thể bệnh nhân.
Cuối năm ngoái, các bác sĩ ở New York, Mỹ cũng ghép thành công một quả thận lợn cho một bệnh nhân chết não. Theo lý giải của các chuyên gia, việc sử dụng thận của lợn đã chỉnh sửa gen sẽ giúp hạn chế nguy cơ cơ quan cấy ghép bị cơ thể con người đào thải.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí