Đặc Sản Hà Tĩnh

Ghé Hà Tĩnh thưởng thức kẹo Cu Đơ

Cu đơ, tên gọi của một loại kẹo đã đi vào tiềm thức bao thế hệ người dân Hà Tĩnh nói riêng và người Việt Nam nói chung.



Chuyện kể rằng trước năm 1945, nghề nấu kẹo lạc ở Hà Tĩnh diễn ra bình thường. Sau nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, với quan niệm dân gian có từ ngàn xưa “No đắt mói (muối), đói đắt mật”, nghề nấu kẹo lạc phát triển mạnh và khách tăng đột biến. Từ đường mía, người ta đã biết nấu thành mật, phụ gia để chế biến trong các món ăn và là nguồn thực phẩm quan trọng. Và từ mật mía, người người ta đã nấu chảy để đổ thành bánh. Loại bánh bao gồm nhiều phụ liệu mà người dân nơi đây vẫn thường nói là ngọt bùi cay đắng như cuộc đời của họ.


Cu Đơ được nấu từ mật có thêm một ít nha nấu đúng kỹ thuật là loại rất ngon. Để tấm Cu Đơ đạt tiêu chuẩn phải là loại Cu Đơ nấu đúng kỹ thuật, cái bánh đa phải là loại bánh vừa phải, không dày, không mỏng có thêm những hạt vừng đen. Lạc cũng là một trong những nguyên liệu quyết định Cu Đơ ngon hay không? Lạc được bỏ vào chảo mật đang sôi, với nhiệt độ nhất định, lạc sẽ giòn tan và rất thơm trong miếng bánh cu đơ…. Và cuối cùng là nguyên liệu mật – mật là nguyên liệu quan trọng nhất. Mật mía phải nguyên chất, không được pha tạp đường, nếu có đường vào là tấm Cu Đơ sẽ không ngon và nhanh hỏng. Sau khi mọi thứ đã vừa độ, người làm bành sẽ dùng những miếng bánh tráng cắt sẵn theo hình tròn, đổ hỗn hợp kẹo lên và ốp hai mẩu bánh tráng lại với nhau. Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến cu đơ, người ta thường xếp chồng lên nhau khoảng 5 đến 10 cặp bánh gói vào giấy báo và đựng vào túi nilon để bánh được giòn lâu và không bị ẩm.


Kẹo bày bán ở chợ, nông dân mua về làm quà cho trẻ con, bà già. Trong số những người nấu kẹo ở Hương Sơn, có ông Cu Hai (quê làng Thịnh Xá).


Cu Hai là một tiểu thương, làm nghề buôn trầu. Thấy nghề buôn trầu khó nhọc, lời lãi chẳng bao nhiêu, ông ta chuyển sang nghề nấu kẹo lạc. Kỹ thuật nấu kẹo của ông Cu Hai có nhiều điểm nổi trội hơn người khác.


Ông chọn loại mật vàng sáng, không gợn, không cặn. Lạc mua về nhặt bỏ hết hạt lép, chỉ dùng loại to, bóng mẩy. Miếng kẹo ông Cu Hai nấu ra không mềm quá, cũng không cứng quá. Ngày đó, kẹo đổ ra khuôn, bên dưới có lớp giấy mỏng hoặc lót bằng lá chuối. Sau này, giấy và lá chuối được thay bằng hai tấm bánh đa nướng. Cách làm này vẫn được duy trì cho đến nay. Bởi thế, sản phẩm của ông Hai đẹp về hình thức, ngon về chất lượng. Kẹo của ông Cu Hai trở nên nổi tiếng một vùng.


Từ tên riêng Cu Hai, không bếit ai cắc cớ đổi thành Cu Đơ (tiếng Pháp, Đơ (Deux) có nghĩa là Hai). Từ đó về sau, thứ kẹo được nấu bằng mật mía, lạc, bánh đa nướng, được gọi là kẹo Cu Đơ.


Có xuất xứ từ huyện Hương Sơn, nhưng hiện nay, trung tâm sản xuất kẹo Cu Đơ không thuộc địa bàn này, mà di cư vào TP Hà Tĩnh, “đóng đô” tại phường Đại Nài (khu vực cầu Phủ, dọc quốc lộ 1A).


Tại đây, có gần 100 gia đình chuyên chế biến kẹo lạc bán buôn, bán lẻ. Từ ngã tư Phan Đình Phùng đến cầu Phủ, hai bên đường, quán hàng kẹo Cu Đơ san sát. Giá mỗi miếng kẹo từ 5.000 đến 10.000 đồng, tuỳ kích cỡ.


Kẹo sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy. Bát nước chè xanh, miếng kẹo ngọt ngào pha chút gừng cay, ẩm thực đặc sản đất Hà Tĩnh để lại dư vị riêng, không lẫn vào đâu được. Nhìn bề ngoài, kẹo Cu Đơ khá mộc mạc, nhưng để làm cho ngon cũng lắm công phu, từ khâu chuẩn bị chất liệu đến khâu chế biến rồi đến công đoạn nấu, từng tí từng tí một rất tinh tế. Cu Đơ uống với nước chè xanh thì thật là tuyệt vời. Cái mùi vị béo ngọt, thơm cay dìu dịu thấm dần rồi lan tỏa trên đầu lưỡi để lại cảm giác khó quên cho ai đã được một lần nếm thử.


Tuy nhiên, sau đó tại một số tỉnh bắc miền Trung đã xuất hiện một số cơ sở sản xuất kẹo Cu Đơ mác Hà Tĩnh, chất lượng kém. Loại kẹo không chính hiệu này thường được bày bán tại ga tàu, bến xe. Do đó đã ảnh hưởng nhiều đến danh tiếng của loại kẹo đặc biệt này.

L.A(sưu tầm)

CAO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP