Vì sao lại có sự bất công tréo ngoe như vậy? Ai đã “chống lưng” cho chính quyền xã Thường Nga bất chấp luật pháp, tự ban hành các loại quỹ, ròng rã hàng chục năm trời bóc lột người nông dân?
Biến tướng khoản thu
Từ nhiều năm trước, ít nhất cũng hơn 10 năm, UBND xã Thường Nga phân định ra các hạng đất rồi ấn định cho từng hạng đất những mức thu khác nhau. Ví dụ như đất hạng 3 thu 15 kg/sào; đất hạng 4 thu 13,5 kg/sào; đất hạng 5 và khó giao thu 11 kg/sào…
Khỏi nói hết nỗi bức xúc của người dân trong xã khi họ phải è cổ ra đóng nộp các khoản thu ngay sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Ai cũng biết rằng thu theo hạng đất chính là thu thuế nông nghiệp, loại thuế mà Nhà nước đã miễn cho nông dân lâu rồi.
Những lá đơn cầu cứu được gửi đi khắp nơi, những đoàn thanh tra, kiểm tra của các cấp ban ngành đã về xã Thường Nga làm rõ các khoản thu vô lý. Nhưng không hiểu sao mọi việc vẫn cứ tiếp diễn hệt như có người “chống lưng”, bao che cho chính quyền địa phương.
Theo lệ, ngay khi thời điểm thu hoạch vụ lúa năm nay vừa xong, những người nông dân chân lấm tay bùn ở xã Thường Nga lập tức nhận được “trát” thu nộp sản phẩm từ UBND xã gửi xuống.
Làng xã nháo nhào bàn tán, thắc mắc khi phương án thu nộp của chính quyền địa phương ban hành lần này có tên một loại quỹ rất lạ: Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất. Đây là loại quỹ có mức thu lớn nhất, gấp 14 – 15 lần so với tổng số tiền của 5 loại quỹ được phép vận động thu, nhiều gia đình phải bỏ ra tiền triệu để đóng nộp.
Người dân bảo, đây là giấy thông báo kỳ quặc nhất từ trước tới nay mà họ thấy. Chuyền tay nhau hỏi han, tìm hiểu, nhưng không một ai có thể trả lời.
Cầm phương án thu nộp sản phẩm trong tay, Nguyễn Sỹ Lộc, một nông dân ở thôn Tây Bắc hết tìm ông trưởng thôn lại hộc tốc chạy lên UBND xã để hỏi cho ra nhẽ, nhưng rốt cục chỉ nhận được sự im lặng hoặc những câu trả lời vòng vo.
Gặp tôi, anh Lộc bức xúc: “Không chỉ có tên gọi của khoản thu lạ hoắc mà nội dung thể hiện trong giấy cũng mập mờ. Đến như chúng tôi còn khó hiểu. Giấy thông báo ghi cột diện tích ruộng của gia đình tôi là 2.717 m2 và số tiền phải nộp cho quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất là 628.000 đồng.
Ghi như thế, không ai biết họ thu một sào bao nhiêu kg thóc hay bao nhiêu tiền. Cứ thế, người dân đành nai lưng ra nộp”.
Cán bộ xã, trưởng thôn nói với dân về khoản thu này ra sao? – PV hỏi. Anh Lộc thật thà rằng, ngày thường gặp lãnh đạo xã đã khó, 3 ngày trong chiến dịch thu nộp sản phẩm lại càng khó gặp hơn. Toàn xã có 9 thôn và 1 cụm với 1.146 hộ dân nhưng xã chỉ tổ chức tận thu trong 3 ngày.
Ngoài 3 ngày, ai chưa nộp thì sẽ bị “hành hạ” bằng cách đọc tên trên loa của thôn, của xã ra rả suốt ngày. Ai nộp muộn không rõ lý do có thể bị phạt thêm 5% trong tổng số tiền nộp. Trong 3 ngày đó, hội trường xã đông như hội.
Có gặp được cán bộ để hỏi thì người không biết đã đành, người đẻ ra khoản thu ấy cũng chỉ giải thích được dăm câu ba điều chung chung, thậm chí là lẩn tránh. Người dân đành nuốt ức, ôm nghẹn mà nộp cho xong.
Ông Ngô Nuôi – Trưởng thôn Đông Nam nói rằng, đến như tôi cán bộ còn không hiểu huống hồ chi là giải thích cho dân?
Ông Nguyễn Văn Bảy – nguyên ĐB HĐND xã Thường Nga hai khóa nói với chúng tôi rằng, trước đây khoản thu này được thu theo hạng đất và có Nghị quyết HĐND xã cho phép thu. Còn năm nay, không hiểu vì lý do gì mà tên gọi lại được đổi mặc dù số lượng kg/sào không mấy thay đổi.
Có mặt tại hội trường UBND xã Thường Nga đúng vào ngày thứ 3 chiến dịch thu nộp sản phẩm, chúng tôi đã gặp ông Ngô Nuôi – Trưởng thôn Đông Nam. Nhiệm vụ của ông Nuôi trong chiến dịch lần này là hướng dẫn người dân nộp sản.
Đến phần “quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất”, vị trưởng thôn có nhiều năm kinh nghiệm phổ biến các văn bản, chính sách từ cấp trên đến người dân cũng ngắc ngứ, chẳng biết nói thế nào cho dân hiểu: “Người ban hành tên quỹ và văn bản này mới học ra trường thì phải! Nếu ghi như trước đây là thu theo hạng đất và mức thu bao nhiêu kg/sào thì người dân dễ hiểu chứ ghi như bây giờ thì tù mù quá. Đến như tôi cán bộ còn không hiểu huống hồ chi là giải thích cho dân”, trưởng thôn Nuôi bảo thế.
Không chỉ coi người ban hành văn bản này mới học ra trường mà ông Ngô Nuôi còn nói thêm rằng, việc làm đường giao thông hiện nay các thôn đều đã thu mỗi khẩu 200.000 đồng rồi.
Ngoài ra, các thôn còn thu nội đồng, khoản này có thôn thu 3kg/sào, có thôn thu 20.000 đồng/sào. “Vậy thì thu giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất để làm gì nữa?” – ông trưởng thôn Đông Nam đặt câu hỏi.
Không có trong Nghị quyết HĐND
Để tìm hiểu rõ các khoản thu của xã Thường Nga, chúng tôi chuyển những băn khoăn, thắc mắc của người dân đến ông Đường Trọng Hữu – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, những mong có được sự giải đáp. Sau khi ghi chép các nội dung, vị Chủ tịch UBND xã hẹn sẽ có buổi làm việc vào hôm khác vì cần phải chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan. Một tuần sau, buổi làm việc mới được sắp xếp.
Tại buổi làm việc này, ngoài ông Hữu và ông Nguyễn Trung Kiên – Kế toán ngân sách xã còn có sự hiện diện của các ông Phan Công Khoan – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND; ông Đường Hồng Lam – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; ông Trần Hữu Phú – Phó Chủ tịch HĐND; ông Đinh Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND; ông Nguyễn Công Bình – Cán bộ văn phòng UBND; ông Nguyễn Hữu Ngạn – Cán bộ địa chính xã.
Giấy thông báo thu nộp sản phẩm của UBND xã Thường Nga
Mở đầu buổi làm việc, PV Báo NNVN đề nghị UBND xã cung cấp các văn bản liên quan như: Tờ trình của UBND xã và Nghị quyết của HĐND xã về việc thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất; một số văn bản khác như báo cáo quyết toán thu chi ngân sách 2013/2014 và bảng lương chi trả cho cán bộ, nhân viên, người hưởng phụ cấp không chuyên trách trong xã…
Rất tiếc các đề nghị của PV đã không được ông Chủ tịch UBND xã Thường Nga đồng ý! Chính thái độ thiếu thiện chí, bất hợp tác của ông Chủ tịch UBND xã Thường Nga khiến chúng tôi ngờ rằng các khoản thu do địa phương đặt ra rất tù mù.
PV nói rằng, các văn bản trên đều không thuộc vào danh mục cấm và hoàn toàn công khai đến với các tầng lớp nhân dân. Nếu ông Chủ tịch không cung cấp thì chúng tôi khó trả lời cho bạn đọc hiểu về khoản thu trên.
Lúc này, ông Đường Trọng Hữu – Chủ tịch UBND xã Thường Nga mới chịu giải thích nhưng nội dung cũng rất khó hiểu: “Thu để làm giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương và khuyến khích đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi”. Thấy chúng tôi không đồng tình với câu trả lời, ông Phan Công Khoan – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã phát biểu rằng: “Cái này chắc phải có tờ trình của UBND xã rồi HĐND xã mới ra Nghị quyết thu”.
Tuy nhiên, trong tập tài liệu kỳ họp thứ 8 HĐND xã Thường Nga khóa XVIII diễn ra ngày 9/1/2015 mà ông Trần Hữu Phú – Phó Chủ tịch HĐND xã trao cho chúng tôi xem tại buổi làm việc thì không thấy có tờ trình của UBND xã về khoản thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất. Không thấy trong tập tài liệu của HĐND, ông Hữu bảo kế toán và cán bộ văn phòng tìm trong hồ sơ lưu nhưng không ai tìm ra được tờ trình đó.
Điều đáng nói trong Nghị quyết số 47 của HĐND xã ban hành về công tác xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách năm 2015 không có tên quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất. Vậy căn cứ nào để Chủ tịch UBND xã Thường Nga ban hành quyết định 37 ngày 20/6/2015 thu số tiền 752.801.000 đồng của hàng trăm hộ nông dân trồng lúa cho một loại quỹ với tên gọi lạ kỳ như thế?
Xin gửi lại những câu hỏi này cho các cơ quan ban ngành liên quan ở tỉnh Hà Tĩnh. Nhân dân xã Thường Nga hoàn toàn có quyền được sáng tỏ các khoản thu mà họ phải cắn răng bán đi những hạt thóc ướt đẫm mồ hôi, nước mắt của mình để nộp sản.
Điều 5 chương II Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp đã chỉ ra 3 căn cứ để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm: Diện tích; Hạng đất; Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất. Từ năm 2003 đến nay, Quốc hội đã 2 lần ban hành Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Lần gần đây nhất là ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 55. Nghị quyết nêu rõ: “Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với đất trồng cây hàng năm…”. |