>> Gánh nặng quê nghèo Hà Tĩnh: Ròng rã hơn 10 năm gánh các khoản thu
>> Gánh nặng quê nghèo Hà Tĩnh: Những giọt nước mắt trong chiến
Theo một báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Can Lộc gửi Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh về việc thu phí ngoài quy định thì 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng phương án vận động thu các loại quỹ trong năm 2014, tổng số tiền lên đến 23.867.662.000 đồng, mức huy động một xã từ 350 triệu đến 1,7 tỷ đồng. Những con số quả là khiếp đảm.
Đó là chưa kể các khoản thu do chính các thôn, xóm, HTX đứng ra vận động nhân dân đóng góp để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa…
Cố tình thu vô căn cứ
Tình trạng lạm thu ở các vùng quê thuộc huyện Can Lộc thực sự đáng báo động. Tháng 3/2015, UBND huyện Can Lộc tiến hành kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với pháp luật trên địa bàn.
Qua kiểm tra phát hiện một số địa phương, HĐND và UBND xã tự ý ban hành văn bản thu đóng góp của nhân dân trái quy định.
Tưởng rằng, sau đợt kiểm tra, chấn chỉnh đó, chính quyền các địa phương sẽ chấp hành, không tái phạm. Nhưng không ngờ tình trạng các xã tự ý ban hành quyết định thu các loại quỹ, phí ngoài quy định với mức thu quá sức dân vẫn cứ tiếp diễn.
Chẳng hạn xã Thanh Lộc thu quỹ hành chính phúc lợi với mức thu 28.000 đồng/sào; quỹ văn hóa 10.000 đồng/khẩu. Xã Kim Lộc thu tu bổ giao thông 5.000 đồng/khẩu; quỹ trả công cán bộ không chuyên trách 30.000 đồng/khẩu; quỹ khuyến nông 5.000 đồng/sào; xây dựng trường mầm non 100.000 đồng/khẩu.
Ở xã Kim Lộc, ngoài các khoản UBND xã thu, phía HTX và thôn còn thu với mức từ 11 – 12,8kg/sào; thôn nào làm đường giao thông nông thôn và xây nhà văn hóa còn thu thêm 200.000 đồng/khẩu (khẩu từ 6 tháng đến 60 tuổi kể cả nữ).
Có 5 loại quỹ được thu theo quy định, gồm: ANQP; Khuyến học; Bảo trợ trẻ em; Đền ơn đáp nghĩa; Phòng chống thiên tai. Trong thực tế nhiều địa phương đã biến tướng các điều khoản để mở rộng đối tượng thu.
Chẳng hạn Quỹ ANQP, theo quy định có 5 nhóm đối tượng không được vận động đóng góp: Hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ gia đình người cao tuổi, neo đơn, người tàn tật và các gia đình đặc biệt khó khăn.
Nhưng không ít hộ gia đình nằm trong 5 nhóm đối tượng trên vẫn bị thu 40.000 đồng/hộ. Nhất là nhóm đối tượng hộ gia đình người cao tuổi. Nhằm “tận thu” thêm sức dân, chính quyền xã Kim Lộc tự ý hạn chế số đối tượng được miễn giảm bằng cách đẻ thêm quy định: Chỉ những hộ gia đình có 100% thành viên là người cao tuổi mới được miễn giảm.
Trưởng thôn Kim Thịnh, ông Nguyễn Hải Sơn nói: Mặc dù đã có qui định rất rõ ràng nhưng có những loại quỹ UBND xã Kim Lộc tổ chức thu theo kiểu đại trà. Quỹ ANQP, vợ chồng ông Nguyễn Văn Khôi và bà Lê Thị Vân, cả hai người đều ngoài tuổi lao động rồi mà vẫn phải nộp.
Báo cáo của UBND huyện Can Lộc gửi Sở Tài chính về việc thu phí ngoài quy định
Bà Trần Thị Chiến hơn 70 tuổi, ông Trần Văn Thiệu hơn 80 tuổi… phải nộp. Đến hoàn cảnh neo đơn như bà Nguyễn Thị Minh, hơn 65 tuổi, thuộc diện đặc biệt khó khăn, ngơ ngơ nghít nghít, chậm chạp, không biết làm ăn mà xã vẫn cứ thu như thường.
Ông Phan Nhân Cầu, Thanh tra nhân dân xã Kim Lộc cũng khẳng định: Có những phần thu bất chấp ý kiến cử tri, thu bất hợp pháp, thu sai nguyên tắc, trở thành gánh nặng cho nhân dân.
Về khoản thu xây dựng trường mầm non, mức thu 100.000 đồng/khẩu, ông Cầu nói, đây là khoản thu khi tiếp xúc cử tri, nhân dân thắc mắc và không đồng tình, còn ông Sơn khẳng định, dân vẫn cắn răng đóng nhưng họ vẫn kịch liệt phản đối vì không biết chính quyền xã chiếu theo qui định nào để thu?
Các khoản thu “bất hợp pháp, sai nguyên tắc” như phản ánh của nhân dân Can Lộc, ai có thể giải đáp rõ ràng cho họ? Xin được quay lại khoản thu theo đầu sào ở xã Thường Nga. Khoản thu được coi là nặng nề nhất, lạ kỳ nhất, khó hiểu nhất là “quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất”.
Do không nhận được câu trả lời đích đáng từ chính quyền xã này, nhóm PV NNVN đã đi tìm câu trả lời từ các cấp ban ngành cao hơn những mong giải tỏa được phần nào thắc mắc của nhân dân.
“Không có căn cứ nào để thu loại quỹ đó cả”, ông Lương Quang Diên, Trưởng phòng ngân sách huyện xã thuộc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh khẳng định như vậy.
Để chứng minh, ông Diên đã lôi trong ngăn kéo ra Luật Ngân sách, Thông tư 60 của Bộ Tài chính về hoạt động tài chính xã và Quyết định 29 ngày 29/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi các cấp ngân sách; tỷ lệ % phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 – 2015, rồi bảo: “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất không có tên trong danh mục của các văn bản này”.
Đặc biệt, sau khi xem giấy thông báo thu nộp sản phẩm và biên lai thu tiền của một số hộ dân ở xã Thường Nga, ông Diên phân tích: Vì tên quỹ không có trong quy định và danh mục được phép thu nên tôi không biết lấy căn cứ nào để lý giải.
Rất khó để luận giải khoản này thu theo khẩu có ruộng hay thu theo kg/sào. Một cột ghi diện tích, một cột ghi số tiền thì đúng là bản thân tôi cũng không hiểu mức thu như thế nào. Còn biên lai thu tiền và phiếu thu không có tên đơn vị, chữ ký của thủ trưởng và con dấu của đơn vị là chưa đúng với quy định pháp luật.
Có khoản thu chưa nghe thấy bao giờ
Vậy việc Chủ tịch UBND xã Thường Nga ban hành quyết định số 37 ngày 20/6/2015 để thu số tiền 752.801.000 đồng của hàng trăm hộ nông dân trồng lúa là trái với pháp luật hiện hành? Câu hỏi này, chúng tôi đã được ông Dương Đình Tuấn, Phó Chánh thanh tra Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh trả lời rằng, đây là khoản thu sai với quy định của pháp luật.
“Thanh tra Sở Tài chính vừa ban hành quyết định công bố kết quả thanh tra tại xã Thường Nga. Rất buồn vì những yếu kém, sai phạm của xã này đến nay chưa khắc phục xong thì nay lại đẻ ra loại quỹ này. Thật không hiểu ra làm sao nữa”, ông Tuấn than thở.
Khi chúng tôi trao tờ giấy thông báo thu nộp sản phẩm vụ xuân 2015 của UBND xã Thường Nga cho ông Bùi Quang Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh và ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh xem, họ đều bất ngờ vì lần đầu tiên nghe được thuật ngữ “quỹ giao thông thủy lợi phát triển sản xuất”.
Ông Ngô Đức Hợi – Chi cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh
Ông Hoàn cho biết: Về phía ngành không đồng tình với khoản thu này và cũng sẽ không có chủ trương cho một khoản thu như thế. Ngành rất hoan nghênh mọi đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Còn việc chính quyền lập ra một khoản thu mà chưa có tiền lệ và quy định để thu của người dân thì đó là điều không đúng.
Lý giải ở góc độ chuyên môn, luật pháp và thực tế đang diễn ra ở xã Thường Nga, ông Ngô Đức Hợi cho rằng đây là một khoản thu khó hiểu. Ông nói: Trước đây, người trồng lúa nộp phí thủy lợi cho hai nhóm đối tượng, một là nhà nước, hai là người phục vụ.
Nay theo Nghị định 67 của Chính phủ thì người dân chỉ nộp khoản cho người phục vụ như sửa chữa kênh mương nội đồng, dẫn nước vào ruộng. Mức thu ấy thực hiện theo Quyết định 3854 ngày 3/12/2013 của UBND tỉnh. Theo quyết định này, mức phí dịch vụ lấy nước đối với công trình thủy lợi tính từ vị trí cống đầu kênh đến mặt ruộng (kênh nội đồng) là 350.000 đồng/ha/vụ.
Như vậy, nhìn trên giấy thông báo và biên lai thu tiền rõ ràng thu làm giao thông đã được thể hiện trong phần thôn thu mỗi khẩu 200.000 đồng. Ngoài ra các thôn còn thu khoản nội đồng với mức 3kg/sào, hay thu 20.000 đồng/sào. Nếu hộ dân có 10 sào ruộng thì phải đóng 175.000 đồng/vụ cho thủy lợi phí. Như vậy mức thu 3kg/sào ở thôn có thể là hợp lý.
“Dưới thôn đã thu như thế rồi mà UBND xã vẫn đặt ra khoản thu quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất là quá nặng nề cho người dân.
Tôi không biết lãnh đạo xã Thường Nga trả lời các anh thu để làm gì nhưng năm 2014, xã này đăng ký làm 1 km kênh mương nội đồng song chỉ làm được 241 m, trong khi xi măng trên này rót về cho 17 tấn rồi. Năm 2015, xã lại đăng ký làm 1 km giao thông thủy lợi nội đồng. Đến nay mới thực hiện được 350 m và lượng xi măng cấp trên đã chở về cho xã là 436 tấn”, ông Hợi cho biết.
Chúng tôi cũng như ông Hợi và nhiều người khác rất băn khoăn vì không biết khoản thu trái với quy định của nhà nước lên đến 752.801.000 đồng sẽ được Chủ tịch UBND xã Thường Nga phân bổ chi tiêu thế nào khi mà Nghị quyết HĐND xã quyết nghị chi cho sự nghiệp phát triển kinh tế năm 2015 là 140.000.000 đồng?
Lẽ nào thu sai hàng trăm triệu đồng giờ không trả lại cho nhân dân? Đồng tiền đó là mồ hôi, nước mắt do người dân lam lũ mà có. Họ phải oằn mình một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, liệu có đáng phải oằn lưng thêm lần nữa để gánh nặng trên vai những khoản thu vô căn cứ hay không? Việc các khoản thu đúng hay sai đã rõ, còn những người dân đang phải gánh chịu, họ có đòi lại được sự công bằng hay không thì có lẽ lại phải chờ cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh mà thôi.