9h15 ngày 4/3, những chuyến xe chở rác thải công nghiệp bắt đầu rời khỏi cổng phía tây của công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Hướng ra quốc lộ 1A, rẽ lên đường tránh Thị xã Kỳ Anh, những chiếc xe này bắt đầu tỏa đi nhiều hướng khác nhau.
Theo chân những chiếc xe này phóng viên Pháp luật Plus tiếp cận tận nơi khu vực họ vẫn thường công khai trút rác, điều bất ngờ là rác không được tập kết ở nơi nào khác mà chính là ở sau vườn nhà dân?
Xe tải chở rác qua cổng phía tây công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để tuồn ra ngoài. |
Gỗ, sắt thép, bột thạch cao, bông, vải, những thùng đầy hóa chất không rõ nguồn gốc và hàng trăm phế thải công nghiệp khác được đổ ngập tràn khắp nơi. Trên địa bàn các phường Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Trinh đâu đâu cũng bắt gặp những bãi rác khổng lồ như thế này.
Nguy hiểm hơn cả là rác thải được đổ ngay mạch nước đầu nguồn. Những thùng hóa chất còn đầy, bên trong là chất rắn màu vàng, mùi hắc rất khó chịu được vứt ngay dưới suối. Những hóa chất này cứ thế tan chảy vào nước và có thể đầu độc hàng vạn người dân của thị xã Kỳ Anh.
Cơ quan chức năng bắt quả tang các phương tiện đổ rác ở bãi không phép. |
Chị Trần Thị Vân, trú tại thôn Liên Phú, phường Kỳ Liên, Kỳ Anh chia sẻ: “Tôi sống ở đây hơn 10 năm, 3 năm gần đây rác thải công nghiệp đổ về đây khắp nơi khiến nguồn nước sinh hoạt bị đục, ô nhiễm nặng. Rác trên sông trôi xuống từng bọc, từng bọc, mà con sông Khe Lau này lại là nguồn cung cấp nước cho nhiều xã nữa. Chỉ mong các cấp các ngành “mần răng” họ không đổ rác nữa”.
Các bãi rác khổng lồ “tự phép” mặc nhiên tồn tại. |
Những bãi rác ven đường như thế này dễ dàng bắt gặp. |
Các thùng hóa chất nằm chỏng chơ giữa sông, chảy xuôi về các xã tại Kỳ Anh. |
Khu dân cư: ngập rác, quốc lộ: rác, rừng và suối đầu nguồn: rác… đâu đâu cũng trở thành bãi rác, những bãi rác khổng lồ, lộ thiên, nham nhở, bốc mùi hôi thối có ở khắp nơi.
Thậm chí một số vị trí sâu trong rừng rác được “hóa trang” dưới một lớp đất mỏng với công nghệ chôn lấp hết sức thô sơ.
Chất thải rắn đang cháy dở. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ nhà thầu kí hợp đồng xử lý rác với Formosa Hà Tĩnh có thể dễ dàng đổ rác thải ra ngoài môi trường như vậy là do nhiều người dân trên địa bàn sẵn sàng cho thuê đất, vườn nhà mình làm bãi rác.
Với “cước phí” 6 triệu/tháng nhiều hộ dân chấp nhận biến nhà mình thành bãi tập kết rác thải công nghiệp của Fomosa mà không hề nghĩ đến những hệ lụy khủng khiếp của việc làm này.
Em Nguyễn Trần Phương Lan, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Kỳ Liên vừa đuổi ruồi cho em vừa kể: “Ngày nào ngồi học cũng phải bịt khẩu trang, buổi tối ngồi học ruồi nhặng cứ “bu” kinh khủng lắm”.
Xe tải này chở rác qua cổng phía tây công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để tuồn ra ngoài. |
Một nghịch lý là trên địa bàn huyện Kỳ Anh có hai nhà máy xử lý rác thải đó là: Nhà máy xử lý rác thải thị xã Kỳ Anh, nhà máy xử lý rác Hoành Sơn có công suất xấp xỉ 1000 tấn/ngày đêm nhưng các nhà thầu lại chọn phương án đổ rác bừa bãi ra ngoài môi trường?
Phải chăng để bớt một ít chi phí cho việc vận chuyển, xử lý rác thải mà những cá nhân, tổ chức này sẵn sàng tuồn rác ra ngoài môi trường, bất chấp sự ô nhiễm, nguy hại đến sức khỏe của bà con nhân dân?
Một số xe đã bị bắt cơ quan CA tạm giữ để điều tra. |
Để làm rõ việc nhà thầu móc nối với các doanh nghiệp vận tải đổ rác thải công nghiệp ra môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc điều tra. Tại hiện trường lực lượng chức năng bắt giữ 4 xe trọng tải lớn đang đổ rác tại 3 điểm khác nhau. Các phương tiện bị tạm giữ, lập biên bản xử lý.
Tuy nhiên, hiện trạng những bãi rác khổng lồ vẫn nằm tràn lan khắp các vùng dân cư tại Thị xã Kỳ Anh, đây là một bài toán rất cần cơ quan chức năng nhanh tay xử lý, những chất thải công nghiệp này rất có thể gây nguy hại cho sức khỏe người dân thông qua nhiều con đường khác nhau.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!
Danh Tạo – Thiên Phú – Hồ Hải