Học sinh tiểu học trong giờ học - Ảnh: T.T. |
Ngày đầu đi dạy, tôi cũng từng tâm niệm không được đánh học sinh, vì mình cũng từng là học sinh, vẫn nhớ cảm giác không thích khi bị cô đánh. Nhưng tôi chỉ giữ tâm niệm đó được gần 6 tháng.
Không đánh không được, đánh cũng... không xong
Học sinh cấp 1 khác học sinh cấp 2, 3, rất hay ồn ào, nói chuyện, chuyện thưa gửi phân xử luôn phải bắt đầu gần 15 phút mới có thể ổn định lớp.
Một hôm, học sinh lớp 5 ồn và không chịu học, quấy phá bạn, tôi phạt cho ra đứng ngoài hiên lớp. Chưa đầy 5 phút, đang sửa bài cho học sinh khác, tôi nghe mấy học sinh bị phạt chạy chơi đuổi bắt trong sân trường.
Tôi phải ra chạy lùa học sinh vào như vịt, sau đợt đó tôi bỏ qua quy định của mình. Nhưng tôi không đánh vào đầu hay tát học sinh mà chỉ đánh mông và véo tai. Có lần tôi đánh một học sinh rất quậy, em cười nhìn tôi nói: "Cô đánh nhẹ hều, không bằng bố em đánh", tôi đành chịu thua.
Không phải tôi không hiểu cảm giác phụ huynh khi thấy giáo viên đánh học sinh, nhưng nếu phụ huynh đặt mình vào vị trí của giáo viên một chút, có lẽ phụ huynh sẽ phần nào thông cảm được, rằng phạt học sinh chỉ là cách cuối cùng giáo viên dùng đến.
Tôi dạy mỹ thuật, ít áp lực hơn các bộ môn khác mà còn không chịu nổi các cô cậu "nhất quỷ nhì ma". Một buổi mà dạy 4 lớp thì coi như rằng tôi có đủ 4 mùa xuân hạ thu đông: lớp nào ngoan thì là "xuân" tươi phơi phới; lớp nào mà đồ dùng không có, học sinh nói chuyện ồn ào, không tập trung, la lối kiểu gì cũng không ăn thua thì là "đông".
Có nhiều em là học sinh giỏi nhưng vì xem mỹ thuật là môn phụ nên thường xuyên không hoàn thành môn học, quên đồ dùng. Cô dặn về hoàn thành bài nhưng học sinh vẫn không chịu làm. Kêu lên hỏi, học sinh trả lời ngon lành: "Bố mẹ em bảo học Toán, Tiếng Anh chứ vẽ vời làm gì cho tốn thời gian".
Vậy mà cuối năm, tôi xét cho học sinh chưa hoàn thành là từ phụ huynh đến ban giám hiệu can thiệp vào.
"Cô cẩn thận, em mách mẹ quay phim là cô bị đuổi việc"
Trong việc dạy dỗ học sinh, giáo viên luôn là người chịu áp lực lớn nhất, và cái ngược ngạo hiện nay chính là việc mất tiếng nói chung của giáo viên và học sinh. Không ai khác ngoài phụ huynh là người chịu trách nhiệm của việc này.
Đơn giản, Việt Nam là một nước phương Đông, mặc dầu đã có rất nhiều tiến bộ nhưng nếp sống phương Đông đã ăn sâu vào các bậc phụ huynh. Họ luôn muốn con mình được hấp thụ nền giáo dục cởi mở như của phương Tây, muốn giáo viên phải là người truyền thụ, gây cảm hứng cho con em mình, nhưng họ lại quên mất phương Tây dạy con tự lập từ nhỏ, các thói quen từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, học tập các em đều phải tự lập, tự tìm hiểu.
Còn các vị phụ huynh Việt, nhiều người giúp con mang cặp sách tới tận cửa lớp, soạn sách vở cho con thay vì đọc thời khóa biểu và cùng con soạn sách, phục vụ con từ ăn uống, tắm giặt, thay đồ... như một em bé đang còn đi trẻ, cái gì cũng muốn được cô cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng ly từng tí một.
Một lớp 40-50 em học sinh cần cô uốn nắn như vậy, liệu cô có thể luôn tươi cười và yêu thương được không?
Tôi cũng gặp những giáo viên luôn tươi cười, nhưng câu tiếp theo của họ sẽ là "Ôi dào, kệ nó, nó muốn ra sao thì ra, đụng vào một cái mất công bố mẹ nó lại nhảy lên".
Tôi cũng gặp một cô giáo, phụ huynh đem con đến muộn, cầm cặp, xách dép cho con vào tận cửa lớp để căn dặn nọ kia. Cô không cho học sinh vô lớp ngay mà hỏi: "Sao con đi muộn?". Mẹ vọt miệng đáp thay: "Do con đau, con mệt nên đi trễ". Cô nói thẳng: "Không phải để mẹ trả lời, con phải tự trả lời. Con biết vì một lần con chậm trễ thế này lớp bị trừ điểm như thế nào không?". Học sinh biết lỗi và lí nhí xin lỗi cô.
Tiếp đến, đôi dép đang trên tay, người mẹ chỉ vào một chỗ trống trên kệ: "Con nhớ nha, mẹ để dép con vào đây". Cô giáo lấy ra, bắt học sinh tự xếp vào chỗ mà cô đã chỉ rồi mới cho vào lớp.
Người mẹ vẫn chưa yên tâm nên kéo cô lại nài nỉ là lỗi do mình, cô chỉ quay lại nói: "Đi học là việc của học sinh chứ không phải là việc của bố mẹ, nếu cô hỏi, mẹ cần để con tự trả lời, không cần bao biện. Nếu mẹ nói sai lệch để giảm nhẹ lỗi cho con khỏi bị cô la thì lại vô tình khiến con học được thói nói dối, rất không nên".
Người mẹ lại nói: "Xin cô cho trưa đến lớp xúc cho con ăn, chứ con ăn chậm". Cô giáo nói rõ ràng: "Nếu sợ con ăn chậm bị hết phần thì mẹ nên yên tâm, cô giáo chia vẫn đều từng phần. Còn nếu học sinh ăn chậm, giáo viên sẽ cho em ngủ sau".
Tôi cũng từng nghe giáo viên lắc đầu bảo: Học sinh bây giờ dạy không được nữa, ai đời mới học lớp 2, bị cô mắng vì đánh bạn, chọc bạn, em lại quay ra bảo với cô: "Cô cẩn thận, nếu không em về em mách với mẹ là cô đánh em, là cô sẽ bị quay phim chụp ảnh và đuổi việc đấy".
Học sinh không tự nói ra được câu đó mà do phụ huynh, phụ huynh ở nhà cứ nói với con: "Nếu cô/thầy làm gì con, con cứ mách với mẹ, mẹ báo với nhà trường để đuổi việc" nên các em nhỏ mới dần như vậy.
Vậy, bảo thầy cô phải dạy dỗ học trò làm sao?
Ngán ngẩm "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" Giáo dục các em bây giờ như trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Phụ huynh cứ trăm sự nhờ thầy nhờ cô, nhưng đến trường thấy con mình phải quét cái lớp, lấy khăn lau bàn ăn, khiêng bàn khiêng ghế là lập tức nhảy vào, lăm lăm điện thoại, quay lên để up Facebook, để nói này nọ. Mỗi lần đi tập huấn, giáo viên muốn giãi bày tâm tư nhưng lần nào cũng phải nhận xét ưu điểm trước, định nói về nhược điểm thì người ta phẩy tay: "Thôi, cái đấy không phải nói, cái đấy các thầy, các cô không cần nhận xét". Dạy học thì phải tùy vào đối tượng học sinh, tùy vào điều kiện cụ thể của trường lớp, nhưng giáo viên ý kiến nào có ai nghe, một barem rồi cứ ép hết vào như ép đậu phụ. |
Bạn nghĩ gì về việc giáo viên phạt, đánh đòn học sinh? Liệu có nên gắn camera trong trường học để ngăn bạo hành học sinh và giúp việc dạy dỗ các em được tốt hơn? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình luận dưới bài hoặc email đến địa chỉ: [email protected]. |
Tác giả: Kim Trà
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ