Nga về làm dâu nhà Hưng đã ba năm. Xuất phát cuộc hôn nhân là một cái đám cưới chạy vì Nga lỡ có bầu, mẹ chồng thì phản đối vì nhà Nga khó khăn lại cách Hà Nội gần 200 km. Nhưng bất chấp tất cả, hai vợ chồng thuyết phục, rồi sẵn sàng đăng ký kết hôn mà không tổ chức đám cưới.
Có lẽ vì cảm động trước tình cảm của Nga và Hưng, bố mẹ chồng cô đã đồng ý và tổ chức đám cưới đầy đủ để thông báo với họ hàng, bạn bè hai bên. Ông bà còn thoáng tay cho hai vợ chồng một tỷ đồng để xây căn nhà ngay bên cạnh. Gần mà xa, không sống chung nhưng tiện qua lại, cơm nước vẫn hay ăn chung bên nhà bố mẹ.
Về nhà chồng, Nga khó xử nhất không phải mối quan hệ với bố mẹ chồng mà với cô em chồng là sinh viên đại học. Cô em xinh đẹp, năng động, học giỏi và còn thích làm thêm đủ thứ, nhưng lười việc nhà. Em chồng vốn không thích Nga vì ăn cơm trước kẻng, nên không bao giờ chủ động nói chuyện. Trong khi mẹ và chị dâu dậy từ 6h sáng để chuẩn bị bữa sáng thì gọi như hò đò cô em vẫn ngủ. Mẹ chồng lúc nào cũng ái ngại bảo: "Em nó học khuya, con đừng để bụng, chịu khó gọi nó dậy ăn sáng không lại trễ giờ học."
Ảnh minh họa |
Nga luôn thắc mắc cô em này thì lấy chồng rồi sẽ làm sao? Nhưng không dám nói ra mặt. Hưng có ý kiến thì bố chồng cô nói luôn: "Chúng mày không phải lo, người yêu nó nhà có điều kiện, lấy chồng rồi khéo nó còn sướng hơn chúng mày". Hai vợ chồng thấy vậy cười xòa cho qua chuyện. Nhưng Nga vẫn ngầm giúp em chồng rèn nữ công gia chánh. Mỗi khi làm món gì ngon mà cô em thích nếm thử, Nga lại khéo léo hướng dẫn hoặc nhờ em cùng làm. Khi bếp núc mà thấy em chồng rảnh, cô lại gọi góp tay cho thư giãn sau khi đọc sách. Nhờ vậy, mối quan hệ chị em cũng tốt lên nhiều.
Mới tốt nghiệp được vài tháng, nhà trai đã đến đặt lễ xin cưới. Cả nhà lo cuống lên vì con gái vụng về mà sắp đi lấy chồng. Bố chồng tính gia trưởng, luôn đặt gánh nặng công to việc lớn lên vai vợ chồng Nga. Ông quan điểm con gái lấy chồng là theo nhà chồng, gả đi rồi thì ông không bao giờ can thiệp hay hỏi han nhiều để tránh thông gia thấy phiền phức.
Nay một câu, mai một câu, ông nửa đùa nửa thật dạy dỗ con gái: "Con về nhà chồng thì đừng có cái gì cũng về mách mẹ mày đấy, người ta cười cho". Rồi lại bảo: "Về bảo bố mẹ chồng mày mua nhà cửa cho, bố chỉ lo cho anh chị mày đã mệt lắm. Con gái là con người ta, sinh ra mà chẳng biết sau này có nhờ cậy được gì không?"
Em chồng Nga nghe mãi những câu này, cộng thêm tâm trạng sắp về nhà chồng nên tủi thân, lúc bố nói nhiều quá tấm tức khóc, vừa khóc vừa đòi chia tài sản: "Con cũng là con của bố mẹ. Anh Hưng đi làm biếu được quà đắt tiền, thì con mới đi làm cũng đâu có ăn chơi phá hoại gì. Đã ai chê con không ra gì đâu mà bố suốt ngày lo bị thông gia coi thường. Con không nghĩ là chưa ra khỏi nhà con đã bị coi như bát nước đổ đi thế này đâu. Anh chị được bố mẹ cho một tỷ mua nhà, thì con cũng là con bố mẹ, con cũng phải được như thế. Nhà mình đâu có khó khăn như nhà chị Nga…".
Nga thấy vậy phản ứng ngay: "Cô ơi, bố mẹ lo cho anh chị xong cũng không còn nhiều đâu, nhưng anh Hưng để dành được cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu cho cô làm của hồi môn rồi. Chị biết bố mẹ không để em thiệt đâu. Con nào cũng là con, sau này em có gì không tâm sự được với bố mẹ thì về đây có anh chị. Đừng có tủi thân rồi hiểu lầm bố, bố chỉ trêu con gái thôi."
Bố mẹ chồng Nga nhìn nhau cười. Bố thì ôm con gái vào lòng mà đánh yêu mấy cái. Còn mẹ chồng Nga bối rối, bà cứ tưởng Nga xuất thân khó khăn, về nhà chồng không có của hồi môn thì cũng không mong bố mẹ chồng chia tài sản cho con gái khi xuất giá. Không ngờ con dâu lại hiểu chuyện như vậy. Bà quả không sai khi đồng ý cho chúng nó cưới nhau.
Tác giả: Daisy
Nguồn tin: helino.ttvn.vn