Trong nước

Dương Chí Dũng và đồng bọn chia tiền ly kỳ như chuyện trinh thám

 

Chuyện chia tiền, chuyển  chuyển tiền “lại quả” của Dương Chí Dũng và đồng bọn diễn ra rất ly kỳ đúng như… trong truyện trinh thám.

Sau khi thực hiện trót lọt phi vụ ụ nổi 83M, quá trình chia tiền, chuyển tiền “lại quả” của Dương Chí Dũng và đồng bọn diễn ra rất ly kỳ. Thủ đoạn chuyển tiền diễn ra đúng như… trong truyện trinh thám. Người nắm giữ vai trò trung chuyển số tiền này cho các “sếp tổng” chính là Trần Hải Sơn, nguyên TGĐ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Thủ đoạn hợp thức hóa tiền “đen”
Trần Hải Sơn quen biết ông Goh Hoon Seow, Giám đốc điều hành Công ty AP từ khi Vinalines xúc tiến mua ụ nổi 83M. Theo lẽ thường, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M với công ty AP, khoảng đầu tháng 3/2008, ông Goh Hoon Seow đã gặp Trần Hải Sơn tại trụ sở Vinalines và nói: “Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả, tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói là giao cho ông nhận, số tiền lại quả là 1,666 triệu USD. Ông Goh Hoon Seow còn nói lại rằng, theo yêu cầu của ông Dương Chí Dũng thì Công ty AP phải chuyển lại 20% giá trị hợp đồng mua bán ụ nổi 83M, ông Mai Văn Phúc cũng đồng ý phải chuyển lại 20% cho phía Việt Nam”.
Sau khi được Goh Hoon Seow thông báo, Sơn lập tức đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng, nói lại nội dung ông Goh Hoon Seow đã trao đổi. Dũng xác nhận thông tin và giao cho Sơn là đầu mối nhận tiền. Tỷ lệ chia chác được Dũng phân bổ như sau: “Chia 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Sau đó, Sơn cũng đến trình bày với Mai Văn Phúc ý kiến này và được Phúc đồng ý.
Dương Chí Dũng sẽ ra hầu tòa ngày 12/12
Để hợp thức hóa số tiền trên và thuận tiện cho việc chuyển tiền, Sơn và Goh Hoon Seow bàn nhau lấy danh nghĩa một công ty, mở tài khoản tại ngân hàng UOB, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để công ty AP chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam. Việc này, Sơn đã nhờ chính em gái mình là Trần Thị Hải Hà, Giám đốc công ty Phú Hà mở tài khoản tại ngân hàng UOB. Sơn bảo em gái rằng mở tài khoản để nhận tiền của một người bạn từ Singapore chuyển về. Bà Hà đã đồng ý. Sau khi tài khoản được mở, Sơn lập tức thông báo tên, địa chỉ, số tài khoản cho Goh Hoon Seow để chuẩn bị chuyển “chiến lợi phẩm” về Việt Nam.
Kín kẽ hơn nữa, để thực hiện việc chuyển tiền này, Trần Hải Sơn đã bàn với Goh Hoon Seow và thống nhất lập ra một hợp đồng liên doanh khống ngày 7/4/2008 giữa Công ty AP và Công ty Phú Hà về việc đầu tư Dự án khai thác điểm thông quan nội địa ICD tại xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Hợp đồng này do chính tay Sơn soạn thảo rồi đưa cho Goh Hoon Seow ký trước, sau đó đưa cho em gái mình ký.
Sau khi đã hoàn tất mọi việc, số tiền 1,666 triệu USD dễ dàng chuyển lọt về Việt Nam. Sơn bảo em gái rút số tiền tổng cộng hơn 28 tỷ đồng đưa cho mình và đích thân Sơn lập kế hoạch “chia chác” số tiền này. Đúng như chỉ đạo, Sơn đã chuyển cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỷ đồng, Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng, Trần Thị Hải Hà 2 tỷ đồng và còn lại của hắn là gần 6 tỷ đồng.
Những valy tiền màu đen
Việc đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỷ đồng được chia làm hai đợt. Lần thứ nhất là vào tháng 7/2008 khi Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh công tác và ở tại khách sạn Victory. Sơn gọi điện cho Dũng và nói: “Em muốn gặp bác để chuyển quà”. Dũng đồng ý hẹn gặp. Sơn đã xếp 5 tỷ đồng (tiền mệnh giá 500.000 đồng) vào một valy có bánh xe mà Sơn mua ở cổng chợ Bến Thành và đi taxi đến khách sạn Victory. Khoảng 6 giờ chiều, Sơn gặp Dũng tại phòng VIP, bên ngoài là phòng tiếp khách, bên trong là phòng ngủ. Không dài dòng, Sơn đưa valy tiền cho Dũng và nói: “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển trước cho bác 5 tỷ đồng từ ụ nổi 83M, số còn lại em chuyển bác sau”. Dũng nhận valy tiền và chỉ nói gọn lỏn: “Cảm ơn em”. Khi đó, chỉ có hai người trong phòng.
Lần thứ hai chuyển tiền cho Dũng là vào tháng 8/2008 khi Trần Hải Sơn ra Hà Nội công tác. Trước khi đi, Trần Thị Hải Hà đã chuẩn bị sẵn số tiền 5 tỷ đồng cho Sơn. Ra Hà Nội, Sơn đến phòng làm việc gặp Dũng ngay. Sơn nói: “Em gửi anh nốt số tiền còn lại, nhưng phải khi nào anh về Hải Phòng, vì tiền em đang để ở Hải Phòng”. Dũng nói ngay: “Cuối tuần này anh về Hải Phòng, em mang tiền đến nhà mẹ vợ anh ở đường Phạm Ngũ Lão cho anh”.
Y lịch hẹn, cuối tuần đó, Sơn có mặt ở Hải Phòng. Sơn lại xếp 5 tỷ đồng tiền vào một chiếc valy như lần trước và kéo valy đi bộ sang đường Phạm Ngũ Lão đến nhà mẹ vợ Dương Chí Dũng. Căn nhà này nằm trong ngõ, kiểu nhà biệt thự cũ. Khi Sơn đến thì Dũng đã chờ sẵn, họ trao đổi rất nhanh. Sơn đưa valy cho Dũng nói: “Em gửi anh nốt số tiền”. Dũng nói ngắn: “Cảm ơn em”. Sau đó, Sơn lập tức đi bộ trở ra.
Việc chuyển 10 tỷ đồng cho Mai Văn Phúc được Sơn thực hiện cẩn trọng hơn, chia làm 3 lần chuyển. Lần thứ nhất là vào khoảng tháng 7/2008, Sơn bảo em gái chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản của ông Đặng Quang Hưng (là em rể Sơn) tại ngân hàng Á Châu, chi nhánh Hà Nội để Hưng rút ra đưa cho Sơn. Khi ra Hà Nội, Sơn tìm đến phòng làm việc của Phúc và kính cẩn nói: “Xin phép anh cho em đến nhà anh để gửi anh tiền ụ nổi”. Phúc đồng ý và cho Sơn địa chỉ nhà mình ở làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội. Sơn tự tay xếp 2 tỷ đồng Hưng đưa và 500 triệu đồng Sơn mang theo từ TP. Hồ Chí Minh vào valy. 6h chiều, Sơn đi taxi mang valy tiền đến nhà Phúc. Phúc nhận tiền mà không đếm. Sau đó, Sơn lại đi taxi về khách sạn Hoa Hồng và qua đêm ở đó.
Lần thứ hai, sau lần đưa tiền lần thứ nhất khoảng 2 tuần, Trần Hải Sơn ra Hà Nội công tác. Lần này Sơn tự tay xếp 5 tỷ đồng vào valy và đi xe con đến khách sạn Hoa Hồng ở Hà Nội. Sơn cầm valy tiền vào khách sạn rồi gọi cho Phúc: “Tối nay em đến nhà đưa anh tiền ụ nổi”. Phúc đồng ý và 6 giờ chiều hôm đó, thì Sơn đi taxi đến nhà Phúc. Khi tới nơi thì Phúc không có nhà mà chỉ có một người phụ nữ mở cổng. Sơn ngồi đợi khoảng 45 phút thì Phúc về cùng với một người khách. Một lúc sau người khách ra về, chỉ còn hai người. Sơn đưa Phúc chiếc valy và nói: “Hôm nay em gửi anh 5 tỷ đồng tiền ụ nổi”. Đưa tiền xong, Sơn ra về. Lần thứ ba là vào dịp giáp Tết 2009, Sơn ra Hà Nội và chuyển trót lọt cho Phúc 5 tỷ đồng.
Như vậy, việc hợp thức hóa số tiền “lại quả” từ nước ngoài chuyển về Việt Nam và chia chuyển đến tay các “sếp” được Trần Hải Sơn thực hiện rất bài bản và gọn ghẽ.
Theo báo Petrotimes

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP