Tin

Đừng biến lịch sử và giáo dục thành tai họa!

Trang 30 – 31 có nội dung phản cảm.

lich su, giao duc
Tin từ báo chí cho biết, truyện tranh lịch sử do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành, nhan đề “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa mê Linh”, đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng: Vẽ hình quân Mã Viện cởi truồng và chú thích rằng: “Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sỹ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều” (VNN, 14.1.2015, 18:24 GMT+7).

Đọc chữ, xem hình mà không dám tin vào mắt mình: Cuốn sách phải được biên soạn với sự cố vấn của nhà sử học N, về tâm lý học của chuyên gia Y, sự về phương pháp giảng dạy trẻ nhỏ của nhà giáo học pháp K nào đó… Vậy, tại sao lại có thể kém đến mức khó hình dung nổi?

Đây không thể là chuyện nhỏ vì cùng một vấn đề, cuốn sách đã tạo ra vô số tai họa.

Thứ nhất, cái thời Hai Bà Trưng đánh giặc, ta không có chữ viết (hay nói cho vuông thành sắc cạnh là chưa có), vì thế, tất cả chỉ là truyền miệng. Đã là truyền miệng thì không thể đoán quyết đó là lịch sử. Nguyên tắc sơ đẳng này buộc sách giáo khoa phải cẩn thận đến từng chi tiết chứ không thể cứ khơi khơi kiểu cô kể cháu nghe vụng về như thế.

Thứ hai, theo GS Phan Huy Lê, ngay cả cái chuyện truyền miệng kia, NXB GD cũng lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia: ‘Truyền thuyết’ kể về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu(!)
lich su, giao duc

Bìa sách truyện tranh “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh”.

Thứ ba, làm sao có thể dạy để những đứa trẻ hiểu rằng cách để chiến thắng một cuộc chiến tranh là… cởi truồng? Cái “phương pháp” kỳ quặc ấy ‘ta’ đã từng ấu trĩ áp dụng ‘kinh nghiệm’ để kể trên khá nhiều báo chí, truyện trong những năm chiến tranh 1960-1965, phá ấp chiến lược: Đội quân tóc dài các má, các chị đấu tranh không lại với quân lính đàn áp nên nhất loạt… cởi, khiến cho kẻ thù phải bỏ chạy. Hồi nhỏ, tôi được dạy, được nghe hàng chục lần như thế, cười thoải mái đến nỗi lớn lên mới thấy giật mình, lạnh cả xương sống! Rõ ràng, cách dạy, cách kể như vậy là không thể chấp nhận về mặt văn hóa, đạo đức.
Thứ tư, giải thích cho cái sự thua của ta bằng cái sự hèn, sự tầm thường của giặc trên thực tế là phản tác dụng: Đó không phải là chiến tranh mà chỉ là show diễn hài rẻ đến mức không thể cười. Có một cuốn sách sau năm 1975, cuốn Chân dung tướng ngụy Sài Gòn, mô tả tướng lĩnh phía bên kia bất tài, tham ăn, dốt nát, vô văn hóa… Người đọc không thể không đặt câu hỏi: Đánh nhau với những kẻ như thế sao lại nhọc nhằn và dài lâu đến thế?

Thứ năm – và, là điều nghiêm trọng nhất: Cách mà truyện tranh làm có lẽ là cách tệ nhất, nhanh nhất để khơi dậy sự thù hằn, phẫn nộ của phía bên kia. Mô tả binh lính nước người kém và thiếu văn hóa đến mức ấy là sự xúc phạm hết sức nặng nề.

Trước khi kết thúc, xin nhấn mạnh rằng người viết bài này chưa bao giờ thấy tự hào… bao la như ai đó vẫn tin: Trong những cuộc khởi nghĩa có thể đếm trên đầu ngón tay thời Bắc thuộc, đã có đến hai cuộc do phụ nữ lãnh đạo, đội quân tóc dài đông đảo, đâu phải là điều phải nói thật nhiều? Lũ trẻ có thể đặt câu hỏi là khi ấy, đàn ông đi đâu hết mà phụ nữ phải gánh vác tất cả sự vất vả, hy sinh của cuộc chiến tranh giữ nước?

Lẫn lộn về cái tác dụng thuận và nghịch, về cái nên và không nên, ấu trĩ như thời bao cấp là căn bệnh, lạm dụng quá mức đến nỗi cho rằng giáo dục là “tuyên truyền”, biến loại sách chuẩn mực thành lá cải, xem ra, đang phát tác ở mọi chiều kích của xã hội. Căn bệnh đó đã và đang đưa lịch sử – giáo dục song hành trên con đường nhiều hiểm họa…
Hà Văn Thịnh

  Từ khóa: Tai họa , Lịch sử , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP