Tin

Đũa sử dụng một lần: Sản phẩm “giết người” từ từ vì hóa chất

Không thể phủ nhận sự tiện lợi, giá thành rẻ, chỉ 140 đồng/đôi đũa sử dụng một lần. Tuy nhiên sản phẩm này lại đang giết người một cách từ từ vì hóa chất.

Đũa tẩm lưu huỳnh

VOV đưa tin, hiện nay loại đũa này được sử dụng tràn lan ở các quán ăn bình dân, nhà hàng vừa và nhỏ. Nhưng, nhiều người sẽ phải giật mình khi được chứng kiến công nghệ sản xuất loại đũa tiện lợi này và thêm một nỗi lo cho người dân đang hàng ngày ngập chìm trong các loại thực phẩm độc hại.

Có hàng ngàn đôi đũa tre ngâm tẩm, xử lý bằng lưu huỳnh và hóa chất Trung Quốc được cơ sở sản xuất đũa tre sử dụng một lần của ông Cao Anh Khoa ở bản Cây Me, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cung cấp cho thị trường thành phố Vinh và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày…
Skip in 7…Ad finishes in 01 seconds

Đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre kém chất lượng, tre non, tre tồn dư, khả năng chịu ẩm mốc rất kém…. Vì vậy, cách chống ẩm mốc cho đũa sử dụng một lần của cơ sở này đó là tẩm lưu huỳnh.

Bất ngờ kiểm tra, không chỉ bắt quả tang cơ sở này dùng lưu huỳnh để xử lý đũa, lực lượng cảnh sát môi trường công an Nghệ An còn phát hiện và thu giữ được hơn 9,1 tấn “hóa chất lạ” được đựng trong các bao xác rắn có in chữ Trung Quốc. Chưa kể, tất cả các quy trình sản xuất tại đây đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nhân không đeo găng tay, bảo hộ, sản phẩm được đặt ngay giữa nền đất trong quá trình đóng gói.

hatinh
Những đôi đũa được bọc kín nhưng lại ẩn họa nhiều hóa chất độc hại. (Ảnh minh họa: VOV).
Trả lời về vụ việc trên, Thiếu tá Trần Văn Hùng- Đội trưởng Đội 2 PC 49 Công an Nghệ An cho biết: “qua quá trình trinh sát đã phát hiện cơ sở này sử dụng hóa chất của Trung Quốc để sử dụng vào việc làm nguyên liệu trong quá trình đánh bóng, ngâm tẩm chống mốc. Trong quá trình kiểm tra trên các sản phẩm có chữ của nước ngoài, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc của các chất phụ gia này”.

Cũng theo nhận định của ông Hùng, do đũa được sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu tẩy rửa nào nên nguy cơ hấp thụ hóa chất tồn dư trên đũa rất cao. Sản phẩm giết người một cách từ từ này, đang được lưu thông và bày bán một cách công khai nhưng không có bất cứ một cơ quan chức năng nào để mắt đến. Vậy là, chính người Việt đang giết chết giống nòi của mình chứ không phải bất kì ai khác. Lòng tham đã khiến nhiều người giẫm đạp lên đạo đức, lên sự sống của cả cộng đồng.

Điều đáng nói là dù hoạt động đã 3 năm nay, thế nhưng chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng vẫn không hề biết đến sai phạm của cơ sở sản xuất đũa tre Anh Khoa.

Nhận trách nhiệm trước việc địa phương đã không xử lý kịp thời cơ sở trên, ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An nói: “Trách nhiệm của chúng tôi, chủ quan không kiểm tra khâu an toàn thực phẩm của chính quyền cấp huyện, cấp xã các phòng chuyên môn. Sau này khi có kết quả chính thức ngoài việc xử lý đối với chủ doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân…”.

Trước đó, khi trả lời báo Gia đình & Xã hội về hậu quả mà người tiêu dùng sử dụng đũa một lần do ngâm hóa chất độc hại, TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, ngày xưa đũa thường được làm từ loại tre già ngâm trong nước nên ít bị mốc. Nhưng ngày nay người sản xuất dùng loại tre non, dễ bị nấm mốc nên để loại trừ bào tử nấm họ thường dùng cách như sấy khô, sử dụng hóa chất.

Theo ông Tùng, trong đũa ăn một lần có thể họ dùng H2O2 với vai trò vừa làm trắng đũa vừa diệt nấm mốc. Ôxy già với hàm lượng nhỏ không ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, trên thực tế người ta vẫn dùng dung dịch H2O2 để khử trùng trong công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn H2O2 qua đường ăn uống có thể sẽ gây bỏng hệ tiêu hóa và nôn mửa.

TS Trần Quang Tùng cho biết thêm, ngoài tẩy trắng bằng ôxy già, người ta có thể dùng khí lưu huỳnh điôxit SO2. Khác với H2O2 đây lại là chất độc nguy hiểm. Hít phải khí SO2 gây ra chứng sổ mũi, ho và khản tiếng. Khi hít phải một lượng lớn SO2 có thể gây ngạt thở hoặc phù phổi cấp. Trong không khí, SO2 có thể chuyển thành H2SO4 gây ra hiện tượng mưa axít.

Nếu trong cơ thể người, SO2 vào dạ dày sẽ làm tăng lượng axít trong dạ dày qua đó làm ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, gây viêm dạ dày, ợ nóng… Thực tế, ngày nay họ chỉ dùng SO2 để tẩy trắng bột giấy, vải sợi… chứ không dùng tẩy trắng trong thực phẩm.

Không nên dùng nếu thấy mùi hăng hắc

Tiếp tục trao đổi với báo Gia đình & Xã hội về cách nhận biết đũa ngâm hóa chất, TS Trần Quang Tùng cho biết, nếu dùng với liều lượng cho phép thì SO2 bám vào đũa ít và vì là khí nên dễ bay hơi mất nên khi dùng gắp thức ăn không hại cho người dùng. Tuy nhiên cần lưu ý là nếu hàm lượng lớn sẽ có hại. Trong trường hợp này khi bóc lớp nilong bao gói đũa ra, người tiêu dùng nên ngửi trước, nếu thấy mùi hăng hắc là SO2 đã bị sử dụng quá liều, không nên dùng.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, các loại đũa, tăm tre hay các sản phẩm được sản xuất từ tre, gỗ, nứa thường được xông SO2 để diệt mốc. Đây là chất khử rất mạnh, diệt nấm mốc rất tốt.

SO2 không để lại tàn dư trên đũa nhiều vì là khí nên chỉ cần để quạt cũng bay hết. Lượng hóa chất tồn dư trên đũa có thể không nhiều, khó xảy ra trường hợp ngộ độc cấp tính nhưng lâu dài và lượng lớn có thể gây tổn thương mạn tính. Các hóa chất có gốc lưu huỳnh có thể gây loét niêm mạc đường tiêu hóa, rối loạn vi khuẩn đường ruột, tiêu chảy. Sử dụng thường xuyên, hóa chất có thể ngấm vào máu và tích lũy dẫn tới rối loạn chức năng gan, thận và gây ra những căn bệnh mạn tính, ung thư.

Độc hại hơn nhiều là sử dụng loại đũa tăm mốc hay thuốc mốc. Nấm mốc dễ sinh ra chất aflatoxin là một độc tố bền vững với nhiệt độ cao, khó bị phá hủy hoàn toàn. Chất này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gây bệnh ung thư.

TS Trần Quang Tùng cho biết, trên thị trường hiện nay có một số loại đũa gỗ được phủ một lớp sơn bóng, sơn vàng, thậm chí còn có đường viền, hoa văn trang trí rất bắt mắt. Song mọi người cần tránh mua loại đũa sơn này vì trong thành phần của sơn có kim loại nặng dùng để tạo màu.

Các kim loại nặng trong sơn có thể gây đột biến nhiễm sắc thể, ung thư. Chẳng hạn như chì là kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể người và ít bị thải loại nên chỉ cần một lượng nhỏ tích tụ lâu dài cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe như hại hệ thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hay như cadmium (Cd) khi vào cơ thể sẽ phá hủy canxi của xương, làm xương trẻ kém phát triển và có thể gây còi xương. Tới tuổi già thì làm loãng xương. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, Cd gây ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư vú…

VnMedia dẫn thông tin khuyến cáo từ một số chuyên gia, tuổi thọ an toàn của một đôi đũa từ khi sản xuất là 4 tháng nên các bà nội trợ nên lưu ý thay đũa mới để tránh nguy hại.

Theo một số chuyên gia ở Việt Nam, hiện ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn chất lượng đối với loại đũa dùng một lần, có chăng chỉ chung chung như không bẩn, không nhiễm khuẩn. Trên thực tế, những tiêu chuẩn ấy chưa thể giúp nhận biệt chính xác độ vệ sinh của sản phẩm.

Tuổi thọ an toàn của một đôi đũa từ khi sản xuất là 4 tháng, do đó các chuyên gia khuyến cáo các bà nội trợ nên ghi nhớ thời gian sản xuất để thay đũa mới trước khi gây hại.

Thiên An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP