>> Hà Tĩnh: Formosa triển khai dự án nhà ở 3.150 tỷ đồng
Thế nhưng, kể từ ngày được chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh, dự án này vẫn chưa được triển khai. Vậy đâu là nguyên nhân?
Phòng theo tiêu chuẩn nhà ở của Bộ Xây dựng
Ngày 8/2, thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết: FHS đã được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương cấp phép để Công ty xây dựng khu ký túc xá và nhà ở cho cán bộ nhân viên tại công văn số 1354/UBND-XD ngày13/11/2015 với giấy phép đầu tư số: 2175884281 trên diện tích đất 5.91 ha tại lô NV07, Khu đô thị Kỳ Long-Kỳ Liên- Kỳ Phương (thuộc đô thị phường Kỳ Liên, Thị xã Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh).
Bản đồ họa của dự án. |
Theo đó, giai đoạn 1 dự án sẽ triển khai trên diện tích đất 5,91 ha tại Khu đô thị Kỳ Long – Kỳ Liên – Kỳ Phương (phường Kỳ Liên) với tổng vốn đầu tư là 434,25 tỉ đồng (tương đương 19.351.600 USD).
Đây là khu nhà ở liền kề với mỗi căn từ 2-3 phòng theo tiêu chuẩn nhà ở của Bộ Xây dựng, đi kèm là hệ thống hạ tầng kỹ thuật các công trình phụ trợ như: nhà trẻ, công viên cho trẻ em, công viên thể thao ngoài trời, siêu thị… đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Giai đoạn 2, Công ty FHS sẽ xây dựng hệ thống khu chung cư cao 5-12 tầng cho nhân viên trên diện tích khoảng 14 ha tại Khu đô thị Kỳ Long – Kỳ Liên – Kỳ Phương (phường Kỳ Phương) với 1.776 căn hộ, các công trình phụ trợ và các công trình hạ tầng… Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 là trên 2 ngàn tỉ đồng (khoảng 90,6 triệu USD), dự kiến sau năm 2019 mới tiến hành.
Được biết, dự án xây dựng KTX cho công nhân theo 2 giai đoạn nói trên được Formosa xin phép từ năm 2015 và đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Lý giải về việc triển khai dự án, lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) Hà Tĩnh nói: Để tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên “an cư lạc nghiệp”, sinh sống, làm việc lâu dài, công ty tiến hành xây dựng khu vực sinh sống an toàn thoải mái với các yếu tố hạ tầng công cộng hỗ trợ khác. Công ty Formosa đã xin phép xây dựng dự án ký túc xá hộ gia đình cho cán bộ công nhân viên của công ty.
“Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, đến nay vẫn chưa được tiến hành xong vì thế dự án vẫn chưa thể đi vào xây dựng. Phía công ty đang chờ thị xã Kỳ Anh đốc thúc, dự án sẽ được triển khai ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bàn giao mặt bằng, hoàn thành trong thời hạn 30 tháng” – lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cho biết thêm.
Vướng mặt bằng
Theo một cán bộ phường Kỳ Liên, lý do đến nay dự án chậm bàn giao mặt bằng cho phía Công ty Fomosa để xây dựng là do các hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Lô đất NV07 tại phường Kỳ Liên được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Cty Fomosa làm dự án nhà ở chưa thể triển khai vì đang vướng GPMB |
Cụ thể, đất được cấp cho dự án thuộc 2 phường: Kỳ Liên và Kỳ Phương (TX. Kỳ Anh). Tại phường Kỳ Liên, ở lô NV07 có 6,3 ha trong đó có 13 hộ dân và 34 ngôi mộ bị ảnh hưởng. Đã phê duyệt kinh phí bồi thường 13/13 hộ. Đến nay, mới chi trả được 1 hộ trong tổng số 13 hộ và bàn giao 2,5 ha cho chủ đầu tư; tại lô CT06 nằm giáp gianh giữa Kỳ Liên và Kỳ Phương có diện tích 15,9 ha, 41 hộ bị ảnh hưởng và 7 ngôi mộ cần phải di dời.
Về lý do chậm tiến độ, vị cán bộ này cho biết, trước kia phần lớn diện tích đất ở đây là do bà con khai hoang để trồng hoa màu như lạc, đỗ… Sau khi cảng Vũng Áng hoàn thành, do nhu cầu của các nhà máy băm dăm nên các hộ dân chuyển sang trồng các loại cây lâm nghiệp như bạch đàn, tràm, keo…
Hiện tại, đất các hộ dân đang trồng các loại cây như bạch đàn, tràm, keo… được xác định là đất lâm nghiệp thay vì đất trồng cây hàng năm như trước đây các hộ đã sử dụng. Do vậy, thay vì đền bù giá đất trồng cây hàng năm nay đền bù giá đất lâm nghiệp theo hiện trạng sử dụng đất nên đa số các hộ không nhất trí.
Thêm nữa, một số hộ có công trình xây dựng trên đất không được đền bù vì lý do sai mục đích sử dụng đất.
Bà Nguyễn Thị Ngại không đồng tình với mức áp giá mà chính quyền đem ra, theo bà Ngại đất bà phải được đền bù theo giá đất màu chứ không phải theo giá đền bù đất lâm nghiệp. |
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Xuân Phượng, Phó chủ tịch HĐND thị xã Kỳ Anh (người phụ trách GPMB) thông tin: “Đến tháng 3 này bên phía Fomosa yêu cầu phải giao đất để họ làm. Tổng tất cả số hộ dân bị ảnh hưởng là 13 hộ nhưng mới 1 hộ đồng ý nhận tiền còn lại 12 hộ không đồng tình vì họ yêu cầu phải đền bù theo loại đất màu.
Vừa rồi, Sở TN&MT vào kiểm tra, họ xác nhận số diện tích đất này là đất lâm nghiệp không hề có giấy tờ nên chỉ đền bù đúng theo loại đất lâm nghiệp. Vì vậy, chúng tôi chỉ áp giá đền bù theo giá đất lâm nghiệp.”
Hà Vũ