Sáng 4-7, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho rằng những giải pháp về lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng bộ giữa nói và làm. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm cho ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày.
Phó chủ tịch phường bị chém khi dẹp vỉa hè
Theo bà Châu, dư luận rất đồng tình chủ trương này nhưng cách làm còn thiếu kiên quyết. “Người kinh doanh đang nhìn thái độ của chính quyền và có xu hướng tái chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Dư luận nghi ngờ có sự chống lưng, bảo kê việc khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường” - bà Châu nói.
Tại buổi thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Bí thư quận Gò Vấp, cũng đánh giá công tác lập lại trật tự vỉa hè có chuyển biến song kết quả chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết và thiếu bền vững. “Với các hộ gia đình có kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường thì cần quán triệt cụ thể việc để xe, buôn bán lấn chiếm” - bà Vân nói và đặt câu hỏi: Các hộ gia đình, cá nhân đã đóng hoa chi việc sử dụng phần đường, lề trước mặt nhà thì làm sao xử lý?
“Trong việc xử lý cũng cần có sự phối hợp khi thực thi công vụ vì ở Gò Vấp trong sáu tháng qua có trường hợp phó chủ tịch phường bị chém đứt động mạch chủ ở tay” - bà Vân nói.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng cho rằng trong quá trình thực hiện có nơi còn nóng vội, chưa tạo sự đồng thuận dẫn đến sự phản đối từ người dân. “Cách làm mỗi quận tôi thấy có sự khác nhau. Có nơi làm rất bài bản, trước tiên tổ chức vận động, trao đổi với người kinh doanh để người dân sắp xếp lại hoặc chính quyền địa phương kẻ vạch phân định giới hạn được kinh doanh, được để xe. Song thực tế, việc kinh doanh trên đường phố đa số có sự lấn chiếm và việc quản lý cũng rất khó khăn” - bà Nhung nói.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: HTD |
Thu hồi đất: Từ nóng chuyển qua sôi
Thảo luận tại tổ, ĐB Cao Thanh Bình đề cập đến công tác quản lý, sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Ông cho biết trong thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đi giám sát ở nhiều nơi, thấy nhiều vị trí nhà đất hiện sử dụng không đúng mục đích. Bên cạnh đó, tình trạng mặt bằng nhà đất cho thuê còn nhiều bất cập, vì giá thuê bây giờ còn áp giá năm 1994.
“Nếu làm tốt, giám sát thu hồi thì TP.HCM có nguồn lực lớn đầu tư phát triển” - ông Bình nói và ủng hộ chủ trương trong năm 2018 có giám sát chuyên đề về tài nguyên đất, đặc biệt là đất công.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho biết qua tiếp xúc cử tri, một vấn đề luôn luôn nóng là tình hình thu hồi đất và tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Khuê đề nghị UBND TP có biện pháp xử lý, không để tiếp tục nóng như thời gian qua. “Tái định cư mang lại cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ nhưng cử tri phản ánh có những nơi bị bần cùng hóa hơn” - ông Khuê nói.
Trong vấn đề quy hoạch, ông Khuê cho rằng dù quy hoạch treo, dự án treo thì cuộc sống của người dân trong khu vực đó cũng bị ảnh hưởng. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, nếu quy hoạch không định hướng rõ, gây khó khăn cho người dân là chưa giải quyết tốt vấn đề dân sinh.
“Tôi tiếp xúc một cử tri huyện Nhà Bè, người dân mong muốn xây dựng tạm ở một khu vực bị quy hoạch, xung quanh đó toàn nhà hết, chỉ còn có cái ao xin xây thì không lý gì không cho” - ông Khuê nói.
Tại sao TP.HCM lại đi thụt lùi?
ĐB Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, lại quan tâm đến chỉ số năng lực cạnh tranh của TP. Dẫn số liệu ba năm gần đây (2014, 2015, 2016) tại ba tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Hà Nội và Bình Dương về chỉ số năng lực cạnh tranh để so sánh với TP.HCM, từ đó ông đặt câu hỏi tại sao TP.HCM lại đi thụt lùi, tụt hạng liên tục.
“Chúng ta rất quyết liệt, bản thân tôi làm trong cơ quan nhà nước cũng quyết tâm nhưng nỗ lực của chúng ta phải công nhận với nhau là chưa hiệu quả. Phải công nhận đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam rất công bằng. Tại sao họ tiến bộ, ta lùi?” - ông Quang đặt vấn đề.
Tương tự, ông Quang cũng chỉ ra chỉ số cải cách hành chính các địa phương tăng trong khi TP từ hạng sáu năm 2014 tụt xuống hạng 18 năm 2015 và năm 2016 là hạng 15. “Trong nhiều năm TP.HCM tự hào năng động, đáng sống nhưng đã có các tiếng chuông báo động” - ông Quang lưu ý.
ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho rằng sự trồi sụt của các tiêu chí cạnh tranh cần phân tích, mổ xẻ thấu đáo để làm đòn bẩy phát triển cho TP.HCM và cả khu vực.
Cần có giải pháp để chuyển biến căn cơ TP.HCM đang phải giải quyết những khó khăn và cả những vấn đề mới phát sinh như tiến độ triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá còn chậm, nguồn lực cho đầu tư phát triển TP có nhiều khó khăn, một số chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đất đai, cải cách hành chính, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội vẫn là những vấn đề cử tri phản ánh nhiều nhưng khắc phục chậm. Tất cả điều đó ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Cần có giải pháp khả thi để chuyển biến căn cơ thực sự trong thời gian tới. Chủ tịch HĐND TP.HCM NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM Đề nghị thu hồi nếu sử dụng sai mục đích Việc sử dụng đất quốc phòng ở nhiều nơi trên địa bàn có dấu hiệu sai mục đích, vừa lãng phí vừa có dấu hiệu lợi ích nhóm. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị chính quyền TP có kế hoạch tổng rà soát lại tình hình sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn. Phải xác định rõ đất quốc phòng không phải là đất sở hữu của quân đội, phải thu hồi những trường hợp sai mục đích để sử dụng cho nhu cầu phát triển đang bức bách của TP. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM TÔ THỊ BÍCH CHÂU |
Tác giả: Tá Lâm
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM