Thế giới với Biển Đông

Dự án tối mật ‘Bom sóng thần’ của Mỹ

Bom sóng thần từng được thử nghiệm ngoài khơi bờ biển New Zealand với mục đích xóa sổ hoàn toàn những thành phố ven biển của đối phương.


Là dự án chế tạo vũ khí tối mật được Mỹ và New Zealand hợp tác, “bom sóng thần” hoạt động theo cơ chế tạo ra những vụ nổ lớn dưới lòng đại dương, gây ra những con sóng thần hủy diệt những thành phố ven biển. Dự án tối mật này có tên “Project Seal”, nhằm thử nghiệm khả năng tạo ra sóng lớn từ những vụ nổ bom liên hoàn dưới lòng đại dương.

Tất cả những thử nghiệm “bom sóng thần” diễn ra ngoài khơi New Caledonia và Auckland của New Zealand trong những năm thế chiến thứ 2 đều cho kết quả khá khả quan. Theo đó, 10 vụ nổ lớn theo trình tự được tiến hành ngoài đại dương có thể tạo ra một trận sóng thần với độ cao sóng đạt 10m, đủ sức làm ngập lụt một thành phố nhỏ.


Trong suốt quá trình thử nghiệm, khoảng 3.700 quả bom đã được sử dụng nhằm tạo ra những đợt sóng thần. Lần thử nghiệm đầu tiên loại vũ khí tối mật này diễn ra ở New Caledonia, sau đó là bán đảo Whangaparaoa, gần khu vực Auckland, New Zealand. Tuy nhiên, dự án này hoàn toàn nằm trong vòng tối mật suốt nhiều năm dài, và chỉ được đưa ra ánh sáng nhờ Ray Waru, nhà làm phim người New Zealand sau khi nghiên cứu hàng loạt tài liệu quân sự bị lãng quên trong kho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia.


Theo đó, dự án mang tên “Project Seal” được đưa ra tháng 6/1944 sau khi sĩ quan Hải quân Mỹ E A Gibson nhận thấy việc nổ mìn nhằm xóa sổ những rặng san hô quanh các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương có thể tạo ra những cơn sóng lớn, tiền đề lý tưởng của dự án “bom sóng thần” hủy diệt các đô thị ven biển.


Số lượng lớn bom và thuốc nổ khổng lồ đã được quân đội Mỹ đưa tới khu vực được chọn nhằm tiến hành các thử nghiệm. Tuy nhiên thực tế, vấn đề phức tạp hơn người ta vẫn nghĩ trong khi chưa một đợt sóng thần nào lớn tới mức hủy diệt, được tạo ra khiến dự án “bom sóng thần” nhanh chóng bị đóng lại chưa đầy một năm sau khi được tiến hành.


Các chuyên gia kết luận, những vụ nổ đơn lẻ không đủ sức tạo ra những đợt sóng thần lớn có sức hủy diệt. Trong khi đó, một quả “bom sóng thần” cần tới 2 triệu kg thuốc nổ được sắp xếp vào những vị trí đã định tại khu vực nằm cách bờ biển 8 km. Đây là nhiệm vụ bất khả thi bởi việc triển khai bom sóng thần sẽ nhanh chóng bị đối phương phát hiện và ngăn chặn.


Tất cả các thử nghiệm bị đình chỉ vào đầu năm 1945, trước sự xuất hiện của bom hạt nhân nên chưa thể xác định được vũ khí nguyên tử có nằm trong tính toán tạo ra “bom sóng thần” của các nhà chức trách Mỹ và New Zealand hay không. Các tài liệu cũng không nhắc tới bom nguyên tử trong các quá trình thử nghiệm “bom sóng thần”.


Trịnh Duy


Theo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP