Cải tạo hoàn trả toàn bộ bó vỉa, vỉa hè ... |
Dự án nâng cấp QL1A đoạn qua TP Hà Tĩnh được khởi công tháng 10/2018 do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Đây là dự án tranh thủ nguồn kinh phí từ vốn kết dư của Dự án Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Dự án chỉ bổ sung cải tạo lại những điểm sụt lún; thay lại toàn một hệ thống thảm nhựa; cải tạo hoàn trả toàn bộ bó vỉa, vỉa hè; khơi thông, nâng cấp hệ thống hiện trạng mương, cống thoát nước dọc hai bên các tuyến phố... nên dự án không có cấu phần bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo yêu cầu, dự án phải thực hiện và đòi hỏi phải hoàn thành trước ngày 31/12/2018 để đủ điều kiện hưởng nguồn vốn kết dư. Trường hợp dự án không kịp tiến độ thì sẽ bị thu hồi vốn theo quy định cũng như ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị và hưởng lợi của người dân.
Đơn vị thi công đang nỗ triển khai đẩy mạnh dự án đúng kế hoạch và tiến độ. |
Xác định tầm quan trọng cũng như căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu dự án, các đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai thực hiện các hạng mục công trình. UBND thành phố Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với Đảng ủy, UBND, UBMTTQ và đoàn thể các xã, phường có liên quan, các đơn vị cung cấp hạ tầng để tích cực vào cuộc tuyên truyền vận động nhân dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Đến nay, sau hơn một tháng triển khai, việc nâng cấp, chỉnh trang tuyến đường được đa số người dân ủng hộ nên nhiều vị trí thi công đã hoàn thành. Đặc biệt, một số đoạn được nhân dân phối hợp xã hội hóa đã hoàn chỉnh toàn bộ vỉa hè với bề rộng 6m.
Tuy nhiên vẫn có một số hộ dân cản trở, không cho thi công phía trước nhà. Nguyên nhân chính là 73 hộ đang có đơn khiếu nại tập thể liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang Quốc lộ 1A giai đoạn 1992 - 1994 với chiều dài (cả 2 bên đường) hơn 1.000 m.
Một người dân ở Tổ dân phố 3, phường Trần Phú chia sẻ: "Tôi cũng như nhiều người dân trong phường rất vui mừng, phấn khởi khi đường Quốc lộ 1A đoạn qua TP. Hà Tĩnh được nâng cấp, chỉnh trang; ai cũng mong muốn đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành tiến độ thời gian dự án để có đường sá khang trang, sạch đẹp đi lại thuận tiện. Vì lợi ích chung, chúng tôi chấp hành nghiêm quy định được thụ hưởng sự quan tâm này của nhà nước”.
Thay lại toàn một hệ thống thảm nhựa. |
Chung niềm vui với nhân dân phường Trần Phú, người dân ở phường Hà Huy Tập cũng phấn khởi vì lợi ích dự án nâng cấp QL1A đoạn qua TP. Hà Tĩnh mang lại.
Anh Trần Văn Hải chia sẻ: “Đây là dự án nâng cấp hệ thống hiện trạng có thời hạn, nếu không hoàn thành đúng tiến độ sẽ bị thu hồi. Nếu thành phố làm được thì đẹp chung cả tuyến, người dân thì được sử dụng vỉa hè lên xuống thuận tiện, mương thoát nước được khơi thông, nhất là đang bước vào mùa mưa lụt. Vì thế mà chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ”
“Nếu các hộ dân cản trở thi công phía trước nhà họ làm cho dự án chậm tiến độ dẫn đến bị thu hồi sẽ làm ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị và hưởng lợi của chính người dân. Tôi nghĩ, nhà nước sẽ có phương án bảo vệ thi công để tranh thủ nguồn kinh phí từ vốn kết dư này”, ông Trần vệ, một người dân sống nơi đây chia sẻ.
Nếu cản trở làm cho dự án chậm tiến độ dẫn đến bị thu hồi sẽ làm ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị và hưởng lợi của chính người dân. |
Ông Lê Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh cho biết, khiếu nại của các hộ dân là thuộc dự án của hơn 20 năm về trước, còn dự án này được thực hiện trên nền hiện trạng cũ. Vì vậy, việc phản đối, cản trở của người dân hiện nay là không có cơ sở pháp lý.
Khiếu nại trước của các hộ dân đã được UBND thành phố, UBND tỉnh giải quyết hết thẩm quyền; nhiều đoàn của trung ương rà soát, giải quyết. Hiện nay, đoàn liên ngành gồm Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì cùng Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiếp tục rà soát.
“Đáng tiếc là, bà con đã nghe một số đối tượng xấu xúi giục, gây cản trở đơn vị thi công, vi phạm vào các quy định của pháp luật. Ông Đức cho biết thêm: “Nếu hộ nào, cá nhân nào cố tình cản trở việc thi công, làm chậm tiến độ dự án, sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Kết luận thanh tra số 2972 của Thanh tra Chính phủ ngày 13/11/2016 về việc khiếu nại của bà Trịnh Thị Liên và một số công dân thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: Thực hiện Nghị định 203/HĐBT ngày 21/02/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ban hành Điều lệ bảo vệ đường bộ, Quyết định 06/QĐ-CT ngày 03/01/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thực hiện Nghị định 203/HĐBT và Quyết định số 1989/QĐ-UB ngày 26/9/1989 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh quy định chỉ giới xây dựng các tuyến đường chính ở thị xã Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo UBND thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) thành lập Ban GPMB, tổ chức kiểm kê, tính toán đền bù tài sản cho các hộ bị giải tỏa theo đúng quy định; các hộ dân đã ủng hộ, chấp hành, xác nhận khối lượng bị giải tỏa, nhận tiền, nhận đất, dời dọn, giải tỏa mặt bằng. Về đền bù đất đai: Tại thời điểm chưa có quy định về đền bù đất khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mà chỉ giao đất ở mới nơi khác cho những hộ có diện tích đất còn lại sau khi giải tỏa, thu hồi nhỏ hơn 80m2, hoặc lớn hơn 80m2 nhưng hình thể của khu đất còn lại không thể xây được căn hộ để ở thì sẽ cấp 1 suất đất ở có diện tích không quá 120m2; việc không lập phương án và tính toán đền bù đất khi giải tỏa hành lang giao thông cho các hộ bị ảnh hưởng là đúng với các quy định hiện hành của Luật Đất đai năm 1988. Về tài sản trên đất bị ảnh hưởng: Ban giải phóng mặt bằng QL1A đã lập biên bản xác định khối lượng và tính giá trị đền bù nhà cửa, cây cối vật kiến trúc đối với từng hộ dân, được các hộ ký xác nhận vào biên bản và nhận tiền đền bù. Trong điều kiện mới tái lập tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh chưa xây dựng được đơn giá đền bù tài sản trên đất khi nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng, nên việc tính toán đền bù tài sản trong thời gian này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng đơn giá quy định tại Quyết định số 738/QĐ-UB ngày 10/4/1988 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) để đền bù tài sản cho các hộ dân là hợp lý. Ngoài ra, khi thực hiện dự án PMUI (1997 - 1999) mở rộng nâng cấp QL1A và tiếp tục thi công hoàn thiện các hạng mục vỉa hè và mương thoát nước đoạn đường đôi QL1A đi qua thị xã Hà Tĩnh, một số hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng hành lang QL1A giai đoạn 1992-4/1994 có kiến nghị xem xét, UBND thị xã Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho 45 hộ với tổng số tiền 667.533.650 đồng (50kg thóc/m2, tương ứng với 85.000đ/m2). Việc hỗ trợ trên là thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nhằm tạo điều kiện để các hộ dân ổn định cuộc sống. Việc khiếu nại của bà Trịnh Thị Liên và các hộ dân thành phố Hà Tĩnh liên quan đến giải phóng hành lang QL1A đoạn đi qua thị xã Hà Tĩnh giai đoan từ năm 1992-4/1994 đã được UBND thị xã Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, giải quyết; tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, rà soát, tổ chức đối thoại nhiều lần và khẳng định việc giải quyết của các cấp chính quyền Hà Tĩnh là đúng quy định của pháp luật; khiếu nại của bà Trịnh Thị Liên và các hộ dân là không có cơ sở. |
Tác giả: Trần Phong
Nguồn tin: Congluan.vn