Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng |
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Thanh tra thi luôn là chủ đề mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT quan tâm và được triển khai sớm. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, tinh thần vẫn nghiêm túc, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kỳ thi 2018, đặc biệt là ở những khâu thiếu sót, xẩy ra sai phạm.
Tất nhiên, không phải tất cả những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đều tại thanh tra, nhưng những gì thuộc về thanh tra thì phải rút kinh nghiệm cho năm nay. Vừa qua, Bộ đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho tất cả các sở về công tác thanh tra. Khác với những năm trước, năm nay, sau khi nghe ý kiến thực thế của các Sở GD&ĐT góp ý vào dự thảo, Bộ mới ban hành hướng dẫn công tác thanh tra thi.
Vậy những điểm mới trong công tác thanh tra thi THPT quốc gia 2019 là gì, thưa ông?
Điểm mới đầu tiên là Bộ hướng dẫn công tác thanh tra thi chi tiết, cụ thể hơn các năm trước.
Thứ hai, người đi làm công tác thanh tra thi phải đang không trong giai đoạn chấp hành kỷ luật, hay trong quá trình điều tra xem xét.
Thứ ba là đội ngũ thanh tra được tổ chức thanh tra, kiểm tra linh hoạt hơn. Ví dụ như khâu chuẩn bị thi có thể thanh tra, kiểm tra tùy các Sở GD&ĐT. Khác với năm 2018, Bộ quy định cứng là chỉ thanh tra.
Tiếp đến là số lượng thanh tra tại các điểm thi năm nay cũng được quy định linh hoạt, tùy theo số lượng phòng thi. Bộ chỉ yêu cầu tối thiểu 2 cán bộ thanh tra/điểm thi. Do đó, các điểm thi tùy số lượng phòng thi tăng lên mà tăng số lượng thanh tra.
Ở khâu chấm thi, số lượng thanh tra cũng không quy định cứng như năm 2018 (2 thanh tra). Sẽ tùy từng Hội đồng chấm thi để chốt số lượng thanh tra. Ví dụ như Hà Nội, nơi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, Bộ sẽ bố trí 7 thanh tra chấm thi. Điểm mới của năm nay đó là đội ngũ thanh tra chấm thi của Bộ ngoài cán bộ đến từ trường ĐH sẽ có cả cán bộ đến từ Sở GD&ĐT.
Tuy nhiên, Thanh tra Sở, cán bộ trường đại học tham gia đoàn thanh tra chấm thi trắc nghiệm, tự luận của Bộ, không thanh tra tại Hội đồng thi do trường mình chủ trì chấm thi, Sở mình làm thi.
Mục mới trách nhiệm của cán bộ thanh tra. Cán bộ làm công tác thanh tra ở khu vực nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới khi xẩy ra sự cố.
Điểm mới nữa là trong công tác tập huấn. Năm nay sẽ tập huấn kỹ, thanh tra được mục sở thị quy trình chấm bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, trong tổ chức thi THPT quốc gia, chú trọng công nghệ cao nhưng không quên công nghệ thấp.
Năm trước vì tiêu cực xẩy ra ở khâu chấm thi mà năm nay quá chú trọng chấm thi, quên các khâu khác.
Bộ có lưu ý các “điểm nóng” trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 không?
Từ trước đến nay, Bộ không có tiêu chí phân biệt điểm nóng. Năm nay, tôi với thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ được phân công đi thanh tra thi tại 3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình và Hà Nội, Hải Phòng.
Ông có nói năm nay có điểm mới là quy trách nhiệm đến từng cá nhân làm nhiệm vụ thanh tra thi. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Điều 48 Quy chế thi THPTQG năm 2019, những cán bộ không làm tròn, làm đúng trách nhiệm của mình sẽ bị xử lý theo các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức cho đến buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, hướng dẫn thanh tra thi THPTQG năm 2019 cũng quy định, cán bộ thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm Quy chế thi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Việc xác minh, xử lý sai phạm đối với những người tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra thi thực hiện theo Khoản 2 Điều 24 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT và quy định pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, năm nay, Bộ cũng quy định cán bộ kiểm tra, thanh tra làm việc liên tục tại vị trí được phân công; báo cáo Trưởng đoàn thanh tra kịp thời lý do vắng mặt tại điểm kiểm tra, thanh tra trong thời gian kiểm tra, thanh tra (nếu có). Tức là cán bộ kiểm tra, thanh tra không được tự ý “bỏ chốt” mà không báo cáo lý do.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Nghiêm Huê
Nguồn tin: Báo Tiền phong