Kinh tế

Doanh nghiệp ngoại đang dẫn dắt "cuộc chơi" M&A

“Hiện nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn 75% là của các DN nước ngoài, rõ ràng họ đang dẫn dắt cuộc chơi. Họ có lợi thế về vốn và đã đi trước Việt Nam từ rất lâu. Tuy nhiên, họ nhìn thấy được sự tăng trưởng của Việt Nam và sẵn sàng đầu tư.”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc AVM tại hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức M&A” diễn ra sáng nay (19/12) tại Hà Nội.

Cũng theo ông Việt: “DN ngoại chấp nhận mua giá cao bởi họ nhìn thấy sự tăng trưởng của Việt Nam. Và họ kỳ vọng sự tăng trưởng không chỉ 1 con số mà là 2 thậm chí 3 con số, cho các ngành hàng như tiêu dùng, bán lẻ”, ông Việt nói.

Phiên tọa đàm tại hội thảo diễn ra khá sôi nổi

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam, ông Việt cho biết: “Tiềm năng phát triển của Việt Nam đang rất lớn bởi dân số trẻ đang hội nhập văn hóa thế giới rất nhanh. Người trẻ có xu hướng tiêu dùng và mua sắm rất khác.”

“Vì vậy có thể hôm nay các nhà đầu tư mua với giá cao. Nhưng vài năm sau họ có thể bán với giá cao hơn nữa. Bởi khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam ngoài các thuận lợi về con người, sự tăng trưởng. Các DN sẽ tăng được dòng tiền và cải thiện về quản trị từ đó lợi nhuận sẽ lên cao hơn. Đó là lý do mà họ sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Việt khẳng định.

Chia sẻ về thương vụ Sabeco, ông Việt nói: “DN bia của Thái Lan họ đang chiếm tỷ trọng rất lớn về ngành bia. Họ đã nhận thấy sự tương đồng tại Việt Nam nên khi tham gia vào thị trường Việt Nam, họ có thể đưa bia Thái vào hoặc mang bia Việt Nam sang Thái.”

“Và khi họ tham gia vào Sabeco thì sẽ thay đổi cách quản trị hoặc có thể thay đổi công nghệ để cho ra loại bia mới. Tuy nhiên, đó vẫn là việc trong tương lai, vì vẫn còn đó các chính sách của nhà nước về tiêu thụ đặc biệt với bia Thái”, ông Việt nói.

Còn một điều đáng tiếc với ông Việt đó là: “Các nhà đầu tư của Việt Nam rõ ràng là khó có thể mua lại được Sabeco vì số tiền lớn như vậy thì không thể cạnh tranh. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng rằng trong tương lai, các nhà đầu tư Việt Nam có thể liên kết lại để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong các thương vụ M&A.”

Bối cảnh chung của M&A

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú: “Công nghiệp Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012.”

“Trong đó, có những ngành được đánh giá tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016 như sản xuất kim loại tăng 17,9%, sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%, sản phẩm điện tử máy vi tính và quan học tăng 12,8%...”, ông Phú nói.

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong năm 2017 với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 11 tháng đã tăng 9,3% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016.

Từ những con số này, ông Vũ Bá Phú cho rằng: “Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, quản lý chuyên nghiệp, vốn lớn, thì các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội cạnh tranh.”

“Thị trường M&A thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ trong lĩnh vực công nghiệp có yếu tố nước ngoài như: Tập đoàn CJ và Công ty Cầu Tre, Tập đoàn SCG và Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam, Earth Chemical và Công ty Á Mỹ Gia,…”, ông Phú liệt kê.

Đặc biệt, chiều 18/12 công ty ThaiBev thông qua Vietnam Beverge đã mua lại 343,66 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ. “Điều này thể hiện sự chủ động tìm kiếm cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, cũng như việc thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội đầu tư thông qua hình thức M&A trong lĩnh vực công nghiệp” – ông Vũ Bá Phú khẳng định..

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP