Tại hội nghị Tổng kết ngành công thương sáng 15-1 ở Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Hyundai Thành Công, đánh giá mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Chính phủ đề ra rất rõ trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Vẫn còn khó khăn
Trong đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành ô tô sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác và nâng cao sức cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới. Các nhóm sản phẩm chiến lược bao gồm xe du lịch đến 9 chỗ kích thước nhỏ tiết kiệm nhiên liệu, xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, các loại xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành các nghị định như Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô hay Nghị định 125 quy định lộ trình miễn thuế nhập khẩu linh kiện đối với nhà sản xuất đáp ứng đủ các điều kiện về sản lượng, tiêu chuẩn khí thải, dung tích xi lanh đối các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, xe khách, xe tải.
"Đây là chính sách rất cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao sản lượng các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa và hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường lân cận" - ông Đức nhận xét.
Huyndai Thành Công đề nghị Bộ Công Thương trong ngắn hạn cần phối hợp với Bộ Tài Chính để điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế phí. Ảnh minh họa |
Dù vậy, ông Đức cũng thẳng thắn cho rằng các ưu đãi đưa ra, cụ thể theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, vẫn chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN mà mới chỉ thu hẹp khoảng cách về khả năng cạnh tranh giữa sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo ông Đức, hiện tại mức giảm giá bán lẻ cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp theo cơ sở từ Nghị định 125 tối đa chỉ từ 12% – 15 %, trong khi đó nếu được giảm thuế từ 30% - 0%, các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc có thể giảm từ 23% – 25% giá bán lẻ so với hiện nay. Bởi, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp đang phải gánh rất nhiều chi phí khác nhau liên quan đến đầu tư, vận hành nhà máy, chi phí kho bãi để đáp ứng được khối lượng linh kiện nhập khẩu rất lớn cũng như các chi phí để truyền thông, quảng bá, phân phối sản phẩm để tạo ưu thế.
Vì vậy, với các ưu đãi theo Nghị định 125 đưa ra, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Hay đối với Nghị định 116/2017/NĐ-CP, các thủ tục liên quan như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, các loại giấy chứng nhận kiểu loại ô tô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ là các giải pháp ngắn hạn.
Trong khi đó, về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. Do đó, xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước trong việc tìm đầu ra.
Điều chỉnh, ban hành thêm chính sách về thuế phí
Trước thực tế đó, đại diện tập đoàn Huyndai Thành Công đề nghị Bộ Công Thương trong ngắn hạn cần phối hợp với Bộ Tài Chính để điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến thuế phí.
Thứ nhất, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Theo ông Đức, biện pháp này đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia,... hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đầu ra nhờ giá cả cạnh tranh.
Thứ hai, miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Giải pháp này sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước. Với việc được tối ưu hóa chi phí đầu vào, các nhà sản xuất linh kiện sẽ có thể cung cấp ra thị trường những linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh hơn so với các linh kiện nhập khẩu.
Từ đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, góp phần giảm chi phí sản phẩm xe sản xuất lắp ráp trong nước, nâng cao dung lượng thị trường, cũng như giúp các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trong nước tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư và sản xuất trong nước.
Thứ ba, áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành để đảm bảo giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp theo đúng mục tiêu của Nghị định 125.
Về dài hạn, ông Đức cho rằng cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Đề xuất không phù hợp Trong số các biện pháp mà ông Đức đề xuất, việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần giá trị sản xuất trong nước của ô tô mới đây đã được Bộ Tài chính giải thích. Theo đó, đề xuất này không phù hợp với quy tắc đối xử quốc gia của GATT (các hiệp định về thương mại dịch vụ) nên không thể áp dụng. |
Tác giả: Phương Nhung - Tr.Nguyễn
Nguồn tin: Báo Người lao động