>> Chủ tịch tỉnh: “Ai gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp hãy nhắn tin cho tôi”
Hầu hết các Doanh nghiệp (DN) tham gia buổi đối thoại trên đều rất phấn khởi, hào hứng khi được tham gia đối thoại với chủ tịch UBND tỉnh. PV Tầm Nhìn đã có cuộc trao đổi với một số DN và chủ tịch Hiệp hội DN của các huyện, những người đã tham gia phát biểu ý kiến trong cuộc đối thoại trên.
Hy vọng vào một chủ tịch năng động, quyết liệt, tràn đầy sức trẻ
Ông Trần Phát Đạt, chủ tịch Hiệp hội DN Hương Khê là một trong những DN đã có những phát biểu rất thẳng thắn và tâm huyết trong cuộc đối thoại trên.
Ông Đạt cho rằng, qua cuộc đối thoại có thể thấy chủ tịch Đặng Quốc Khánh với sự năng động sáng tạo, sức trẻ của mình đang muốn đổi mới phương phức lãnh đạo, nói thẳng nói thật, nói đi đôi với làm và làm là làm quyết liệt thực sự.
“DN tồn tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo thu nhập cao thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đó là mong muốn lớn nhất của DN. Qua cuộc đối thoại đó, mong chủ tịch đưa ra được phương pháp lãnh đạo tối ưu nhất để làm sao bộ máy lãnh đạo thực sự nói đi đôi với làm, tránh tình trạng giữa bộ máy lãnh đạo và DN không kết nối được, từ đó việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế sẽ trì trệ”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Trần Phát Đạt, chủ tịch Hiệp hội DN Hương Khê là một trong những người nổi tiếng bởi sự thẳng thắn và tâm huyết. |
Cũng theo ông, hạn chế lớn nhất trong mối quan hệ giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) hiện nay là thủ tục hành chính đang rất rườm rà, các văn bản dưới luật ở các tỉnh và địa phương nhiều cái không thống nhất gây khó cho DN. Đặc biệt, giữa suy nghĩ của DN và bộ máy quản lý chưa đồng nhất được quan điểm.
“Quan điểm của DN là muốn kiếm công ăn việc làm, muốn kiếm thu nhập phát triển kinh tế, nhưng nhiều khi quan điểm quản lý của một bộ phận QLNN thực sự tôi không biết biết họ muốn cái gì khi DN đén đặt vấn đề làm việc. Bây giờ trình độ của DN và bộ máy quản lý đã tương đương, thậm chí nhiều khi trình độ của những DN quản lý giỏi còn hơn, dẫn đến anh (QLNN –PV) vẽ ra những văn bản mang tính chất rườm rà, gây khó khăn cho DN là không mang tính chất thúc đẩy sự phát triển”, ông Đạt phát biểu.
Nhiều DN đã rất ấn tượng khi chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nói có ai gây phiền hà, nhũng nhiễu hay DN có vướng mắc gì hãy gọi điện, nhắn tin trực tiếp cho ông. Ngoài ra ông còn công khai số điện thoại, nói các doanh nghiệp đừng ngại khi phản ánh trực tiếp với ông.
“Câu nói đó thể hiện chủ tịch UBND tỉnh đang muốn cương quyết nắm bắt được cụ thể tất cả những việc gây khó dễ nhũng nhiễu của các sở ban ngành, đó là một điều đáng mừng của DN. Tuy nhiên thực chất sau đó chủ tịch xử lý như thế nào là điều DN quan tâm”, ông Đạt chia sẻ.
Ông lấy ví dụ, vừa rồi ngay trong cuộc đối thoại, ông đã nhắn tin hỏi lý do gì mà một số hoạt động XNK trên địa bàn không xuất được vì ở Hà Tĩnh áp dụng công văn 19128. Trong khi công văn này đã bị bãi bỏ nhưng một số lãnh đạo nói nó còn có giá trị. Từ đó, khác với các tỉnh khác, DN ở Hà Tĩnh bị thu thuế mà không được hoàn lại nên DN bỏ, không làm ở Hà Tĩnh nữa. Ông Đạt đã nhắn tin và hi vọng chủ tịch chỉ đạo Hải quan xử lý vụ việc này. Ông mong khi nhận được tin nhắn, chủ tịch có thể chưa chỉ đạo ngay ngày hôm đó nhưng khi về sẽ chỉ đạo.Tất cả DN đang rất kỳ vọng chủ tịch nói và làm là phải tương đương.
Các DN mong muốn sẽ có nhiều cuộc đối thoại hơn nữa, có thể ít nhất 1 năm là 2 lần, nhưng thời gian không hạn chế như vừa rồi mà nên cả một ngày hoặc hai ngày. Vì chỉ được nửa ngày như vậy, DN toàn tỉnh không thể đối thoại hết, nhiều ý kiến chưa thể giãi bày.
“Đối thoại là cái gì? Theo tôi ví dụ DN hỏi cơ quan ban ngành sai hay không thì chủ tịch phải yêu cầu họ đứng dậy hỏi có những việc như vậy hay không, có đúng như DN phản ánh không, vướng mắc ở đâu? Vì nguyên nhân gì? để đối chất trực tiếp. Từ đó để khỏi hiểu lầm DN lại nói xấu cơ quan QLNN… tôi mong muốn có một cuộc đối thoại như thế”, ông Đạt chia sẻ.
Mong chủ tịch nói sẽ đi đôi với hành động
DN Hà Tĩnh mong chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh nói sẽ đi đôi với hành động |
Theo ông Hồng, từ trước đến nay, nhiều DN đã đưa hồ sơ, kiến nghị bằng văn bản về các vấn đề như thuế, thuê đất, các chính sách…lên cơ quan QLNN nhưng cứ bị để lại thời gian này đến thời gian khác chưa được giải quyết.
Mong chờ của các DN sau cuộc đối thoại là mong chủ tịch sẽ có chỉ đạo đối với các ban ngành, sở để giải quyết những vướng mắc mà trong đối thoại đã nêu ra. Nếu sau cuộc này có những trả lời và giải quyết nhanh gọn thì DN rất tin tưởng.
“Vì trước đây có một vài lần đối thoại nhưng không được trả lời bằng văn bản hoặc giải quyết các vấn đề vướng mắc DN đưa ra. Tôi mong cái gì làm được thì chủ tịch sẽ trả lời DN mà không làm được cũng trả lời chứ không chung chung. Tất nhiên có những cái giải quyết cũng phải có thời gian nhưng cũng báo lại để DN được biết. Nếu lần này các ý kiến trao đổi, vướng mắc không được giải quyết thì lần sau người tham gia họ thấy đi cũng không có tác dụng gì với những cuộc trao đổi này”, ông Hồng cho biết.
Ông Phạm Xuân Minh – Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng cho rằng, trong cuộc đối thoại đầu tiên đó, do sự kỳ vọng vào một vị chủ tịch tỉnh trẻ, năng động nên các DN đã rất hào hứng và hăng say phát biểu.
Tuy nhiên, còn phải chờ xem chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh giải quyết và xử lý những ý kiến DN đưa ra như thế nào mới có thể khẳng định được sự quyết liệt và hiệu quả cuộc đối thoại đưa lại, còn nếu không giải quyết thì những lần sau các DN cũng sẽ nản vì có tham gia cũng không giải quyết được gì.
Mai Nguyễn – Đặng Sơn (lược ghi)