“Đoàn kết là nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế trong Di chúc, Bác cho rằng đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, cần phải gìn giữ” - PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nói.
Tăng cường đoàn kết phải phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình
Phóng viên: Theo ông, vì sao trong Di chúc của Bác Hồ, Người nêu rõ vai trò lớn lao của đoàn kết trong Đảng?
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc |
+ PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc: Người cho rằng đoàn kết của Đảng là nòng cốt để đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết trong Đảng và đoàn kết dân tộc gắn bó mật thiết với nhau và quyết định lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu suốt điều đó vừa là truyền thống và cũng là nhân tố mang tính nguyên tắc, quy luật bảo đảm thắng lợi. Vì vậy, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Vậy trong Di chúc, Người căn dặn việc giữ gìn đoàn kết phải thực hiện như thế nào, bằng cách nào?
+ Trong Di chúc, Bác nêu rõ để tăng cường đoàn kết phải phát huy dân chủ, nghiêm túc tự phê bình và phê bình sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tăng cường trao đổi để đi đến thống nhất nhận thức tư tưởng và nhiệm vụ chính trị. Người nhấn mạnh: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Sinh thời, Bác đã nhiều lần nhấn mạnh tự phê bình và phê bình là công việc cần thiết, tạo động lực để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thưa ông, phải làm sao để việc tự phê bình và phê bình trở thành sức mạnh của đoàn kết, việc này thật không dễ?
+ Đó là Đảng không được giấu giếm khuyết điểm, trái lại phải công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, tìm rõ nguyên nhân của khuyết điểm và phải đề ra cho được cách sửa chữa. Điều đó thể hiện một Đảng chân chính, chắc chắn và cách mạng. Tự phê bình và phê bình thẳng thắn, chân thành với mục đích xây dựng và phương pháp đúng đắn làm cho Đảng mạnh lên, đoàn kết vững chắc.
Theo ông, thực hiện lời căn dặn về đoàn kết trong Di chúc của Người, 50 năm qua, đã được thể hiện thế nào?
+ Đảng đã chăm lo giữ gìn và củng cố sự đoàn kết trong Đảng, bảo đảm cho Đảng thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện cho kỳ được những mục tiêu lớn lao của cách mạng mà Người đã căn dặn từ tầm nhìn chiến lược và khát vọng của bậc vĩ nhân.
Bên cạnh đó, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm chủ quan, duy ý chí, nóng vội, giáo điều với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và đã đạt tới sự đồng thuận, nhất trí trong Đảng, quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Chính tự phê bình và phê bình nghiêm túc đã là cách tốt nhất để đoàn kết nhất trí trong Đảng như Bác đã căn dặn trong Di chúc.
Đoàn kết là nội dung lớn, cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: HTD |
Thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng để củng cố đoàn kết
Ngoài căn dặn về đoàn kết trong Đảng, Người cũng đề cập nhiều về việc chỉnh đốn Đảng, điều này được thể hiện trong Di chúc như thế nào, thưa ông?
+ Bác đã căn dặn trong Di chúc: Ngay sau ngày kháng chiến thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Chỉnh đốn Đảng có rất nhiều việc phải làm về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kỷ luật, về nâng cao đạo đức cách mạng, về củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm hạt nhân đoàn kết toàn dân tộc.
Lời căn dặn này của Người được Đảng ta thực hiện trong thực tiễn ra sao?
+ Trong công cuộc đổi mới, làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và có những thời điểm được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Tháng 6-1992, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Gắn liền với tổng kết 30 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, tháng 2-1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) ban hành nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Thời gian qua, Đảng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những biểu hiện đó nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi sẽ làm cho tình trạng tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, chạy chức, chạy quyền, thân hữu, dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết. Đây thật sự làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Theo quan sát của ông, kết quả của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có những tác động sâu sắc thế nào?
+ Những cuộc chỉnh đốn Đảng đó đã hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành vai trò lãnh đạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Các cuộc chỉnh đốn Đảng đó đã củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nhất là thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện đường lối đổi mới đưa đất nước tiến lên.
Xin cám ơn ông.
Cán bộ, đảng viên với nhau đừng đố kỵ, kèn cựa mất đoàn kết Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc mọi cán bộ, đảng viên “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bởi tình đồng chí là thiêng liêng, cao cả trong một Đảng Cộng sản chân chính cách mạng. Mọi cán bộ, đảng viên có chung chí hướng, mục tiêu đấu tranh, phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào. Chính mục tiêu, lý tưởng cao cả đó cố kết cán bộ, đảng viên thành một khối, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Những người không có tình cảm cách mạng trong sáng không thể có tình thương yêu đồng chí dẫn đến ích kỷ, đố kỵ, kèn cựa, ganh ghét làm mất đoàn kết nội bộ. Thương yêu đồng chí, đồng bào là giá trị của đạo đức cách mạng. |
Tác giả: Viết Thịnh
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM