Hình ảnh cò” đang nhận hồ sơ, làm thủ tục cho khách. |
Theo bà Nam, ngày 30/10, sau khi báo Tiền Phong đăng tải bài viết: "Thủ tục hành chính siêu tốc trên vỉa hè" phản ánh về việc một số cán bộ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, thủ tục cấp "phiếu lý lịch tư pháp" tại bộ phận một cửa thuộc Sở Tư pháp Hà Nội có liên quan tới nhóm người chào mời làm dịch vụ thủ tục nhanh gọn xảy ra ngày 24/10, Ban giám đốc Sở đã có cuộc họp khẩn để làm rõ.
Theo đó, Ban giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội quyết định thành lập tổ kiểm tra do bà Tống Thị Thanh Nam - Phó giám đốc Sở làm tổ trưởng, bà Nguyễn Thị Thanh Tú - Chánh thanh tra Sở làm tổ phó để xác minh, làm rõ nội dung bài báo phản ánh.
Tổ kiểm tra đã yêu cầu cán bộ làm việc tại bộ phận "một cửa" ngày 24/10 làm tường trình, báo cáo quá trình công tác. Qua đó, xác định có 2 cán bộ làm việc tại ô cửa số 5 và ô cửa số 1 liên quan tới phản ánh của báo Tiền Phong.
"Ngay sau đó, tổ kiểm tra quyết định đình chỉ 15 ngày đối với 2 cán bộ này để tiếp tục công tác kiểm tra", bà Nam nói.
Trước đó, ngày 24/10, phóng viên Tiền Phong đến trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội để làm việc. Tại đây, chúng tôi được một cán bộ tên H. hướng dẫn điền vào “Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp”. Cán bộ H. cũng đề nghị chúng tôi phô tô CMND, hộ khẩu kèm theo bản gốc để đối chiếu, đồng thời cho biết sẽ phải chờ tới ngày 6/11/2017 mới nhận được “phiếu lý lịch tư pháp”, tức là phải đợi ít nhất 12 ngày. Vị cán bộ cho biết, lý do người dân phải đợi lâu là bởi phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xác minh.
Vì quên không mang theo sổ hộ khẩu nên chúng tôi không thể thực hiện được thủ tục theo hướng dẫn của vị cán bộ tên H. và đành phải bỏ dở tờ khai ra về. Tuy nhiên, khi đang đứng tần ngần trước cổng Sở Tư pháp Hà Nội, chúng tôi được một người đàn ông khoảng 50 tuổi đon đả mời chào: “Tôi sẽ giúp chú giải quyết thủ tục giấy tờ cực kì nhanh gọn, ngọt như đường vì có người quen đang công tác tại Sở Tư pháp Hà Nội”.
Theo người đàn ông này hướng dẫn, chúng tôi chỉ cần phô tô CMND, sổ hộ khẩu không cần công chứng, cũng không cần bản gốc để đối chiếu và chỉ cần 2 ngày là “giải quyết” xong với giá 1,9 triệu đồng, nếu 3 ngày là 1,7 triệu đồng. Nghe có vẻ hấp dẫn, chúng tôi đồng ý. Liền sau đó, người đàn ông đưa chúng tôi sang phía đối diện rồi “bàn giao” cho một người đàn ông tên Thùy để triển khai thủ tục.
Trong vòng chưa đầy 3 phút, ông Thùy đã viết xong hồ sơ và cấp “mật khẩu” hướng dẫn chúng tôi vào để nộp hồ sơ. Sau đó, ông Thùy không quên yêu cầu trả trước khoản tiền 1,9 triệu đồng. Chúng tôi đề nghị đặt cọc trước 200 nghìn đồng, khi nhận được kết quả sẽ thanh toán nốt nhưng ông Thùy không đồng ý.
Ông Thùy khoe, mỗi ngày ông ta làm hàng chục bộ hồ sơ và đã làm việc này từ nhiều năm, rất có “uy tín”. Theo ông Thùy, mỗi bộ hồ sơ ông chỉ “được” từ 100.000 đồng hoặc cùng lắm là 200 nghìn đồng, số còn lại ông không được hưởng mà phải chuyển cho người khác nên yêu cầu chúng tôi phải nộp đủ 100% số tiền như thỏa thuận. Cuối cùng, cũng vì không muốn phải mất thời gian chờ đợi và đi lại nhiều lần, chúng tôi đã chuyển số tiền 1,9 triệu đồng cho ông Thùy như cam kết và nhận được lời hứa 2 ngày sau sẽ có kết quả.
Khi cầm hồ sơ quay trở vào Sở Tư pháp, dù đã hết giờ hành chính (11h40 phút) song vẫn còn một nữ cán bộ ngồi chờ nhận hồ sơ của chúng tôi. Vị nữ cán bộ này ghi cho chúng tôi phiếu hẹn ngày 6/11/2017 sẽ nhận được kết quả, nhưng thực chất, chỉ sang hôm sau (25/10) chúng tôi đã nhận được kết quả.
Tác giả: MINH ĐỨC - NGUYỄN HOÀN
Nguồn tin: Báo Tiền phong