Thể thao

Điền kinh Bahrain giành HCV nhờ chi tiền mua VĐV ngoại

Hôm 26/08, nội dung 10.000 m của môn điền kinh ASIAD 2018 chứng kiến chiến thắng của nữ VĐV Rose Chelimo, một người sinh ra, lớn lên và thậm chí vẫn còn đang sinh sống tại Kenya.

Ngày hội thể thao lớn nhất châu Á 2018 là nơi đang chứng kiến chiến thắng của những vận động viên có màu da đen tuyền. Rose Chelimo giành tấm huy chương vàng ASIAD 2018 đầu tiên cho đoàn thể thao Bahrain, ở nội dung 10.000 m của nữ.

Trước đó, đoàn thể thao Bahrain cũng có hai tấm huy chương bạc nhờ hai vận động viên gốc Morocco Elabbassi Elhassan (marathon nam) và Chumba Eunice (gốc Kenya, marathon nữ).

Bahrain dùng nhiều VĐV nhập tịch tranh tài ở ASIAD 2018.

Còn nhớ ở Olympic Rio 2016, cả hai tấm huy chương danh giá nhất ở nội dung điền kinh của Bahrain cũng do những vận động viên sinh ra ở Kenya mang lại.

Huy chương được mua bằng tiền

Ruth Jebet cũng là một vận động viên như vậy. Cũng sinh ra và lớn lên ở Kenya, cô là VĐV Bahrain đầu tiên vô địch điền kinh Olympic, ở nội dung 3.000 m vượt rào của nữ.

Vì đâu mà một vận động viên sinh ra tại châu Phi xa xôi, lại có thể chiến đấu cho màu cờ sắc áo của một quốc gia ở châu lục khác?

Câu trả lời duy nhất là vì tiền. Ruth Jebet sinh ra và lớn lên ở Kenya, thậm chí vẫn còn sinh sống và luyện tập tại đây. Nhưng cô chấp nhận "đánh thuê" cho Bahrain - một quốc gia Trung Đông để đổi lấy cuộc sống tốt hơn.

Dù vậy, Ruth Jebet không tranh tài ở ASIAD. Ba tuần trước ngày khai mạc ASIAD, các quan chức thể thao Bahrain xác nhận nữ VĐV 21 tuổi sẽ không tham dự sân chơi ở Indonesia, bởi hơn 100 cáo buộc sử dụng doping từ Ủy ban chống doping thế giới.

Ruth Jebet chỉ là một trong nhiều ví dụ cho những vinh quang thể thao "đi mượn", "đi mua" của các quốc gia Trung Đông, những đất nước giàu có nhưng không có nền thể thao tự thân phát triển vì nhiều yếu tố.

Theo báo chí, cách dùng những VĐV da màu tranh tài ở ASIAD chẳng khác nào đi mua huy chương.

Các vận động viên điền kinh dự ASIAD 2018 tại Indonesia - hay trước đó là Olympic Rio 2016 - của Bahrain đến từ Kenya, Ethiopia hay thậm chí mà Jamaica, Morocco và Nigeria. Gần như không có VĐV nào sinh ra tại Bahrain.

Một hệ quả tất yếu là gần như tất cả các huy chương ở nội dung điền kinh mà Bahrain có được đều đến từ các VĐV gốc châu Phi.

Điều này không có gì đặc biệt với các quốc gia Trung Đông khác như Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hay thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chấp nhận bỏ tiền để nhập khẩu các vận động viên có tài năng.

Dùng VĐV nhập tịch là chuyện diễn ra như cơm bữa

Hiệp hội vận động viên thế giới từng ghi nhận con số kỷ lục trong giai đoạn 2012-2016, khi có tới 18 VĐV Kenya và 17 VĐV Ethiopia đổi quốc tịch sang Bahrain để tham dự các giải thế giới hay Olympic.

Kém danh tiếng hơn những cái tên đã kể ở trên, Stephen Cherono là một trường hợp đặc biệt và vô cùng kỳ lạ khác. Anh là một VĐV điền kinh không mấy nổi bật ở quê nhà Kenya, nơi các ngôi sao trên đường chạy mọc lên như nấm.

Việc anh chuyển từ quốc tịch Kenya sang Qatar giúp anh kiếm được mức lương 1.000 USD/tháng và có cuộc sống khá giả hơn.

Bất ngờ bắt đầu từ đây. Stephen Cherono bắt đầu thăng tiến vượt bậc và vô địch giải thế giới tại Paris mùa xuân năm 2003 ở nội dung 3000 m vượt rào. Sau khi băng qua vạch đích, anh giang hai tay ăn mừng.

Bahrain không có ý định ngưng chiến lược mua huy chương bằng những VĐV da màu.

Một khoảnh khắc lúng túng xảy ra. Stephen Cherono quấn lấy lá cờ Qatar lên người, nhưng quên mất tên mới của mình lúc trao huy chương và phải nhìn kỹ trên bảng điện tử. VĐV vô địch là Saif Saaeed Shaheen - tên mới của anh theo tiếng Qatar.

Anh trai của Stephen Cherono về thứ 5 ở nội dung đó, từ chối chúc mừng người nhà. Báo chí Kenya gọi anh là kẻ phản bội.

Đó có lẽ là lý do màu cờ sắc áo hay tinh thần dân tộc, thứ vẫn được rêu rao trong mỗi khi đại hội hay giải đấu thể thao quốc tế, không có ý nghĩa nhiều ở đây. Tất cả là vì tiền, và vì cuộc sống mưu sinh.

Và nhìn cách Bahrain "mua" huy chương ở các kỳ đại hội thể thao lớn, cây bút Patrick Redford của Deadspin bình luận một cách thâm thúy: "Không cần biết quốc gia của bạn rộng lớn hay nhỏ bé thế nào, chỉ cần giàu là có huy chương".

Tác giả: Vũ Duy

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP