Khi chúng tôi tìm về xã Đức Xuân (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), người dân nơi đây vẫn chưa thể quên cái ngày hàng nghìn người tụ tập chứng kiến anh Phùng Giùn Tòng (ngụ tại địa phương) đào được một kho đồ cổ.
Trước đó, chuyện anh Tòng vô tình tìm được một chiếc chiêng đồng cổ đã từng trở thành tâm điểm khiến dư luận bàn tán. Nhưng đến gần đây, khi chàng nông dân chân chất này tiếp tục phát hiện cả một hang núi đầy ắp đồ cổ thì câu chuyện mới thực sự gây chấn động.
Theo lời anh Tòng kể lại thì hơn 20 năm trước, anh tình cờ nhìn thấy một chiếc chiêng đồng cổ bị phủ lấp trong một lần vào rừng chặt Vầu để làm bẫy chuột. Quá vui mừng, anh gạt lớp lá cây, hì hục đào chiếc chiêng đồng mang về nhà.
Chiêng quý ngàn năm.
Không giấu của quý một mình, anh mang đến hỏi già làng thì được biết đây là chiêng quý người Dao đỏ trăm năm trước vẫn dùng trong các đám cưới. Tin anh Tòng nhặt được đồ cổ nhanh chóng lan xa. Không biết từ đâu, dân buôn đồ cổ lũ lượt đổ về ngã giá để mua chiếc chuông đồng cổ. Thế nhưng Tòng nhất quyết không bán mà để lại cho bà con cả làng cùng chiêm ngưỡng.
Thời gian trôi đi, chuyện anh Tòng đào được chiêng cổ cũng dần lắng xuống. Quay trở lại với nếp sống thường nhật, anh Tòng lại chăm chỉ làm nương rẫy, chăn nuôi lợn gà. Thi thoảng, anh lại lên rừng chặt Vầu làm bẫy chuột nhưng không bao giờ nghĩ đến việc đào bới hay tiếp tục tìm đồ cổ. Bởi thế, người đàn ông này cũng không ngờ vận may lại một lần nữa lại “gõ cửa” mình.
Chuyện là cuối năm 2013, một người hàng xóm của anh vô tình đào được hàng chục kg bạc nén trong một lần đi làm rẫy. Với số bạc lớn ấy, gia đình người hàng xóm đã mang bán được hàng trăm triệu đồng, cuộc sống từ nghèo khó trở nên sung túc. Mừng cho gia đình hàng xóm, anh Tòng chợt nghĩ đến địa điểm phát hiện chiếc chiêng đồng cổ năm nào. Anh tự nhủ: “Hay mình quay lại đó. Biết đâu, mình lại chẳng nhặt được bạc hay đồ cổ giá trị khác”.
Nghĩ là làm, một buổi sớm anh Tòng thức dậy rồi lặng lẽ vác dao, cuốc vào rừng Vầu. “Qua hàng chục năm không ai lui tới, khu vực trước kia tôi nhặt được chiêng quý đã trở nên rậm rạp, cây dại mọc lút đầu. Phải quan sát một lúc lâu, tôi mới định vị được địa điểm đào chiêng năm xưa rồi bắt đầu phát cỏ dại, cây bụi và tìm kiếm xung quanh”.
Công việc “mò kim đáy biển” ấy được anh cặm cụi thực hiện từ sáng cho đến tận khi mặt trời đứng bóng mà không mang lại kết quả. Vạt đất trống từ vị trí đào chiêng trước kia đã rộng đến gần chục mét vuông. Nhưng ngoài những hòn đá ngổn ngang, anh Tòng chưa nhìn thấy gì bất thường. Do trời đã tối, anh đành ngậm ngùi vác đồ đạc trở về nhà nghỉ ngơi, định bụng hôm sau sẽ quay lại tiếp tục công việc.
Tinh mơ hôm sau, Tòng lại vào rừng Vầu. “Không hiểu sao hôm ấy, tôi có cảm giác rất kỳ lạ. Những bước chân như thể có ai thôi thúc khiến tôi băng băng vượt qua những vạt rừng rậm rạp để vào bãi đất trống hôm trước vừa phát quang”, anh Tòng kể.
Lần này, anh tiếp tục công việc đến gần trưa thì chợt thấy một đàn dơi bay từ trên vách núi bay xuống một bụi cây cách mình chừng vài mét rồi khuất dạng. Với kinh nghiệm của một người nhiều năm đi rừng, anh Tòng nghi ngờ bên dưới bụi cây có thể có hang động nên lập tức phát quang một lối tiến lại. Khi đến gần, Tòng vô cùng mừng rỡ khi biết suy luận của mình đã chính xác.
“Lúc đó, tôi nhìn thấy một chiếc búa đinh nằm chỏng chơ giữa hai phiến đá cách nhau chừng 1 mét. Cầm đèn pin rọi vào bên trong, tôi thấy lòng hang động không rộng lắm, từ cửa hang vào đến hết bên trong chỉ chừng vài mét. Thế nhưng dưới nền hang, ai đó đã chất đầy đồ cổ. Quá ngỡ ngàng trước phát hiện này, tôi thầm nghĩ: “Có lẽ trời thương nên mới giữ “kho báu” suốt hơn 20 năm chờ tôi đến lấy”, anh Tòng nhớ lại.
Sau khi kiểm tra cẩn thận, anh Tòng thấy khối lượng đổ cổ trong hang quá lớn, sức một người không thể khiêng về hết. Bởi thế, anh đã gọi điện thông báo cho người thân trong gia đình cùng đến vận chuyển. Suốt cả buổi chiều hôm đó, 8 người trong gia đình Tòng phải cật lực làm việc mới “dọn dẹp” hết số cổ vật trong hang.
Thông tin anh Tòng đào được đồ cổ lập tức lan nhanh khắp làng trên xóm dưới. Hàng trăm người dân địa phương và các vùng lân cận kéo đến gia đình anh xem đông như trẩy hội. Thậm chí, những người ở nơi xa như Hà Nội cũng tìm về để được “mục sở thị” “kho báu” hiếm có này.
Bát cổ.
Vất vả đào hầm giấu đồ cổ
Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Văn Chái, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuân cho biết: “Đúng là có chuyện anh Tòng tìm thấy một kho đồ cổ được giấu trong một hang đá. Chúng tôi cũng đã cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền về xem xét nhưng chỉ có một số cổ vật có giá trị, số nhiều còn lại hầu như không thực sự có giá trị văn hóa. Hiện chúng tôi cũng đã phối hợp với cấp trên lập biên bản và yêu cầu anh Tòng không bán số đồ cổ trên để chúng tôi có hướng xử lý đúng đắn”.
Những ngày sau khi khiêng đồ cổ về, ngoài việc phải tiếp những vị khách tò mò tìm đến, gia đình anh Tòng còn phải tất tả lo mời thầy mo về cúng bái.
“Dẫu vẫn biết, những đồ cổ này là do người xưa để lại nhưng nhiều người trong làng vẫn bàn ra tán vào. Họ cho rằng, số đồ cổ trên trước khi bị chôn vùi dưới lòng đất đã bị người ta “yểm bùa”. Bởi thế để yên tâm hơn, gia đình tôi đã phải mời vài vị thày mo trong làng về cúng bái cho thoải mái tinh thần, không phải lo nghĩ nếu mai này sử dụng”, anh Tòng chia sẻ.
Theo một số vị cao niên trong làng thì những đồ cổ mà anh Tòng tìm thấy chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt của các người xưa để lại. Cụ thể là mâm đựng rượu, bát đĩa, lọ khắc chữ Hán, đinh, chiêng… cùng một số vật dụng dùng để đi săn như dao, giác mác… Do số lượng quá lớn, già làng nhận định có thể những thứ này là của cả một làng gom lại cất giấu chứ không phải chỉ của một gia đình.
Già làng Triệu Chàn Pú (71 tuổi) cho biết: “Cách đây hơn một thế kỷ, vùng đất này hoàn toàn là những dãy núi hoang vắng và không có đến một bóng người qua lại. Mãi sau này, đồng bào người Dao, người Tày mới chuyển từ nơi khác đến đây lập nghiệp. Nếu những đồ dùng kia thực sự có giá trị về mặt văn hóa của người xưa thật thì rất có thể do người dân ở nơi khác mang đến giấu tại nơi này. Cũng có thể, nơi đây từng có mộ bản làng người cổ xưa từng sinh sống ở đây cách đây hàng thế kỉ.
Anh Tòng cho hay, những ngày đầu mang đồ cổ về đã có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng mỗi người chỉ mua mỗi thứ một ít. Tổng số tiền bán cổ vật từ khi đào được đến lúc các ngành chức năng xuống kiểm tra đã lên đến gần trăm triệu đồng. “Khi đó bản thân tôi cũng không biết đó là những cổ vật có giá trị khảo cổ nên đã bán bớt đi. Cũng may, tôi cũng chỉ bán đồ cổ với số lượng ít ỏi, chứ không thì đã bị pháp luật trừng trị rồi”, anh Tòng cho biết.
Theo anh Tòng, cách đây vài tháng, lãnh đạo phòng Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch tỉnh Hà Giang, cùng Bảo Tàng tỉnh đã đến lập biên bản và xem mẫu vật. Lúc đó, anh cũng đã kí kết với cơ quan chức năng sẽ giữ lại những cổ vật này và hứa không bán để các ngành chức năng xem xét và có hướng thu hồi nếu những cổ vật này thực sự có giá trị về văn hóa.
Tuy nhiên bên cạnh niềm vui sướng vì may mắn tìm thấy kho đồ cổ khổng lồ và ẩn chứa trong đó nhiều bí ẩn, anh Tòng cũng phải đối mặt với không ít rắc rối vì có nhiều người xung quanh nhòm ngó.
“Từ lúc mang đồ cổ về, không ngày nào tôi được ngon giấc vì trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ có kẻ về trộm. Đã từng có lần, trong lúc 2 vợ chồng tôi đang ngủ trưa thì có 2 kẻ lẻn vào nhà hòng lấy trộm cổ vật của tôi trong tủ. Cũng may tôi kịp thời tỉnh dậy, hô hoán hàng xóm nên chúng đành bỏ chạy. Hiện vợ chồng tôi đã đào một căn hầm nhỏ và tuyệt đối bí mật để giấu đồ cổ tránh những khách mời không mong muốn”, anh Tòng cho hay.