Danh Nhân

Đền thờ Tiến sĩ Nguyên Bật Lãng tại xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân

Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng còn gọi là Lượng, hiệu là Xuân Sơn tiên sinh. Ông sinh năm 1546 trong một gia đình có truyền thống nho học. Là cháu huyền tôn của Lưu quận công Nguyễn tướng công làm quan đại thần vào thời vua Lê Thánh Tông(1460-1497).


Sinh trưởng trên quê hương xứ Nghệ nổi tiếng đất học, trong dòng họ danh gia vọng tộc,cùng họ với Nguyễn Xí công thần khai quốc thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Bất Lãng đã thừa kế truyền thống hiếu học của quê hương, thừa hưởng những nét tinh hoa nơi đất học. Ông sinh ra lớn lên trong bối cảnh cuộc nội chiến Nam- Bắc triều khốc liệt, một bên là triều đình Lê- Trịnh do Lượng quốc công Trịnh Kiểm thống lĩnh binh mã đánh nhau liên miên với nhà Mạc Bắc triều. Nguyên quán của Nguyễn Bật Lãng ở làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, ngày nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Quê ông có đặc điểm đất chật hẹp được bao bọc bởi sông, núi và biển. Sông Động Kèn uốn lượn quanh xã, làng Cương Gián tựa lưng vào núi Hồng Lĩnh, trước mặt làng là biển Đông bao la. Người Cương Gián thông minh,chất phác, cần cù chăm chỉ làm ăn, kiếm sống với nghề làm muối, đánh cá, săn bắn và trồng trọt.


Theo truyền ngôn của dân làng, thuở nhỏ ông Lãng nổi tiếng thần đồng, thông minh học giỏi. Khi còn ở quê nhà, những lúc rảnh rổi ông thường lên núi Trúc vãn cảnh đền cổ bên rừng trúc đẹp nổi tiếng để ngẫm nghĩ thời thế và làm thơ ngâm vịnh. Nguyễn Bật Lãng nổi tiếng văn hay chữ đẹp, lời thơ bay bổng. Thơ ngâm vịnh cảnh sông núi của ông được nhân dân truyền tụng khắp hàng tổng,hàng huyện. Tuy là bậc trí thức nho gia nhưng ông Lãng sống gần gũi, chan hòa cùng bà con lao động. Ông không hề phân biệt giàu nghèo sang hèn, trong làng ngoài xã tiếp đãi bà con bằng hữu rất chân tình và cởi mở. Mỗi khi nhân dân trong làng có việc cần thiết họ lại đến gặp ông xin chữ nghĩa, đơn từ hay nhờ kiến giải các vấn đề liên quan đến việc làng nước . Ông không bao giờ từ chối lời thỉnh cầu của đồng bào. Tuy vậy trên con đường khoa bảng ông không được may mắn “gặp hội rồng mây”như những người khác, vì nhiều lần dự thi nhưng không đỗ đạt. Trong làng có người khuyên bảo ông muốn đỗ đạt cao thì phải di cư lập nghiệp ở nơi khác. Thế là vợ chồng ông Lãng đưa mẹ già cùng con cái dọc theo bờ biển đi về phía bắc đến một cồn cát ven biển thuộc tổng Đan Hải, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An thì dừng chân ở đó, cắm 4 cọc tre làm lều che mưa nắng, hàng ngày vợ bán nước vối cho người dân vạn chài ven biển lấy tiền nuôi chồng, nuôi con ăn học. Không phụ công người vợ hiền tần tảo đảm đang, chế khoa năm Đinh Sửu ông thi đậu tiến sĩ, được nhà vua ban áo mão về vinh quy bái tổ.


Sự thật lịch sử cho thấy, trong cuộc nội chiến Nam- Bắc triều, nhà Mạc trị nước từ năm 1527 đến năm 1593 thì rút khỏi Thăng Long. Trong thời gian ấy, triều Mạc cứ 3 năm mở một khoa thi Hội tuyển chọn người tài giỏi ra giúp việc nước . Nhưng Nguyễn Bật Lãng cũng giống như giới nho sĩ Nghi Xuân, ông là con cháu công thần nhà Lê nên không công nhận triều đình nhà Mạc. Ông cho rằng nhà Mạc là giặc, ngụy triều nên đã không tham gia các kỳ thi Hội do nhà Mạc tổ chức. Trái lại khi nhà Lê đặt chế khoa đầu tiên vào năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Chính Trị thứ 8,đời Lê Anh Tông để chọn kẻ sĩ, khi đó Nguyễn Bật Lãng 19 tuổi, đã tham gia dự thi cùng với Lê Văn Xướng. Kỳ thi này ông bị trượt. Theo lời lưu truyền trong nhân dân địa phương, sau kỳ thi này ông đem gia đình về trang Đô Uyên để dùi mài kinh sử chờ thời cơ thi thố tài năng. Năm 1577(Đinh Sửu) niên hiệu Gia Thái, đời Lê Thế Tông nhà Lê tổ chức chế khoa thứ 2 để chọn nhân tài, Nguyễn Bật Lãng đã 31 tuổi ghi tên tham dự và thi đỗ chế khoa. Chế khoa năm Đinh Sửu (1577), triều đình nhà Lê lấy 3 người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, trong đó Nguyễn Bật Lãng được xếp thứ 2, đệ nhất giáp đệ nhị danh sau Lê Trạc Tú.(1) Chế khoa này được triều Lê đánh giá rất cao. Điều đó được ghi nhận tại bia tiến sĩ năm Đinh Sửu dựng ở Văn miếu Quốc Tử Giám, văn bia nêu rõ: “Khí vận quốc gia quan hệ đến nhân tài, hay dỡ cốt ở khoa mục. Nước có nhiều nhân tài ắt sẽ đi tới thái bình thịnh trị”.


Sau khi đậu tiến sĩ, Nguyễn Bật Lãng ra làm quan giúp triều Lê, ông nhận chức Chính sứ ty Chân Lộc đại phu Nam tước Thái thường Tự khanh, phụng sai Nhị xứ hùng nghĩa quân doanh(2). Trong cuộc đời mình, Nguyễn Bật Lãng đã cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lê Trung Hưng. Là một người thông minh tài trí, văn võ song toàn, một lòng trung thành với triều Lê- Trịnh, Nguyễn Bật Lãng giữ chức Thái thường Tự khanh ,viên quan đứng đầu Thái thường tự( một trong 6 tự của lục Bộ).Thái thường tự là cơ quan phụ trách việc thi hành những thể thức lễ nghi, điều khiển ban âm nhạc, trông coi các Đền miếu thờ Trời, Đất và Thần 4 mùa, hàng năm tổ chức tế lễ vào những ngày trọng đại của đất nước. Với tài năng thiên phú, tên tuổi, tiếng tăm, uy tín của ông trong triều ngày càng cao. Thời kỳ này cuộc nội chiến Nam-Bắc triều đã bước sang giai đoạn khốc liệt, nhiều trận đánh diễn ra liên miên, gây nên cảnh làng mạc điêu tàn, nhân dân phiêu bạt vì chiến tranh.Từ năm 1570-1592, các tướng Bắc triều là Mạc Kinh Điển, Mạc Đôn Nhượng, Nguyễn Quyện nhiều lần đem quân lính chiến thuyền đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An nhằm tiêu diệt lực lượng Lê- Trịnh. Hơn 10 năm 1570-1583, nhà Mạc đã tổ chức được 13 đợt tấn công vào đất Thanh-Nghệ, biến nơi đây thành bãi chiến trường ác liệt .Tiết chế Trịnh Tùng dốc toàn lực lượng đánh trả quyết liệt. Quân Mạc bị đại bại, Mạc Kính Điển phải rút quân về kinh ấp.


Được sự tin tưởng của triều đình Lê- Trịnh, bên cạnh giữ chức Thái thường Tự khanh, Nguyễn Bật Lãng được Tiết chế Trịnh Tùng giao nhiệm vụ kiêm giữ chức Thống lĩnh đội quân hùng hậu ở hai doanh trại. Là người thông minh mẫn cán, tài trí hơn người, ông đã cùng các tướng lĩnh Nam triều thực hiện kế sách “Đồng không nhà trống” chỉ đạo nhân dân sống ở ven sông, ở những vùng trọng yếu được lệnh thu hoạch mùa sớm, tổ chức di dời người và tất cả lương thực thực phẩm, súc vật lên những vùng cao, vùng miền núi để ẩn náu tránh sự cướp bóc của địch”,(3) đồng thời cho quân chốt chặn ở các cửa biển, cửa sông, vừa đánh vừa lui khi quân Mạc tiến sâu vào trong thì quân Lê- Trịnh đánh úp phía sau. Dưới sự chỉ huy tài tình của ông và tinh thần quả cảm của binh sĩ đã góp phần đánh lui địch. Tướng sĩ nhà Mạc bị lực lượng quân đội Nam triều đuổi về kinh ấp Thăng Long. Nhờ có một phần công sức đóng góp của ông Lãng nên triều đình nhà Lê đã được bảo vệ an toàn mà binh lực cũng được củng cố hùng hậu, quân đội Nam triều ngày càng mạnh. Tướng sĩ Nam triều do Trịnh Tùng thống lĩnh cũng nhiều lần tiến ra bắc đánh phá các phủ huyện do Bắc triều kiểm soát rồi rút về Thanh Hóa, Nghệ An giữ vững những nơi trọng yếu để tạo thành thế giằng co chờ thời cơ tổng tấn công. Thời kỳ này quân Nam triều liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra bắc, đến năm 1592 quân đội Nam triều do Tiết chế Trịnh Tùng thống lĩnh mở đợt tổng tiến công quy mô lớn, quyết tâm đánh chiếm kinh thành Thăng Long, quân Bắc triều nhà Mạc bị thất thủ phải tháo chạy lên Cao Bằng. Quân Nam triều nhà Lê lấy lại kinh đô Thăng Long và từ đây triều đình Lê- Trịnh tồn tại đến cuối thế kỷ XVIII.


Trước khi Nguyễn Bật Lãng cùng gia đình chuyển cư đến trang Đô Uyên sinh sống, nơi đây chỉ có cồn Bạch Long toàn cát trắng, ở giữa cồn cát là các bàu và đầm nước ngập mặn, đất đai cằn cỗi, hoang vu chưa có người ở. Trước những điều kiện tự nhiên sát biển, đất ngập mặn, nhiều đầm hồ sâu trũng, thời tiết khắc nghiệt mưa rét hạn hán rất khó phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên những khó khăn đó không làm ông Lãng nản chí sờn lòng, trái lại thôi thúc ý chí quyết tâm khai phá, lập trang ấp ven biển. Sau khi đậu tiến sĩ, ngoài việc cống hiến tài năng,trí tuệ và sức lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Nguyễn Bật Lãng bắt tay vào việc xây dựng quê hương, khai dân lập ấp,mở mang dân trí, phát triển kinh tế trang Đô Uyên.


Bãi cát ven biển ngập mặn, quanh năm thiếu nước ngọt, làm nghề nông rất khó khăn, người dân ví von: “Đô Uyên trang là làng không ruộng”. Thiếu nước uống, thiếu lương thực, thực phẩm là thách thức lớn nhất đối với Nguyễn Bật Lãng. Để giải quyết tình trạng này, việc đầu tiên ông tiến hành là đào mương dẫn nước ngọt từ đầu nguồn ở núi Lần chảy qua các xã Tiên Điền, Đan Hải về trang Đô Uyên và đổ ra biển tại của Lạch Đào . Sáng kiến của Nguyễn Bật Lãng không những giải quyết được vấn đề nước ngọt mà còn có tác dụng tiêu úng chống ngập lụt vào mùa mưa bão lũ lụt.


Để phát triển kinh tế ổn định đời sống của đồng bào, ôngdạy (4)dân biết nghề đan thuyền, đan lưới, đánh bắt hải sản ven biển và bịt trống. Những hải sản đánh bắt được từ biển cả, được thu nhận và mang đi bán tại các chợ ở vùng lân cận, đồng thời mua lương thực, hàng hóa về trang ấp. Nhờ ông dạy bảo dân mà lâu dần việc thông thương buôn bán ngày càng phát triển, hình thành mạng lưới bến bãi, chợ đầu mối thu gom hải sản, đường sá được nâng cấp, việc giao thương đi lại rất tiện lợi, đời sống của dân trang phát triển hơn. Nghề đánh bắt hải sản phát triển đã kéo theo các nghề đóng thuyền, đan lưới, bịt trống ở trang Đô Uyên cũng khởi sắc lên nhiều. Ngoài việc dạy dân đánh cá, đóng thuyền, đan lưới, tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng còn huy động dân trang Đô Uyên khai hoang lấn biển. Nhằm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, đồng thời chống nước biển ăn sâu vào đất liền và tiếp tục công cuộc lấn biển, ông dạy dân trồng cây chắn sóng gió. Nhờ những cống hiến của ông, mà từ một bãi cát hoang vu cằn cỗi dân cư thưa thớt, dần dần trở nên đông đúc,trù mật, lập thành trang Đô Uyên, đơn vị hành chính thời Lê tương đương cấp xã .


Là người có công mở mang dân trí. Ngày ấy Đô Uyên là trang ấp mới được thành lập, đồng bào chủ yếu là dân góp từ nhiều địa phương tụ hội về đây. Cuộc sống nơi mới đến định cư vốn gặp rất nhiều khó khăn, do đó người dân không thích việc học hành, chữ nghĩa. Sau khi dạy dân làm ăn, phát triển kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng đã quan tâm đến việc mở mang dân trí cho dân trang ấp. Ông mở lớp dạy chữ Hán-Nôm cho con em trong gia đình mình, trong họ hàng. Do sự tận tình dạy dỗ chỉ bảo của Nguyễn Bật Lãng nên con cháu có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan lớn như Hương cống Nguyễn Bật Cát, Hương cống Nguyễn Mong. Danh tiếng và uy tín của ông được lan rộng nhiều người biết đến, nhân dân ở trang Đô Uyên và các làng xã thuộc huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang đưa con em đến gửi nhờ dạy dỗ, rèn tập chữ nghĩa, văn bài, thơ phú. Đáp ứng nhu cầu của mọi người, ông đã mở lớp dạy học để đào tạo nhân tài cho đất nước. Nho sĩ các nơi theo về lớp học do ông mở rất đông. Học trò của ông có rất nhiều người đỗ đạt cao trong các khoa thi do triều đình nhà Lê tổ chức .


Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng không những mở mang kiến thức cho dân trong trang Đô Uyên mà còn đào tạo cho triều đình Lê-Trịnh nhiều danh nhân, nhân tài kiệt xuất. Ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều đời sau. Con cháu xa đời của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng cũng có nhiều người đỗ đại khoa, có tài xuất chúng như tiến sĩ Nguyễn Hành, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Ngày nay con cháu xa đời của ông vẫn giữ vững truyền thống hiếu học hiền tài, điển hình có nhà báo Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Ủy viên Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI.


Trong suốt thời gian làm quan giúp nhà Lê Trung hưng trị nước tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng là người tận tâm với công việc, rất mực trung thành với triều đình, được vua Lê Thế Tông, chúa Trịnh Tùng trọng dụng và đánh giá là một con người văn võ song toàn. Sau khi ông mất, triều đình đã ban cấp vàng bạc để lo việc an táng, nhân dân nhớ ơn xây dụng đền thờ ông tôn làm thành hoàng trang Đô Uyên. Cuộc đời, sự nghiệp tên tuổi của tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng đã được viết nhiều trong sử sách, được ghi vào bia đá ở những nơi trang trọng và được nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn to lớn như biển rộng như núi cao. Cảm tạ ơn đức của Nguyễn Bật Lãng, sau khi ông mất triều đình ban cấp sắc phong tặng ông chức Thị lang, tước Bá, nhân dân trang Đô Uyên tôn thờ làm Thành hoàng, lập đền thờ ông ven biển phía đông gò ấn Khôi Nguyên thuộc xã Tiên Bào, nay là xã Xuân Yên. Các triều đại Lê- Nguyễn đánh giá ông rất cao, ban tặng sắc phong tôn ông làm trung đẳng thần,thượng đẳng thần giao cho trang Đô Uyên, trang Cam Lâm và làng Cương Gián thờ tự theo nghi lễ nhà nước đương thời. Hiện nay đền thờ ông ở trang Đô Uyên, nay là xã Xuân Yên và các di tích thờ tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng ở xã Cương Gián và xã Xuân Liên đều được nhà nước xếp hạng cấp bằng công nhận,di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh./.


Chú thích:

“Đại Việt sử ký” phần bản kỷ tục biên chép chế khoa năm Đinh Sửu (1577) lấy 5 người đỗ, 3 người bọn Lê Trạc Tú đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuât thân, 2 người bọn Hồ Bỉnh Quốc đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân.
Tờ trình của lý trưởng,chức sắc trang Đô Uyên đề ngày 20/9 năm Khải định thứ 5 gửi triều đình Huế xin cấp sắc phong thần đối với Nguyễn Bật Lãng.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”

(4) Hồ sơ di tích lịch sử- văn hóa Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Yên.


Đặng Viết Tường

Nghi Xuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP