Sáng 9-11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ.
4,1 tỉ lít bia và gần 4 tỉ USD
Năm 2010, Việt Nam xếp thứ hai các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới về mức độ tiêu thụ rượu, bia thì đến năm 2017, bà Tiến cho hay: “Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc”. Trong năm 2017, Việt Nam đã tiêu thụ gần 4,1 tỉ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn (bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia).
“Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỉ USD” - Bộ trưởng Y tế cho biết.
Theo bà Tiến, tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thực hiện trên 14.990 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện tại sáu tỉnh thì 28% người đi xe máy có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (50 mg/100 ml). Đáng chú ý hơn, có đến 63,4% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép (0 mg/100 ml).
Thống kê hằng năm, có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Rượu, bia đang gây ra những tác động khủng khiếp về mặt xã hội, sức khỏe cộng đồng. Trong ảnh: Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng do nữ tài xế xe BMW say rượu gây ra ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) mới đây. Ảnh: BN |
Cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Y tế cho hay Chính phủ đề nghị thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp rượu, bia; giảm sản lượng sản xuất rượu thủ công không có giấy phép kinh doanh. Song song với đó là đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia.
Dự thảo quy định các trường hợp không được sử dụng rượu, bia bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc. “Đây là các nhóm đối tượng mà việc sử dụng rượu, bia không chỉ tác động đến bản thân người đó mà còn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến người khác và cộng đồng, chất lượng lao động, và nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước” - tờ trình của Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra, một số địa điểm cũng bị cấm sử dụng rượu, bia gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trừ nơi làm việc là địa điểm bán rượu, bia; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.
Đối với kiểm soát khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, dự thảo luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ nhưng có phân chia mức độ kiểm soát khác nhau, tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm (dưới 5,5 độ và từ 5,5 đến dưới 15 độ)...
Cấm tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết cơ quan này đồng tình với chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia”. Tuy nhiên, ủy ban đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch nguyên tắc của lộ trình tăng thuế ngay trong luật...
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, theo bà Thúy Anh, một số ý kiến trong ủy ban cho rằng quy định “cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức” là chưa phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và Luật Thương mại. Cụ thể, Luật Quảng cáo chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên, trong khi Luật Thương mại chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
“Ủy ban thấy rằng quy định này là cần thiết, vì theo các nghiên cứu, với cùng một lượng rượu hay bia và có cùng một độ cồn, khi dung nạp vào cơ thể người sẽ có tác hại như nhau mà không có sự phân biệt giữa rượu hay bia” - bà Thúy Anh nói.
Ngoài ra, cũng có ý kiến trong ủy ban này đề nghị bổ sung hành vi cấm “tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia” vào dự thảo luật.
Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.
Không được bán rượu, bia trên Internet
Ngoài ra, dự thảo luật cũng có một quy định đáng chú ý: “Không được bán rượu, bia trên Internet”.
Đa số thành viên ủy ban đồng tình với dự thảo luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định trên không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên Internet.
“Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam...” - báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Mất 50.000 tỉ đồng giải quyết hậu quả tai nạn giao thông do rượu, bia
Bà Tiến cũng cho hay phí tổn kinh tế do rượu ở Việt Nam, nếu tính mức thấp nhất của thế giới (là 1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỉ đồng.
Uớc tính tổng gánh nặng trực tiếp của sáu bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỉ đồng theo GDP năm 2017).
Đáng chú ý, theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có gần 44% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và hơn 22% đã uống đến mức say ít nhất một lần.
Năm 2015, có tới hơn 44% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Tình trạng này phổ biến ở các hộ gia đình người dân tộc thiếu số, miền núi và nông thôn.
Tác giả: ĐỨC MINH - VIẾT LONG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM