Cụ thể, nội dung này được đề cập trong phần dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, phần về dự toán chi. Cơ bản thống nhất với phương án dự toán chi ngân sách năm sau, nhưng UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần cơ cấu lại các khoản chi ngân sách, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm, rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết. Tập trung nguồn để bố trí tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, tăng chi trả nợ trực tiếp của ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về chi đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách TƯ không quá 30% tổng vốn đầu tư phát triển của ngân sách TƯ trong năm. Ngân sách TƯ cần tập trung đầu tư cho các dự án, công trình lớn mang tính chiến lược, đột phá, huyết mạch để tạo ra bước phát triển mới, đồng thời, chỉ hỗ trợ địa phương những dự án, công trình có tính lan tỏa, liên kết vùng.
Về chi thường xuyên, UB Tài chính – Ngân sách nhất trí với giải pháp tiết kiệm tối đa. Một số ý kiến đề xuất cần mở rộng thêm việc áp dụng chế độ khoán xe công và một số lĩnh vực khác để tăng cường tiết kiệm, giảm áp lực chi tiêu công.
Riêng về bố trí điều chỉnh tiền lương cơ sở, ông Hải nói rõ, một số ý kiến trong UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn, vì vậy, đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) là hợp lý.
Những ý kiến này đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, lưu ý đi kèm là việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.
Về chi trả nợ, ý kiến trong UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc thì chi trả nợ năm 2017 tăng lớn so với năm 2016, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về vấn đề trả nợ gốc, nợ lãi trong dự toán ngân sách của năm 2017.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cho biết, Chính phủ xây dựng dự toán tổng thu cân đối ngân sách năm 2017 là 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện 2016.
Chính phủ dự toán bội chi năm 2017 khoảng 3,5% GDP. Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây là mức bội chi tích cực, cần kiên định thực hiện mức bội chi này để bảo đảm các tỷ lệ nợ công trong giới hạn an toàn, trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, không tăng bội chi ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, trường hợp tăng thu ngân sách thì cần ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đây cần được coi là một nguyên tắc quan trọng trong điều hành ngân sách trong giai đoạn ổn định ngân sách mới 2017-2020.
P.Thảo