Giáo viên mầm non được coi là nghề đặc thù nên nhiều cử tri mong giảm tuổi nghỉ hưu - Ảnh: HÀ QUÂN |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Đề xuất giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại
Theo đó, cử tri đề nghị xem xét bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào danh mục nghề độc hại, nặng nhọc, đồng thời có chính sách phù hợp hỗ trợ người làm việc trong ngành, nghề này yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, Bộ luật Lao động đã quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu.
Những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.
Giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, cũng như viên chức, người lao động thực hiện theo quy định này.
Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo viên mầm non.
Từ đó, để có căn cứ đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non so với quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được bộ này chủ trì soạn thảo đã đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước 5 năm so với quy định hiện nay.
Đề nghị cân nhắc, tránh tạo "đặc quyền, đặc lợi"
Còn trong dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý về nội dung liên quan đến nhà giáo có thể nghỉ hưu trước 55 tuổi nhưng không bị trừ tỉ lệ lương hưu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xem xét lại.
Bởi ông cho rằng nếu quy định như vậy sẽ phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội và đây là điều không nên. Ông cho rằng nên có chính sách khác, còn quy định như vậy sẽ là "đặc quyền, đặc lợi và mâu thuẫn Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua".
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng vấn đề đề xuất nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu và không trừ tỉ lệ lương hưu như quy định trong dự luật sẽ khác với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Ông nói phải có lý giải hết sức thuyết phục và việc gì cần phải thực hiện khác và trong trường hợp có quy định thực hiện khác cần có đề xuất sửa đổi đồng bộ ở các luật, nếu không sẽ không thực hiện được.
"Nếu quy định giáo viên mầm non nghỉ hưu trước 5 tuổi và được giữ nguyên tỉ lệ lương hưu không bị trừ, đó là quy định khác với Luật Bảo hiểm xã hội và phải được sửa đổi đồng bộ.
Chúng ta nghiên cứu chính sách như thế nào, còn tôi thấy giáo viên mầm non rất vất vả", ông Tùng nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định việc này.
Giải trình sau đó về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay dù điều này đã được quy định khác tại Bộ luật Lao động, nhưng nếu chờ Bộ luật Lao động sửa sẽ rất lâu.
Ông nói đây là việc giáo viên mầm non, tiểu học trông ngóng, kiến nghị gửi đơn thư rất nhiều suốt 2 năm vừa qua, trong phiên họp của Quốc hội cũng được đề cập rất nhiều.
Ông cho rằng có vài điểm trong dự luật mặc dù khác nhưng cũng mong khi ban hành luật này sửa được một điều gì rất có lợi cho nhà giáo, động viên nhà giáo.
Tác giả: THÀNH CHUNG
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ