Giáo dục

Giáo viên mầm non phải bỏ học sinh để đi bê gạch, lao động ngay trong giờ dạy?

Trong đơn thư gửi đến Báo Điện tử VOV, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm, Chủ tịch Công đoàn Trường Mâm non Hoa Mai phản ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai thường xuyên yêu cầu giáo viên phải luân phiên ra ngoài lao động, bê gạch đá ngay trong giờ học, có những từ ngữ thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng giáo viên.

Theo đó, trong đơn thư, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hoa Mai (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) phản ánh, theo quy định, giáo viên khi đến trường có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm thường xuyên yêu cầu các lớp phải “cắt bớt” một giáo viên ra ngoài làm công việc vệ sinh môi trường, làm vườn, bốc gạch, bốc vác...

“Mỗi lớp học đều từ 20-35 trẻ, tùy từng độ tuổi, để đảm bảo an toàn cho trẻ với vô số hoạt động, giáo viên cần tập trung và rất vất vả. Đầu năm học ngành giáo dục đều có chỉ đạo yêu cầu đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Mỗi giáo viên chúng tôi đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Trường Mầm non Hoa Mai vẫn thường phản ánh là thiếu giáo viên và đã được tuyển thêm 18 chỉ tiêu, song thực tế khi các lớp có 2 giáo viên đứng lớp, thì hiệu trưởng lại yêu cầu giáo viên cắt cử để ra ngoài lớp học lao động.

Trường Mầm non Hoa Mai (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Chúng tôi biết rằng việc tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp là việc đáng làm, nhưng không thể phần lớn các ngày trong tháng đều yêu cầu giáo viên bỏ các tiết dạy trên lớp để ra ngoài lao động. Mỗi buổi sáng đến trường, giáo viên thường xuyên phải mang theo 2 bộ đồ nghề, một bộ để mặc khi giảng dạy, một bộ quần áo bảo bộ, nón, mũ, ủng, gang tay để lao động.

Nhiều ngày chúng tôi phải lao động từ 8h15 phút đến 11h, buổi chiều tiếp tục làm từ 2h chiều đến 4h30 chiều. Tình trạng này diễn ra kéo dài. Thậm chí giáo viên phải lao động vào ngày nghỉ lễ bù của nhà nước và cuối tuần, những dịp này nhiều người có con nhỏ phải đưa cả con đến trường vừa trông con vừa lao động. Tình trạng này không chỉ sai quy định, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của trẻ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm cho biết.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châm phản ánh giáo viên thường xuyên phải ra ngoài lao động ngay trong thời gian dạy học (Ảnh: N.T.N.C)

Trong đơn thư, bà Nguyễn Thị Ngọc Châm cũng phản ánh, có trường hợp giáo viên nữ nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè nhưng không được nghỉ bù, cũng không được nhận tiền khi không nghỉ bù theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châm cho biết Hiệu trưởng tự yêu cầu giáo viên lao động trong thời gian chuyên môn mà không lấy ý kiến của giáo viên trước đó.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Châm, năm học 2023-2024, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai đã yêu cầu giáo viên đi làm thứ 7, lấy điểm đi làm thứ 7 để đánh giá thi đua giáo viên theo tháng và dùng làm tiêu chí xếp loại thi đua cho giáo viên, điều này là sai quy định về tiêu chí thi đua.

“Việc làm thêm cuối tuần phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện của giáo viên, nhu cầu của phụ huynh học sinh. Số tiền làm thứ 7 được tính như tiền làm thêm giờ của giáo viên. Việc xếp hạng, đánh giá thi đua dựa trên việc có làm thứ 7 hay không là không hợp lý. Nhà trường nói không ép buộc, hoàn toàn tự nguyện, nhưng lại đưa vào tiêu chí đánh giá thì không giáo viên nào dám “không tự nguyện””, bà Châm bức xúc cho biết.

Giáo viên này cũng nói rằng, mức lương của giáo viên mầm non đã thấp, công việc vất vả, thế nhưng hầu hết giáo viên đều phải thường xuyên bỏ tiền túi để tự mua đồ dùng học tập, trang trí lớp học cho học sinh. Khi giáo viên có ý kiến về việc bổ sung đồ dùng, đồ chơi cần thiết cho các lớp học, Hiệu trưởng lại trả lời: “đi cày phải tự mua trâu”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châm cho biết, với vai trò là Chủ tịch công đoàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tập thể người lao động tại Trường Mầm non Hoa Mai, thời gian qua bà đã nhiều lần kiến nghị các vấn đề trên với Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai song không được giải quyết. Sau khi có đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng như Phòng GD-ĐT huyện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai nhiều lần gọi bà Châm lên nói chuyện riêng tại phòng làm việc ngoài giờ hành chính. Trong những cuộc nói chuyện này, có những từ ngữ thiếu chuẩn mực, xưng hô “mày tao”.

Bên cạnh đó, trong các cuộc họp với đông giáo viên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai cũng thường xuyên có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, nói giáo viên “không có não”, “lơ ngơ”…

“Sau khi phản ánh những bất cập để đòi quyền lợi chính đáng cho giáo viên, trong lần xét thi đua năm học vừa qua, toàn bộ giáo viên nhà trường biểu quyết nhất trí đánh giá tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ có 3 thành viên trong ban giám hiệu đánh giá tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên theo kết quả cuối cùng, hiệu trưởng vẫn quyết định tôi ở mức hoàn thành nhiệm vụ và xếp thứ 36/37. Thời gian qua khi lên tiếng, gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên toàn trường, nhưng tôi lại được cấp trên cho rằng đang vi phạm những điều Đảng viên không được làm”, bà Châm bức xúc.

Để làm rõ những nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Tại buổi làm việc, bà Tâm xác nhận có việc bà Nguyễn Thị Ngọc Châm viết đơn phản ánh đến các cấp về các vấn đề tại nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu Trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Liên quan đến phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc Châm về việc yêu cầu giáo viên đi lao động trong giờ dạy học, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho hay, trong thời gian dịch Covid-19 và dịp giáp Tết năm 2024, trường có tu sửa, yêu cầu giáo viên dọn dẹp khuôn viên trường lớp. Trừ số giáo viên nghỉ thai sản, thì chỉ có 4-5 giáo viên mỗi ngày cùng nhân viên nhà trường ra làm những việc bên ngoài.

“Bản thân tôi nhìn nhận được về vấn đề đưa giáo viên ra ngoài làm việc là chưa đúng, nhưng nghĩ rằng trong lớp có 1 giáo viên vẫn đảm bảo công tác giảng dạy cho các con. Sau khi cô Châm có ý kiến, Phòng GD- ĐT đã về kiểm tra và xác minh, khi đó chúng tôi nhận ra sai sót của mình và dừng việc này lại”, bà Tâm nói.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai phủ nhận thông tin có học sinh bị ngã phải đi viện cấp cứu trong thời gian cử giáo viên ra ngoài lao động và khẳng định việc giáo viên lao động đã lấy ý kiến toàn trường từ trước, có sự đồng thuận mới thực hiện.

Về việc giao tiếp thiếu chuẩn mực với giáo viên, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Khi nói chuyện ngoài giờ tại phòng làm việc hiệu trưởng từ 21h-23h tối, nội dung trao đổi về công việc có nhiều vấn đề bất cập, bức xúc nên tôi mới xưng “mày tao”. Bên cạnh đó, bà Tâm cũng khẳng định, một số cuộc họp có nói giáo viên “không có não” không biết suy nghĩ song không có ý xúc phạm giáo viên.

Về việc giáo viên phải tự bỏ tiền ra mua đồ dùng học tập cho học sinh, bà Tâm giải thích, đây là “đầu tư” của giáo viên trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi, bởi chi phí cho các tiết dạy để đi thi vượt quá quy định của nhà trường. Nhiều giáo viên tâm huyết với tiết dạy sẽ tự bỏ tiền túi để mua đồ dùng phục vụ tiết học.

“Tra từ điển thấy từ ngữ của Hiệu trưởng không mang tính xúc phạm”

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Phòng GD-ĐT huyện Bình Xuyên cho biết, qua quá trình xác minh, Phòng GD-ĐT nhận thấy có tình trạng Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai yêu cầu giáo viên lao động trong giờ giảng dạy, yêu cầu ban giám hiệu và hiệu trưởng kiểm điểm.

“Về ngôn ngữ giao tiếp, phát ngôn của Hiệu trưởng cô Nguyễn Thị Ngọc Châm cho rằng Hiệu trưởng nhà trường có những lời lẽ xúc phạm. Về việc xưng mày tao với giáo viên, kết luận xác minh tố cáo đã nói rõ đây là cuộc đối thoại giữa Hiệu trưởng và giáo viên ngoài giờ làm việc . Thứ 2, trong clip giáo viên gửi về phòng GD-ĐT có câu hiệu trưởng nói “giáo viên ai cũng có não”, “không biết thì hỏi đồng nghiệp…đừng có lơ ngơ như thế”, giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Châm cho rằng đây là những từ ngữ mang tính xúc phạm giáo viên. Tuy nhiên khi tra từ điển, chúng tôi nhận thấy từ “lơ ngơ” không phải từ xúc phạm”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, sau khi có đơn thư và xác minh thông tin, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Tâm nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước tập thể Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm trong quá trình chủ đạo, tổ chức cho giáo viên lao động trong giờ học, sử dụng từ ngữ chưa chuẩn mực trong cuộc họp và giao tiếp với đồng nghiệp trong và ngoài cuộc họp. Không tổ chức cho giáo viên lao động trong giờ học nhằm đảm bảo quyền của giáo viên cũng như việc chăm sóc trẻ đúng quy định. Trường hợp cần thiết thì báo cáo cấp ủy chi bộ và lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện cho ý kiến mới tổ chức thực hiện.

Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Tâm sử dụng từ ngữ chuẩn mực trong các cuộc họp và giao tiếp với đồng nghiệp ngoài cuộc họp theo quy định về ăn hóa ứng xử của trường mầm non Hoa Mai.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP