Trong nước

Đề nghị truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can

Cơ quan điều tra xác định, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký đối với loại thuốc ung thư giả dẫn đến gây thiệt hại hơn 50,6 tỉ đồng.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ VN Pharma


Ngày 11/11, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ, chuyển VKSNDTC, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.

Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố đối với bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma; Võ Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C, và 7 người khác về tội buôn bán hàng giả.

Ba bị can Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Việt Hùng, nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế và Lê Đình Thanh, công chức Cục Hải quan TP HCM, bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai bị can còn lại là Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng quản lý giá thuốc - Cục Quản lý dược và Phạm Hồng Châu, nguyên trưởng phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý dược bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo kết luận điều tra, trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp số đăng ký thuốc vào tháng 4/2005, ông Cao Minh Quang, thời điểm đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký quyết định 63 ban hành danh sách chuyên gia thẩm định hồ sơ đăng ký và quy chế hoạt động của chuyên gia thẩm định kèm theo quy chế này. Đến năm 2006 và 2007, ông Quang không thực hiện quy định này.

Vào tháng 5/2007, Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định 1753 ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng xét duyệt thuốc (HĐXDT). Tháng 6/2007, ông Quang ký ban hành quy trình chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuốc để đưa ra thẩm định và xử lý biên bản, không nêu quy định về nhóm trưởng nhóm chuyên gia thẩm định.

Mặc dù đã có các văn bản mới ban hành và quy chế 63 của Cục Quản lý Dược chưa bị bãi bỏ. Do đó vào thời điểm năm 2009 - 2010, ông Trương Quốc Cường không phân công nhóm trưởng nhóm chuyên gia là trái quy định theo quy chế nêu trên.

Cơ quan An ninh điều tra còn xác định hồ sơ xin cấp số đăng ký 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin có nhãn Health 2000 không đảm bảo về mặt hồ sơ pháp lý. Chuyên gia thẩm định tiểu ban pháp chế Nguyễn Thị Thu Thủy tự ý thẩm định lại hồ sơ, tẩy xóa thay đổi kết quả đánh giá đề xuất của tiểu ban pháp chế từ đề xuất “Không cấp số đăng ký” thành “Bổ sung hồ sơ” mà không trao đổi với các thành viên, không báo cáo lãnh đạo.

Đối với bị can Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc - Thư ký Hội đồng xét duyệt thuốc) và ông Nguyễn Việt Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc) đã thiếu trách nhiệm không kiểm tra, rà soát kỹ biên bản thẩm định, để từ đó đồng ý đưa 2 loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin ra HĐXDT Bộ Y tế cấp số đăng ký.

Đối với ông Trương Quốc Cường, thời điểm đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt thuốc với trách nhiệm là người đứng đầu nhưng để xảy ra sai phạm trong thẩm định, xét duyệt 2 hồ sơ thuốc nêu trên đã gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

Kết luận điều tra xác định, trong quá trình điều tra ông Trương Quốc Cường hợp tác, thành khẩn khai báo, thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm tại Cục Quản lý Dược.

Bản thân ông Cường có nhiều thành tích trong quá trình công tác tại Bộ Y tế, được Nhà nước tặng nhiều Huân chương, Huy chương, bằng khen; Gia đình có công với cách mạng nên Cơ quan An ninh điều tra đề nghị VKSNDTC xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.

Tác giả: Như Loan

Nguồn tin: Báo Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP